Bạn đọc viết

Để giới trẻ không sống ảo

ng thể phủ nhận là Internet, mạng xã hội đã và đang trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống xã hội, bởi những lợi ích nó mang đến. Tuy nhiên mặt trái cũng đanng thực sự tiềm ẩn, chứa đựng nhiều nguy cơ ảnh hưởng xấu đến thế hệ trẻ, nếu không có những định hướng đúng đắn.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Nhất là giờ đây, khi máy tính cá nhân, điện thoại thông minh trở nên phổ cập, hầu như ai cũng có thể tham gia mạng xã hội. Theo số liệu thống kê của Facebook, mạng xã hội lớn nhất thế giới, tính đến đầu năm 2016, nước ta đã có tới 35 triệu tài khoản được tạo; trong đó khoảng 20 triệu là hoạt động thường xuyên, trung bình mỗi ngày dành 2,5 giờ để “lang thang” tìm kiếm, chia sẻ thông tin. Và phần lớn là người dùng trẻ.

Thế nhưng nghịch lý ở chỗ, nhiều bạn trẻ dù xem đây là thế giới “ảo”, nhưng lại vẫn muốn tận hưởng những cái “thật” từ đó. Chẳng hạn như việc được nhiều người biết đến, trầm trồ tán thưởng, thoải mái ngụy tạo thông tin hay bình phẩm…Điều đáng nói, các bài đăng càng tục tĩu, gây sốc, lại càng nhận được nhiều lượt thích và chia sẻ, khiến chủ nhân càng “tự hào” và tiếp tục thực hiện các hành vi thiếu văn hóa ở cấp độ mạnh hơn. Rồi đến những chuyện rất nhỏ nhặt, chỉ vài ba câu vu vơ, ẩn ý trên mạng xã hội đã có thể nảy sinh những mâu thuẫn, cãi vã, ghen tuông. Nhiều vụ học trò “xử” nhau bằng bạo lực có khi chỉ vì lời qua tiếng lại trên Facebook. Chưa kể hiện tượng “yêu” sớm, chỉ làm quen nhau qua mạng cũng gây ra không ít bi kịch.

Không dừng lại ở việc tạo hình ảnh cá nhân để “nổi tiếng”, nhiều học sinh, sinh viên còn “câu like” bằng cách làm hại người khác như vụ việc một nữ sinh ở Hà Nội uống thuốc diệt cỏ tự tử vì bị bạn cùng lớp ghép mặt vào một tấm ảnh “mát mẻ” đăng lên mạng; vụ một nam sinh Yên Bái cũng tự tử do bị bạn đánh, bị quay clíp và tung lên mạng xã hội. Hay gần đây xuất hiện clíp có độ dài tới gần 10 phút ghi lại cảnh một nhóm học sinh nam chỉ khoảng lớp 5, lớp 6 dồn bạn vào chân tường sau giờ học và tàn nhẫn đánh đập, chửi bới mặc cho nạn nhân khóc lóc van xin, lại một lần nữa khiến những người lớn có lương tâm và trách nhiệm phải ớn lạnh.

Đáng báo động hơn là cùng với việc một bộ phận giới trẻ chỉ chìm đắm trong mạng xã hội cả ngày lẫn đêm, mà còn rộ lên trào lưu “đủ like là làm”, không chỉ nhảm nhí, vô bổ mà còn có thể gây nguy hiểm đến tính mạng bản thân và cộng đồng. Như vụ một nữ sinh lớp 8 ở Khánh Hòa đăng lên trang cá nhân: “Nếu đủ 1.000 like sẽ đốt trường”, không ngờ nhận được tới vài nghìn lượt “like” và “share” (chia sẻ), nữ sinh này đã mang một bọc xăng đến trường học châm lửa và bị bỏng phải nhập viện. Đáng chú ý, khi bài đăng của cô bé 13 tuổi đủ lượt “like” thì cô bé đã chịu sức ép rất lớn từ “cư dân mạng”, bắt phải thực hiện lời hứa nếu không sẽ bị đánh; đến khi đồng ý làm cũng được nhiều bạn bè ủng hộ, đi theo để quay clíp. “Nói là làm”, “đủ like” là tự rạch tay, khỏa thân chạy vòng quanh trường, tự thiêu nhảy xuống kênh…

Có thể nói bên cạnh những tiện ích của mạng xã hội, thì những hệ lụy của nó đang thực sự trở thành mối lo ngại đối với thế hệ trẻ, bởi những trào lưu vô vàn thông điệp vô nghĩa, thậm chí ngu dốt được các học trò nghĩ ra chỉ để nhận lấy sự quan tâm từ cộng đồng ảo. Nhẹ thì lơ là việc học hành, sức khỏe giảm sút về cả thể chất lẫn tinh thần. Nặng thì sa vào những hội, nhóm, trào lưu không lành mạnh. Cũng bởi tính “mở” không giới hạn và khả năng tương tác cực mạnh của mạng xã hội, mà những biến tướng lệch lạc, quái dị nảy nở và lan truyền như một loại vi-rút trong môi trường học đường. Những fanpage (trang cộng đồng) được học sinh lập ra công khai để nói xấu, lăng mạ cha mẹ, thầy cô, bạn bè với những lời lẽ cay độc và thô tục đến mức nhiều người lớn sửng sốt.

Chính vì thế đã đến lúc không thể coi nhẹ vấn đề này, mà rất cần sự quan tâm, phối hợp hành động của cả gia đình, nhà trường và xã hội, nhất là mỗi nhà trường cần có những định hướng cho học sinh, sinh viên tham gia sử dụng mạng xã hội, ý thức được mạng xã hội không chỉ đơn thuần là thế giới ảo, mà những gì diễn ra trên mạng xã hội ấy phản ảnh và thể hiện cuộc sống thật của từng cá nhân. Đặc biệt là giáo dục cho học sinh, sinh viên có được những kiến thức pháp lý cơ bản và đạo đức trách nhiệm xã hội nhất định để các thông tin của mình không bị lợi dụng, cũng như các phát biểu hay thông tin mà mình đăng tải trên mạng xã hội không xâm phạm đến các mảnh đời khác, không vi phạm pháp luật hay được lợi dụng để gây phương hại đến uy tín và vật chất của cá nhân hay tổ chức khác.

Ngoài ra các ngành chức năng cần tăng cường công tác phối hợp trong quản lý thông tin trên Internet, bảo đảm an ninh mạng, trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục phải được xác định là khâu then chốt, giúp thế hệ trẻ phân biệt, chọn lọc các sản phẩm văn hóa có lợi và không sống ảo.

Minh Tư