Đi học là hạnh phúc

Học tập là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. Những giá trị của truyền thống học tập của dân tộc được kết tinh trong nhân cách và tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhân năm học mới (2016 - 2017) với nhiều hứa hẹn mới, ôn lại và tôn vinh những giá trị hiếu học của dân tộc ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng chính là lời chào mừng năm học mới với những kỳ vọng mới ở thế hệ tương lai của đất nước.

Đi học là hạnh phúc - 1

Bác Hồ với các cháu học sinh trường Trưng Vương, Hà Nội (Ảnh tư liệu)

Truyền thống và tấm gương hiếu học

Người Việt Nam chúng ta có truyền thống hiếu học và cũng sớm nhận thức thấy việc học là để mở những cánh cửa đến với những chân trời hiểu biết. “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”. “Một ngày đàng” không chỉ nói về khát vọng của cái tôi cá nhân trải nghiệm, mà đặc biệt nhấn mạnh sự chú tâm và siêng năng, không ngừng học hỏi với một tinh thần cầu thị tiến bộ, hoàn thiện bản thân. Cũng như vậy, câu ca: “Cơm cha áo mẹ chữ thầy/Gắng công mà học có ngày thành danh”, và “Học thầy không tầy học bạn”,… đó không chỉ là lời khuyên nhủ, mà còn khẳng định ý chí - và theo cách nói của hôm nay - còn là những bài học sâu sắc về mục tiêu và phương pháp học tập. Cha ông ta đã cho khắc thành văn tự trong Văn Miếu, khẳng định: “'Hiền tài là nguyên khí quốc gia. Nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh. Nguyên khí suy thì thế nước yếu và thấp kém”. Theo đó, từ lâu, việc học để đỗ đạt, học để thành công, học như là một lẽ sống!

Truyền thống hiếu học ấy tự bao đời đã thấm đẫm trong nhận thức của người Việt Nam, kết tinh thành tư tưởng của lãnh tụ Hồ Chí Minh. Sau khi Đảng lãnh đạo các tầng lớp nhân dân đấu tranh giành tự do và độc lập, trong bản Tuyên ngôn, thay mặt Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Người đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới rằng: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do, độc lập”; đồng thời, Người đặc biệt quan tâm việc nâng cao văn hóa để chấn hưng và phát triển đất nước. Với vốn hiểu biết lý luận và thực tiễn sâu rộng, sau khi giành chính quyền từ một chế độ “nhà tù nhiều hơn trường học” và “thi hành chính sách ngu dân”, ngay trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ, ngày 03-9-1945, khi đề cập “Những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra sáu “vấn đề cấp bách hơn cả” - trong đó có “Vấn đề thứ hai, nạn dốt”. Nạn dốt làm cho hơn 90% đồng bào Việt Nam mù chữ - đó là sản phẩm của một trong những phương pháp độc ác mà bọn thực dân đã dùng để cai trị chúng ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”(1). Không chỉ trong bối cảnh đó, việc xác định “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” thể hiện một nhận thức, một tư tưởng cách mạng, mang tầm vóc thời đại và quốc tế khi Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời bắt đầu sự nghiệp lãnh đạo một đất nước vừa thoát khỏi ách nô lệ của thực dân, phong kiến. Hạnh phúc đầu tiên khi đất nước có nền độc lập là đồng bào được đi học, được thoát khỏi sự tăm tối của cuộc đời để đến với ánh sáng của thế giới tri thức, văn minh. Từ quan điểm đó, trong “Thư gửi các học sinh”, Người khuyên nhủ ân cần và đặt niềm kỳ vọng cao cả của mình vào thế hệ trẻ: “Các em hãy nghe lời tôi, lời của một người anh lớn lúc nào cũng ân cần mong mỏi cho các em được giỏi giang. Trong năm học tới đây, các em hãy cố gắng, siêng năng học tập, ngoan ngoãn, nghe thầy, yêu bạn. Sau 80 năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên toàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều. Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”(2). Như vậy, hạnh phúc vô cùng lớn lao của lứa tuổi học sinh - là công dân của một đất nước tự do và độc lập, được đi học, “được cái may mắn hơn cha anh là được hấp thụ một nền giáo dục của một nước độc lập, một nền giáo dục nó sẽ đào tạo các em nên những người công dân hữu ích cho nước Việt Nam, một nền giáo dục làm phát triển hoàn toàn những năng lực sẵn có của các em”, để góp phần “kiến thiết” một đất nước từ vị thế “bị yếu hèn” “bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu”. Phải đặt vào vị thế của một công dân ở bối cảnh đó, mới hiểu được giá trị to lớn vô cùng của “độc lập, tự do” và được giao một trọng trách vô cùng quan trọng như vậy!

Với nhận thức “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, ngày 04-10-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục ra lời kêu gọi “Chống nạn thất học” để khuyến khích toàn dân học tập:

Quốc dân Việt Nam!

Muốn giữ vững nền độc lập,

Muốn làm cho dân mạnh nước giàu,

Mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức mới để có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà, và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ”(3)...

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nha Bình dân học vụ đã tổ chức phong trào học tập phát triển khắp nơi, từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền ngược; và chỉ trong vòng một năm đã có trên 2,5 triệu người biết chữ, đồng thời các hủ tục cũng dần được xóa bỏ. Hạnh phúc của thành quả đầu tiên ấy đã góp phần quan trọng xây dựng nền móng hệ thống giáo dục phổ thông, chuyên nghiệp, đại học, văn hóa, khoa học kỹ thuật của đất nước. Và cũng từ đấy, lời hiệu triệu và tư tưởng chiến lược “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu” đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo vào sự nghiệp giáo dục, văn hóa, khoa học kỹ thuật trong từng giai đoạn cách mạng Việt Nam, phục vụ quá trình phát triển của đất nước.

Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu sâu xa giá trị của việc học tập, nên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đặc biệt đến con người, chăm lo phát triển con người. Trả lời các nhà báo nước ngoài sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên, Người thể hiện rất rõ tâm niệm: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”(4). Đó cũng là thông điệp chính thức của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến quốc dân đồng bào về mục đích hy sinh phấn đấu suốt đời của mình là vì độc lập, tự do của dân tộc, ấm no, hạnh phúc - trong đó có quyền được học tập của nhân dân.

Hơn ai hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thấu hiểu sâu xa giá trị của việc học tập, nên trong mọi giai đoạn của cách mạng, Người luôn đặt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo thành mục tiêu chiến lược. Người nói: “Vì lợi ích mười năm thì trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm phải trồng người”. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, thực hiện chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng và Chính phủ, hệ thống trường học sinh miền Nam trên đất Bắc đã được thành lập; hơn 32.000 học sinh đã được học tập, rèn luyện và trưởng thành từ những mái trường này. Đây là “một trang vẻ vang trong lịch sử giáo dục của nước nhà, là một trong những mô hình giáo dục thành công nhất của nền giáo dục - đào tạo cách mạng của nước ta” như đánh giá của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trong Lễ kỷ niệm 60 năm trường học sinh miền Nam trên đất Bắc (1954 - 2014); mà nhiều người trong số đó đã tham gia trực tiếp vào sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, nhiều người đã anh dũng hy sinh trên các chiến trường và khi đất nước thống nhất, phần lớn học sinh miền Nam trở về quê hương, có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng Tổ quốc, nhiều người trở thành cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và địa phương.

Chính Người cũng tự nêu một tấm gương về học tập. Người từng kể lại: Vào trạc 13 tuổi, lần đầu tiên tôi đã được nghe những từ Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái. Thế là tôi muốn làm quen với văn minh Pháp, tìm xem những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy. Ham học hỏi, Người luôn tranh thủ mọi điều kiện để học. Những năm tháng bôn ba hải ngoại nhằm theo đuổi chí lớn đến cùng, Người đã làm đủ các nghề để sống: khi làm bồi bếp trên tàu biển, khi thì đốt lò, quét tuyết trong mùa đông băng giá ở nước Anh, khi thì bán báo, làm thợ ảnh ở nước Pháp,… và tranh thủ mọi điều kiện và thời gian dù rất ngặt nghèo để học, như một thủy thủ trên tàu kể lại: “Mỗi ngày, chín giờ tối công việc mới xong. Anh Ba mệt lử. Nhưng khi mọi người nghỉ hoặc đánh bài, anh Ba đọc hay viết đến 11 giờ hoặc nửa đêm”(5). Trong bài nói chuyện tại Trường Đại học Pát-gia-gia-ran (In-đô-nê-xi-a) năm 1959, Người kể lại: “Khi còn trẻ, tôi không có dịp đến trường đại học. Tôi đi du lịch và làm việc, đó là trường đại học của tôi. Trường học ấy đã dạy cho tôi khoa học xã hội. Nó dạy cho tôi cách yêu, cách ghét, yêu nước, yêu loài người, yêu dân chủ, hòa bình và căm ghét áp bức, ích kỷ, v.v… Trường học ấy đã dạy tôi khoa học quân sự, lịch sử và chính trị...”(6). Như thế, cuộc đời - với những trải nghiệm thực tế phong phú, sinh động - chính là trường học rộng lớn của “người học vĩ đại” Hồ Chí Minh. Đối với Người, việc học tập nói riêng và giáo dục đào tạo nói chung là một vấn đề gắn liền với vận mệnh và tương lai dân tộc. Cuộc đời của Người là một tấm gương sáng ngời về ý chí, tinh thần hiếu học và quan tâm chăm lo cặn kẽ đối với sự nghiệp trồng người cho đất nước. Và, cả đến khi “sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lê-nin và các vị cách mạng đàn anh khác”, trong Di chúc, Người vẫn thiết tha căn dặn: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết. Điều quan tâm rất mực ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là một biểu hiện cao nhất, vĩ đại nhất của một dân tộc có truyền thống hiếu học.

Tự học và học tập suốt đời - tư duy của thời đại

Học tập đem đến cho mọi người cơ hội hiểu biết, chiếm lĩnh những giá trị của tự nhiên và xã hội, giá trị của khoa học và đời sống. Có đẩy mạnh việc học tập, chúng ta mới có cơ hội thoát khỏi sự yếu kém, lạc hậu và nghèo nàn, đồng thời mới có cơ hội hội nhập và đồng hành với thế giới. Nhận thức sâu sắc về điều đó, bằng chính cuộc đời của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho thấy: học tập suốt đời là phẩm chất cao đẹp, xuyên suốt trong tư tưởng của Người. Hai mươi mốt tuổi, lên tàu với hai bàn tay trắng, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành chỉ có một khát vọng cháy bỏng là tìm đường giải phóng dân tộc. Lòng yêu nước cháy bỏng và tinh thần bền bỉ về tự học đã tạo cho Người một sức mạnh phi thường, để nuôi dưỡng khát vọng và có đủ khả năng cứu nước, cứu dân.

Nhận thức sâu sắc về mục tiêu, phương pháp học tập, người thành công bao giờ cũng tìm được cách hợp lý nhất để mở mang vốn hiểu biết, tự hoàn thiện bản thân mình. Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, học không chỉ được xem như một lẽ sống, mà còn là một phương pháp hoạt động cách mạng. Ngay cả đến khi, “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học. Việc lớn, việc nhỏ, tôi phải tham gia. Công việc cứ tiến mãi. Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”(7). Thậm chí, tuổi cao hơn nữa, Người vẫn giữ nguyên tinh thần đó: “Bác thường nghe nói có đồng chí mới 40 tuổi mà đã cho mình là già cho nên ít chịu học tập. Nghĩ như vậy là không đúng, 40 tuổi chưa phải là già. Bác đã 76 tuổi nhưng vẫn cố gắng học thêm. Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”(8).

Việc học không bao giờ là đủ, bởi cuộc sống không ngừng đòi hỏi sự sáng tạo. Hiện nay, chúng ta có quy mô giáo dục và mạng lưới cơ sở giáo dục phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập của nhân dân, “cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo. Những thành tựu và kết quả nói trên, trước hết bắt nguồn từ truyền thống hiếu học của dân tộc; sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, của mỗi gia đình và toàn xã hội; sự tận tụy của đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; sự ổn định về chính trị cùng với những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”; nhưng “chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu”.

Vì vậy, “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” là một tất yếu. Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04-11-2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI chỉ rõ: “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội”, với quan điểm chỉ đạo là, “phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”; và giải pháp có tính then chốt: “Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục lý tưởng, truyền thống, đạo đức, lối sống, ngoại ngữ, tin học, năng lực và kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Phát triển khả năng sáng tạo, tự học, khuyến khích học tập suốt đời”.

Như vậy, “đi học” không chỉ hàm nghĩa đến trường, đến lớp để thực hiện hoạt động học tập, mà còn học tập ở mọi lúc, mọi nơi có thể; “Học ở nhà trường, học ở thầy, học ở bạn, học trong sách vở và học nhân dân”. Mọi hoạt động trong quá trình lao động, làm việc đều là quá trình tự học, tự tích lũy, bổ sung kinh nghiệm và đúc kết kiến thức từ thực tiễn của một xã hội học tập.

Tự học và học tập suốt đời vừa là phương thức, vừa là mục tiêu phấn đấu của mọi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng huấn thị: “Lấy tự học làm cốt”(9), “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với công tác thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày ngày đổi mới, nhân dân ta ngày càng tiến bộ, cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”(10).

Chìa khóa của thành công

Nhân loại đang bước vào thời kỳ văn minh trí tuệ với tốc độ phát triển vượt bậc của khoa học - công nghệ. Nền kinh tế tri thức đòi hỏi mỗi quốc gia, dân tộc, bằng truyền thống và năng lực của mình phải nhanh chóng tiếp cận tri thức, làm chủ bản thân, làm chủ tự nhiên, làm chủ khoa học - công nghệ, làm chủ đất nước và xã hội thì mới có thể “sánh vai cùng các cường quốc năm châu”. Trong thế kỷ XXI, Nhật Bản khuyến cáo đến từng gia đình: “Nếu cha mẹ luôn đi trước dẹp tất cả các chướng ngại vật trên đường con đi (bảo hộ, bao bọc quá mức) hoặc luôn chỉ bảo từng ly, từng tý cho con (can thiệp quá mức) thì sẽ khiến con không thể tự mình dấn bước. Thêm nữa, khi làm như vậy, cha mẹ còn tước đi cơ hội thử thách, cơ hội học từ thất bại, cơ hội vui chơi và trải nghiệm phong phú cho con”, và “thời đại nếu học trường tốt, làm công ty tốt sẽ trở nên hạnh phúc đang dần kết thúc. Thay vào đó, việc có được năng lực sống, năng lực tự mình học tập, tự mình suy nghĩ sẽ được đặt ra”(11). Có thể xem đó là khuyến cáo có ý nghĩa với không chỉ Nhật Bản trong bối cảnh đòi hỏi sự phát triển ngày càng cao của chất lượng nguồn nhân lực mang tính toàn cầu.

Học tập luôn hứa hẹn những giải pháp, mở ra cơ hội và con đường đi đến thành công. Học tập là chìa khóa để mở những cánh cửa cuộc đời. Vì vậy, thiết nghĩ, học tập không chỉ là nghĩa vụ thiêng liêng mà còn là quyền lợi cao cả của mọi công dân. Học tập không chỉ đem lại hạnh phúc cho mỗi cá nhân, mà còn là hạnh phúc cho cả một dân tộc và toàn nhân loại. Đó là một tư duy về chiến lược phát triển con người trong thời đại mới./.

TS. Nguyễn Trọng Hoàn - Bộ Giáo dục và Đào tạo

(Nguồn: Tạp chí Cộng sản)

-----------------------------

(1) Hồ Chí Minh toàn tập, t.4, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr. 7

(2) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4, tr. 34 - 35

(3) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4, tr. 40

(4) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t.4, tr. 187

(5) Trần Dân Tiên: Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, 1984, tr. 17

(6) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1990, tr. 80

(7) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t. 13, tr. 273

(8) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t. 15, tr. 113

(9) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t. 5, tr. 212

(10) Hồ Chí Minh toàn tập, sđd, t. 10, tr. 377

(11) Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản: Sổ tay giáo dục gia đình Nhật Bản, Nxb. Phụ nữ, Hà Nội, 2015, tr. 141, 151