Bạn đọc viết

Để không lập lại cảnh nông sản “được mùa rớt giá”

Câu chuyện người dân rủ nhau mua dưa hấu ủng hộ nông dân tránh khỏi tình trạng bị ép giá khiến mọi người cảm thấy thật cảm động bởi tình người cao cả. Nhưng câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra là, một nền sản xuất sẽ đi đến đâu nếu chỉ nhờ vào tình thương và sự tương trợ ấy.

Để không lập lại cảnh nông sản “được mùa rớt giá”
Vụ dưa hấu Đông Xuân ở Quảng Nam được thu hoạch và cuối tháng 3 đầu tháng 4 đã hết và hiện nay không còn dưa để bán.

Đúng là điều ai cũng nhận ra là tình người ở đây không thể hoài nghi, nhưng câu hỏi mà nhiều người đang đặt ra là: Liệu chúng ta có thể trông đợi gì vào một phương thức mua - bán hàng kiểu tình thương như thế!? Làm thế nào để không còn điệp khúc được mùa mất giá như vậy nữa? Một nền sản xuất sẽ khó phát triển nếu chỉ nhờ vào tình thương và sự tương trợ. Nhất là với một đất nước có nhiều sản phẩm nông nghiệpchủ lực, có chất lượng như Việt Nam.

Rõ ràng chúng ta không thể mãi kêu gọi “giải cứu” hay là “mỗi quả dưa, mỗi củ hành,…là một tấm lòng” khi mà nước ta có đến 70% dân sống bằng nghề nông. Chiến lược tổng thể với những qui hoạch cụ thể cho mỗi loại nông sản cùng đầu ra cho sản phẩm là vô cùng quan trọng. Chiến dịch “giải cứu” dưa hấu đang diễn ra có thể là bài học “vô tiền khoáng hậu” mà hậu quả của nó là sự thiếu định hướng và chưa có hướng đi phù hợp cho bà con của các cơ quan có liên quan, để bà con tự canh tự tác khi thấy cái lợi trước mắt rồi tự loay hoay, xoay sở khi gặp rủi ro.

Chính vì thế dư luận cho rằng, để giải được bài toán tránh tình trạng “được mùa mất giá” và ngược lại và đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản Việt Nam, vấn đề đặt ra là cần sự chung tay tìm đầu ra cho nông sản. Trong đó cùng với việc đẩy mạnh công tác xúc tiến, mở rộng tìm kiếm thêm các thị trường tiêu thụ tiềm năng cho các mặt hàng nông sản, tránh phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc, việc cần làm ngày là tiến hành quy hoạch sản xuất, chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Cùng với đó phải có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý đối với các lĩnh vực nông sản.

Theo các chuyên gia, tiêu thụ nông sản qua hợp đồng hay liên kết “bốn nhà” là mục tiêu giúp ngành nông nghiệp sản xuất bền vững. Cụ thể, Nhà nước phải đảm nhận các khâu: dự báo, quy hoạch, ban hành cơ chế chính sách thuận lợi. Nhà khoa học thực hiện nghiên cứu kỹ thuật sản xuất, lai tạo giống mới chất lượng, chuyển giao khoa học. Nhà nông phải nhạy bén nắm bắt khoa học kỹ thuật, thông tin thị trường, chủ động liên kết với nhau để tạo ra sản lượng hàng hóa cao, chất lượng tốt; còn doanh nghiệp phải tăng cường mở rộng thị trường.

Nhất là khi mà hiện nay theo dòng hội nhập kinh tế khu vực và các hiệp định thương mại, nông sản của chúng ta đang có những cơ hội hợp tác với những quốc gia có nền nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới, để mỗi nông sản có thương hiệu riêng của mình, điều đầu tiên cần chuẩn bị là tâm thế của nông dân, tính cam kết trong khâu ứng dụng, sản xuất, thu hoạch và mua bán. Sau đó đến cam kết giá cả, bao tiêu đầu ra của doanh nghiệp thương mại. Hỗ trợ, xúc tiến thương mại, tìm thị trường đầu ra cho từng mặt hàng. Duy trì chất lượng và cải tiến dịch vụ, linh hoạt giá cả để đảm bảo tính cạnh tranh công bằng, minh bạch. Đi cùng với đó là hệ thống thông tin chặt chẽ, đặc biệt là bảo vệ bảo hộ thương hiệu tránh hàng gian, hàng giả trên diện rộng. Người nông dân đang tích lũy kinh nghiệm và khả năng ứng dụng kỹ thuật cao trong sản xuất, thì nhà thương mại cũng phải cam kết bao tiêu và ổn định sức mua, thị trường trong và ngoài nước.

Rút kinh nghiệm từ bài học “giải cứu” quả dưa hấu mới đây rõ ràng đã đến lúc chúng ta cần thay đổi nhận thức ngay từ những ngày đầu hình thành sản phẩm, hàng hóa. Hướng ra đầu tiên cho nông sản Việt Nam chính là sự kết hợp giữa nội lực bên trong và cơ hội đến từ bên ngoài. Cụ thể, phải coi doanh nghiệp là nhân tố đột phá và là động lực của phát triển nông nghiệp thời kỳ mới, xây dựng các chương trình hợp tác thúc đẩy phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.Hiện tại, việc tham gia của các doanh nghiệp trong quá trình tiêu thụ nông sản vẫn còn nhiều hạn chế.

Thực tế cho thấy một quá trình chuỗi sản xuất chỉ hoàn toàn ổn định và đảm bảo cho người sản xuất khi có khâu trung gian cam kết thu mua và tiêu thụ giúp nông dân (có hợp đồng và ký kết giữa các bên). Nếu vẫn để nông dân vừa phải sản xuất, vừa phải đứng ra tiêu thụ thì bài toán về đầu ra của nông sản sẽ không chỉ là vấn đề nan giải mãi quẩn quanh với một vài thị trường khiến chúng ta bị động, lệ thuộc, mà còn khó tránh khỏi cái điệp khúc “được mùa rớt giá”.

Minh Tư