Đấu lý với những người thích nhậu – “cuộc chiến” dằng dai

(Dân trí) - Chưa biết trên thực tế đã có quán nhậu nào thất thu vì dân nhậu “ngán ngại” bị CSGT đo nồng độ cồn, nhưng cuộc đấu đã khá gay cấn giữa một bên tạm cho là lý lẽ của những người… thích tỉnh táo, với bên kia là lý sự của các… “fan nhậu”.

CSGT TPHCM thực thi nhiệm vụ trên các tuyến đường có nhiều hàng, quán nhậu (ảnh: Thảo Trần)
CSGT TPHCM thực thi nhiệm vụ trên các tuyến đường có nhiều hàng, quán nhậu (ảnh: Thảo Trần)
 
Lý sự… sương sương

 

“Ní nuận” mà nhất là những lý sự bên bàn nhậu khi ai cũng là người thích nói, chẳng cần biết có ai nghe hay không… thì khỏi cần nói nhiều người cũng có thể biết nó “đa dạng và phong phú khủng” đến thế nào (tất nhiên không phải đôi lúc không phần nào có lý). Đặc biệt là các chiêu: hỏi xoáy lại đối phương bằng cách ra những “đề bài” hóc búa, hoặc chuyền bóng sang chân người khác, hoặc vin vào cớ “các cụ nhà ta đã nói: Trai vô tửu như kỳ vô phong”…

 

“Thế các chú CSGT uống bia rượu như gì thì ai bắt phạt được? Dân cũng phải kiếm sống chứ. Các bác các chú còn bảo mua bia về nhà mà uống, nhưng người ta đi uống ở quán thứ nhất để được phục vụ, thứ hai là có khí thế đông vui... Chứ uống ở nhà để... lấy no ư?” - Phạm Chí Đức: quyennhay_1@yahoo.com

 

“Thật ra tai nạn giao thông đâu phải nhiều vụ vì bia rượu. Nếu như CSGT và các TTGT không nhận tiền mãi lộ của các xe tải, xe khách, xe container… thì đâu đến nỗi tai nạn nhiều thế. Trong thực tế xe tải luôn là hung thần gây ra bao tai nạn vì đã chở quá khổ, quá tải lại phóng như tên bay. Nghe  nhiều tài xế nói nhà xe đã nộp tiền làm luật rồi, đi thoải mái… (???) Tôi thấy quy định và cách thực thi pháp luật bây giờ nói chung là quá chán luôn, không đi vào thực tế. Ví dụ CSGT cứ đứng ở ngay cạnh quán ăn nhà người ta khác gì bảo người ta đóng cửa hàng vào? Vậy mà luôn muốn kinh tế phát triển, thuế đóng đầy đủ…? Chính như thế này là làm cho kinh tế suy thoái đi thì có…” - Anh Cuong:  cuonghang78@gmail.com

 

“Ăn uống ngoài quán là quyền chính đáng của người dân. Phạt người  lái xe ‘say xỉn’ cũng là việc làm cần thiết của cơ quan chức năng. Vấn đề là phải xác định chính xác thế nào là ‘say xỉn’? Uống 1, 2 cốc bia không thể gọi là "say xỉn" được. Thêm nữa, uống xong rồi muốn đi bộ về cũng không được vì vỉa hè đã bị lấn chiếm hết, đi bộ dưới đường thì còn nguy hiểm hơn lái xe. Vì vậy hãy trả lại vỉa hè cho dân yên tâm đi bộ trước, rồi hãy tính đến chuyện phạt những người đã ‘say xỉn’ còn lái xe” - Trần Văn Tuân:  tran.tuan64@yahoo.com

 

“Tôi thấy, làm nhiệm vụ mà như vậy là chơi không đẹp. Thay vì chờ người ta uống say rồi bắt phạt, thì sao không chặn ngay lúc người ta chuẩn bị vào quán để hướng dẫn trước, để người ta còn biết mà đi về không uống nữa. Hoặc khi thấy người uống say chuẩn bị bước ra khỏi quán thì chặn luôn, hướng dẫn người ta gửi xe lại quán và bắt taxi hoặc xe ôm về, thay vì tự điều khiển xe. Như vậy mới là làm việc nước chứ...” - Trung:  luu.thanh.trung.ttkv@gmail.com
 
Đo kiểm tra nồng độ cồn (ảnh: Thảo Trần)
Đo kiểm tra nồng độ cồn (ảnh: Thảo Trần)
 

Thực tế trên đường

 

Song hãy xem những con số và lập luận cụ thể, rõ ràng được đưa ra trong rất nhiều phản hồi ủng hộ cách CSGT (điều hiếm khi xảy ra, thay vì thường là phê phán, chê trách, bắt lỗi lại…) chốt chặn kiểm tra nồng độ cồn tại các điểm gần quán nhậu. Đồng thời cũng cần tham khảo kinh nghiệm các nước phát triển đã đi trước VN rất lâu trong “cuộc chiến chống ma men” này:

 

“Tôi rất đồng tình với cách làm của CSGT. Họ có cấm mình ăn nhậu đâu. Luật đã cấm người khi tham gia giao thông  uống rượu bia, tại sao lại còn cố tình uống để khi ra về có thể gây tai nạn không chỉ cho mình mà còn cho người khác nữa? Theo thống kê thì người VN tiêu thụ bia đứng thứ ba thế giới, hàng năm tiêu tốn khoảng 2 tỷ USD. Thật lãng phí....Việc làm này của CSGT không những làm cho tai nạn giao thông giảm, mà còn làm lợi cho nền kinh tế đất nước đấy” - Hoang Minh: thienhahong2002@yahoo.com

 

“3 tỷ USD tiền bia trong năm nên được chuyển cho các nhà đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất hàng hóa để tạo thêm 42 nghìn việc làm. 1,2 tỷ USD tiền rượu nên chuyển cho các bệnh viện xây thêm và mở rộng các khu giường bệnh, khả năng sẽ tăng phục vụ được  cho 27 ngàn lượt bệnh nhân. 216 triệu USD tiền thuốc chữa trị cho các nạn nhân giao thông do uống bia rượu gây ra, sẽ xây dựng được 200 khu trường học mới rất khang trang cho các huyện miền núi. Sẽ có khoảng 2.000 học sinh được tốt nghiệp phổ thông từ các mái trường này...” - Xanhxanh.net:  Dan.trương@xanhxanh.net

 

“Tôi thấy bây giờ mình mới làm là quá chậm, các nước khác đã làm từ mấy chục năm rồi. Dân ta nhiều người không lo làm, toàn lo nhậu. Quán nhậu nhiều hơn công ty, trường học, bệnh viện…” - Phạm Thế Tùng:  p2t2002@yahoo.com

 

“Xin trả lời một số người phản đối kiểm tra rằng: nhậu và điều khiển xe sau khi nhậu là hai việc hoàn toàn khác nhau. Ở các nước khác người ta vẫn nhậu, nhưng họ có ý thức đi xe bus, đi tàu hay ngồi xe người khác chở và KHÔNG ĐIỀU KHIỂN XE khi đi về. Đó là luật cần phải có ở hầu hết các nước, ai vi phạm bị xử phạt rất nặng. Mà quy định này hoàn toàn không liên quan gì đến việc cản trở mọi người uống bia rượu cả, đừng đánh đồng với nhau!” - Trần Văn Sơn: baothanhthien222@yahoo.com

 

“Mình ủng hộ cách làm trên. Ở nước ngoài nếu mà đi  xe sau khi uống quá 2 chai là có khi bị đi tù chứ không phải chỉ giam xe đâu” - Phong Phan: hahrock@yahoo.com

 

“Ở nước ngoài nếu tài xế có hơi rượu có khi còn bị tước giấy phép lái xe vĩnh viễn đó. Tai nạn do uống rượu bia rồi gây ra chiếm tỉ lệ cao nhất đó… Khi nào gặp bợm nhậu trên đường sẽ hiểu…” - Lite:  hoangphuc2006@gmail.com

 

“Ở Singapore nếu uống rượu mà lái xe, ngoài bị phạt còn bị cảnh sát trói lại dùng roi quất vào mông chảy máu và công khai cho mọi người biết (kể cả quan chức nhà nước) đó! Ở VN xử lý như vậy theo tôi là còn quá nhẹ” - Lưu Đỗ Lê:  luudole@79gmail.com

 

“Hãy mở rộng việc kiểm tra này ra toàn quốc và làm thường xuyên, song song với những biện pháp mạnh hơn, có thể là tước bằng lái. Ở Anh muốn đi uống rượu bia là phải đi taxi, không thì mua về nhà uống” - Tuan:  Tuan85hd@yahoo.com
 

Tranh cãi với người cứ nói lấy được đã khó, đấu lý với những người đã… sương sương thì… có mà như thể "kéo cưa lừa xẻ" chẳng biết đến bao giờ. Nhưng có thể thấy một điểm chung trong thông điệp được thể hiện qua đa số phản hồi của bạn đọc là: Hãy làm mạnh, làm nghiêm và thực thi lâu dài!  

 

Khánh Tùng