Dịch COVID-19 làm thay đổi từ suy nghĩ đến hành động

Ngồi trong phòng làm việc, những chiếc máy tính, iPad được bật lên, thay cho ngồi ôtô chạy đến hội trường, đó là cách họp mới của nhiều cơ quan hiện nay.

Dịch COVID-19 làm thay đổi từ suy nghĩ đến hành động - 1

Giám sát điều hành đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ảnh: P.V

Ngồi trong phòng làm việc, những chiếc máy tính, iPad được bật lên, thay cho ngồi ôtô chạy đến hội trường, đó là cách họp mới của nhiều cơ quan hiện nay.

“Chủ tịch tỉnh, các thành viên khác của ủy ban và giám đốc các sở có mặt trên không gian ảo, ai ở yên đó, và công việc vẫn được triển khai đầy đủ. Có khi ngồi trên ôtô đi công tác, tôi vẫn điều hành cuộc họp bình thường”, ông Phan Ngọc Thọ - Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết.

Không chỉ các địa phương, mà nhiều bộ ngành Trung ương cũng triển khai các chương trình họp trực tuyến thay thế cho cách họp tập trung trước đây. Cả bộ máy hành chính của một địa phương đều thực hiện như vậy, sẽ tiết kiệm thời gian, tiền bạc và giảm bớt ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Mở rộng hơn, nếu như các doanh nghiệp, tổ chức khác đều làm việc theo cách thường nói là “4.0” thì đất nước sẽ có một bước thay đổi tích cực.

Không chỉ là hoạt động của nội bộ trong cơ quan nhà nước, mà kết nối với người dân trong quan hệ Nhà nước - Công dân. Doanh nghiệp, người dân không phải chầu chực trước cửa cơ quan chờ đợi sự ban phát của ông công chức, mà ngồi ở nhà bấm nút trên máy tính. Người dân không phải xin, công chức không phải cho, mà chương trình công nghệ thực hiện, công bằng và minh bạch, không có chỗ cho tiêu cực, nhũng nhiễu.

Nhìn từ góc này thì dịch COVID-19 cũng giúp chúng ta thay đổi, từ suy nghĩ đến hành động. Cụ thể ở đây là Chính phủ điện tử, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thúc giục rất nhiều nhưng chuyển biến vẫn chậm. Con virus SARS-CoV-2 đã đuổi chúng ta chạy nhanh hơn.

Tất nhiên, sự thay đổi như trên không phải là giải pháp tình thế lúc dịch bệnh, mà sẽ tiếp tục triển khai thật mạnh để hoàn thiện chương trình Chính phủ điện tử, kết nối từ Trung ương đến địa phương, liên thông các ngành. Những thành công hôm nay là một bước tiến, chưa phải là đi tới đích.

Sự chậm chạp của triển khai Chính phủ điện tử ở một số địa phương, đơn vị là vì lãnh đạo chưa sẵn sàng, tư duy quản lý thủ công vẫn còn trong não trạng. Chính người lãnh đạo lười học hỏi, thiếu kỹ năng về công nghệ thông tin, không có kiến thức về cuộc cách mạng 4.0 thì sẽ xa lạ với những gì thuộc về tiến bộ.

Còn một thứ chưa sẵn sàng nữa là hạ tầng phục vụ cho các chương trình số hóa và liên thông dữ liệu. Hãy dẹp bỏ bớt các dự án quảng trường, tượng đài, phù điêu, đền thờ, dành tiền đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin. Cuối cùng là người dân cũng phải sẵn sàng, hội nhập vào không gian hành chính của Chính phủ điện tử.

Theo Lê Thanh  Phong

Báo Lao động