Bạn đọc viết

Đi vào vùng tâm lũ

Thật khâm phục những người dân miền Trung trong khó khăn vẫn kiên cường bám trụ và không ngừng vươn lên tái thiết quê hương sau mỗi lần thiên tai bão lũ


Hầu như tất cả các vườn mai ở xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) bị nhấn chìm trong nước lũ

Hầu như tất cả các vườn mai ở xã Nhơn An (thị xã An Nhơn, Bình Định) bị nhấn chìm trong nước lũ

Tôi sống và làm việc tại Đà Nẵng. Vì vậy, có lẽ trong những ngày qua, khi cơn lũ tràn về các tỉnh miền Trung, đặc biệt là Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng từng giây từng phút vẫn luôn bám sát và truyền đi nhưng thông tin mới nhất về diễn biến lũ lụt ở các tỉnh này, tuy nhiên điều đó cũng chưa thể giúp tôi hình dung một cách toàn diện và đầy đủ nhất về sự tàn phá ghê gớm của lũ lụt cũng như những vất vả của người dân nơi đây đang từng ngày từng giờ chung sống và chống chọi với nó. Và phải đến sáng 19/12/2016, khi từ Đà Nẵng vào Bình Định, tận mắt chứng kiến cảnh tượng tại các thị trấn, làng thôn ven Quốc lộ 1A nơi cơn lũ đi qua, tôi mới thật sự cảm nhận được hết những tan thương, mất mát mà người dân tại các tỉnh này phải gánh chịu trong đợt lũ vừa qua nghiêm trọng như thế nào.

Phải nói rằng, cảm giác đầu tiên đến với tôi khi chứng kiến những thiệt hại mà lũ lụt gây ra đối với các tỉnh miền Trung đó là sự tan hoang, xơ xác. Từ Quảng Nam vào tới Bình Định, mặc dù đến thời điểm hiện tại, nước lũ đã rút, tuy nhiên, nhiều khu vực đồng ruộng hai bên Quốc lộ 1A vẫn còn ngập sâu trong nước. Không ít nhà dân vẫn bị cô lập giữa biển nước mênh mông. Tại những nơi nước đã rút, rác sinh hoạt cộng với cành cây, bùn đất vương vãi khắp nơi hoặc bám trên nhưng lùm tre, hàng rào cản trở dòng chảy của lũ. Trên các sông Bà Rén (Quảng Nam), Trà Khúc, sông Vệ (Quảng Ngãi), Lại Giang (Bình Định)... dòng nước đỏ lừ vẫn cuồn cuộn gầm thét và tràn ngập các khu vực canh tác rau xanh, hoa màu cũng như nhà cửa của người dân sống ở ven sông. Quốc lộ 1A chạy qua các tỉnh này nhiều đoạn bị xói lở, các công trình đang thi công ven đường như đường bê tông nông thôn, hệ thống kênh mương nội đồng.... bị dòng nước bao vây hoặc cuốn trôi. Và còn đó biết bao tổn thất nữa mà chúng tôi không sao kể hết được!

Khi vào đến An Nhơn (Bình Định) - Một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong đợt lũ lụt vừa qua, nhìn từ xa dường như thị xã này đang ở giữa một biển nước lớn. Nhìn cánh đồng An Nhơn hai bên Quốc lộ, tôi có cảm giác nước mênh mông tới tận chân trời. Đặc biệt, khi qua vùng chuyên canh hoa mai ở An Nhơn, trên đoạn đường chưa tới 10 km ven Quốc lộ 1A, nhiều ruộng mai với hàng vạn chậu mai chuẩn bị chuyển đi đến khắp mọi miền tổ quốc trong mùa xuân này đang bị nước nhấn chìm. Tuy vậy, thấp thoáng đâu đó giữa cái biển nước mênh mông đó, chúng tôi vẫn thấy những người nông dân đang cố gắng đến kiệt sức để “giành giật” với thiên nhiên những thành quả lao động cuối cùng của mình bằng việc tưới nước rữa bùn và di chuyển các chậu mai lên những vùng đất cao hơn. Nhìn cảnh tượng này, tôi vô cùng đau xót và thầm nghĩ, không biết người dân nơi đây sẽ ra sao trong mùa xuân này khi mà công sức cả năm của họ đang bị chìm sâu trong dòng nước lũ!

Chúng tôi rẽ xuống huyện Tuy Phước - Nơi được mệnh danh là “rốn lũ” của tỉnh Bình Định, cảnh tượng cũng không khá hơn những gì chúng tôi đã tận mắt chứng kiến ở các địa phương khác. Đoạn đường tỉnh lộ Tuy Phước đi Phù Cát và cả hệ thống đường bê tông trong các thôn xóm bị xói lở nghiêm trọng, để lại sau lũ những hầm hố sâu hoắm, nhiều nơi nước vẫn tràn qua đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện giao thông. Đặc biệt, tới đâu chúng tôi cũng được bà con chia sẻ về những trường hợp không may gặp nạn trong đợt lũ này hiện vẫn chưa tìm được thi thể. Mặc dù vậy, nhưng bước qua đau thương, người dân nơi đây vẫn đang khẩn trương vệ sinh môi trường, dọn dẹp nhà cửa, bước đầu ổn định cuộc sống để tiếp tục sản xuất. Trong khi đó, chính quyền cũng đang khẩn trương tiền hành công tác cứu trợ lương thực, thực phẩm, hỗ trợ tài chính để nhân dân dựng lại mái nhà mới (đối với trường hợp nhà cửa bị sụp đổ do lũ) trong những ngày trước tết Đinh Dậu 2017.

Trải nghiệm từ vùng tâm lũ đem lại cho tôi thật nhiều suy nghĩ. Hàng năm, khúc ruột miền Trung phải oằn vai gánh chịu hàng chục trận lũ lụt, thiên tai, thiệt hại là không sao kể xiết! Điều kiện kinh tế xã hội cũng như đời sống nhân dân vẫn còn nhiều khó khăn một phần cũng xuất phát từ chính nguyên nhân này. Tuy vậy, thật khâm phục những người dân miền Trung trong khó khăn vẫn kiên cường bám trụ và không ngừng vươn lên tái thiết quê hương sau mỗi lần thiên tai bão lũ

Nghĩa Bình