Bạn đọc viết:

Để các doanh nghiệp FDI báo... lãi "khủng" và đóng thuế tại Việt Nam

(Dân trí) - Là một công dân Việt Nam, sau khi biết các thông tin về vấn đề chuyển giá, trốn thuế của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước, tôi rất bức xúc và có một vài ý với mong muốn bạn đọc có 1 cái nhìn toàn diện về vấn đề chuyển giá.

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Trước tiên chúng ta cần phân biệt rõ chuyển giá và trốn thuế là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. 
 

Trốn thuế là doanh nghiệp có lãi (có đầy đủ hóa đơn chứng từ để chứng minh) nhưng không chịu nộp, như vậy là vi phạm pháp luật, sẽ bị phạt rất nặng thậm chí là phạt tù.

 

Chuyển giá là các công ty khai báo sai giá trị các hợp đồng nhằm đưa giá trị lãi cho một công ty khác (thường là công ty mẹ hoặc là công ty của cùng 1 ông chủ),  để công ty mình "bị lỗ" và không phải đóng thuế.

 

Xét về khía cạnh pháp luật thì họ không hề phạm luật vì họ đã thực hiện nghĩa vụ thuế tại nơi công ty mẹ đăng ký kinh doanh. Vấn đề ở đây là các công ty FDI có công ty mẹ tại nước ngoài, vì vậy tiền thuế họ đóng ở nước khác chứ không phải Việt Nam. Trong khi chính người Việt Nam chúng ta mang lại lợi nhuận cho họ, vậy mà lợi nhuận đó không được đem tái thiết và đầu tư vào XH Việt Nam thông qua tiền thuế của chính phủ!?

 

Đó là điều bất cập không dễ giải quyết vì mọi giấy tờ, sổ sách của các công ty này hoàn toàn hợp pháp, đặc biệt là khi họ nâng cao giá trị nguyên liệu đầu vào do chính công ty mẹ cung cấp. Các nguyên vật liệu đó thường là độc quyền, nên dù có thanh tra thì cũng không thể đối chiếu giá với các nguyên vật liệu tương đương được.

 

Vậy câu hỏi đặt ra là: đằng nào cũng phải đóng thuế thì tại sao họ lại không đóng ở Việt Nam mà cứ phải mất công chuyển giá cho phức tạp?

 

Vấn đề là ở chỗ mỗi quốc gia đều có 1 quy định đóng thuế khác nhau, nơi cao, nơi thấp. Chính vì vậy doanh nghiệp sẽ chuyển lãi cho các công ty mẹ hoặc chi nhánh ở các quốc gia có chính sách ưu đãi hơn về thuế để giảm chi phí đóng thuế.

 

Như vậy muốn giải quyết tận gốc rễ của vấn đề thì theo tôi, chúng ta cần thay đổi, điều chỉnh các quy định đóng thuế để ngang bằng thậm chí là thấp hơn so với các quốc gia khác. Vậy thì chắc các công ty FDI sẽ tự nhiên báo... lãi "khủng" và đóng thuế ở Việt Nam thôi.

 

Tuy nhiên việc điều chỉnh các quy định đóng thuế không phải là chuyện đơn giản mà phải nghiên cứu kỹ, nếu không sẽ hậu quả khôn lường. Theo tôi, trước mắt chúng ta nên có những quy định chặt chẽ hơn để làm giảm việc chuyển giá bằng cách:

 

+ Thứ nhất, liên hệ chặt chẽ với cơ quan thuế của nước nơi có công ty mẹ của họ để nắm thật rõ quá trình kinh doanh và nộp thuế tại đó. Theo sát các hợp đồng tương tự của công ty mẹ để kiểm soát giá các hợp đồng liên quan đến công ty ở Việt Nam.

 

+ Thứ 2, khi các doanh nghiệp FDI báo lỗ liên tiếp nhiều năm mà vẫn muốn mở rộng kinh doanh thì phải có giải trình cụ thể. Nếu thấy không khả thi thì không cho phép mở rộng kinh doanh.

 

+ Thứ 3, yêu cầu đóng thuế tối thiểu theo tổng vốn đầu tư. Cũng như việc các cửa hàng thuê mặt bằng vậy, anh làm ăn có lãi hay không tôi không quan tâm, nhưng tiền thuê mặt bằng thì hàng tháng anh cứ vẫn phải trả theo giá trị của mặt bằng đó.

 

+ Thứ 4, như đã trình bày ở trên, gốc rễ của vấn đề vẫn là quy định đóng thuế của Việt Nam cao hơn các nước khác. Vậy thì chỉ có cách giảm giá trị đóng thuế thì sẽ giải quyết được tận gốc.
 
+ Thứ 5, thay thế việc đóng thuế bằng đóng phí. Thuế thì phụ thuộc vào doanh thu còn phí thì phụ thuộc vào mức độ sử dụng hạ tầng, làm như vậy thì các doanh nghiệp đó không thể chối bỏ trách nhiệm với XH Việt Nam được.

 

Mai Văn Chiến:  maivanchien01@gmail.com