Phiếm đàm

Đâu là nơi cất giữ sổ đỏ an toàn nhất

(Dân trí) - Sổ đỏ, dân xin được cấp thật là khó. Lỡ để mất mà xin lại còn khó hơn. Vậy để khỏi mất, theo ông cất ở đâu là an toàn nhất?

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Bạn tôi đố:

- Sổ đỏ, tức là giấy Nhà nước chứng nhận quyền sử dụng đất mình đang ở, dân xin được cấp thật là khó. Lỡ để mất mà xin lại còn khó hơn. Vậy để khỏi mất, theo ông cất ở đâu là an toàn nhất?

Tôi bảo:

- Thì cứ cất ở nhà, đừng mang đi lung tung, làm sao mất được.

Bạn tôi không tin tưởng:

- Mất chứ! Cuối năm ngoái, Phòng CSĐT tội phạm về trật tự Xã hội Công an TP.Hà Nội đã bắt giữ 2 tên trộm để điều tra làm rõ về hành vitrộm cắp tài sản của chúng. bộ đôi này đã gây ra 12 vụ trộm cắp tài sản khoảng trên 1 tỷ đồng, lấy xe máy, máy tính, điện thoại di động, vàng, nhiều bộ trang sức có giá trị, tiền mặt, thậm chí chúng lấy cả sổ đỏ …

Tôi khuyên:

- Vậy thì cứ mua một chiếc két sắt đem về nhà, cất sổ đỏ vào đó.

Bạn tôi vẫn không tin tưởng:

- Để trong két sắt cũng mất đấy. Có chị cũng ở phố Quan Hoa - Hà nội, cất sổ đỏ ở trong két sắt, đi làm về thấy kẻ trộm đột nhập vào nhà phá két sắt lấy hết vàng, tiền đồng, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh, giấy phép lái xe và cả sổ đỏ.

Tôi gãi đầu:

- Thế thì khó nhỉ? Biết cất sổ đỏ ở đâu cho an toàn nhất.

Bạn tôi cười:

- Hi hi...Tôi biết có một chỗ cất sổ đỏ an toàn nhất, an toàn tuyệt đối, đó chính là cơ quan địa chính.

Tôi ngạc nhiên:

- Ông nói lạ. Cơ quan địa chính chỉ là nơi cấp sổ đỏ, đâu có mở dịch vụ cất giữ sổ đỏ cho dân.

Bạn tôi lườm:

- Chết thật, có rất nhiều người đã cất giữ sổ đỏ ở đó, mà ông không biết a? Như bạn đọc hien cheo (hiencheodam@yahoo.com) tâm sự với báo Dân trí: “Tôi làm sổ đỏ từ năm 2006 đến nay gần 10 năm mà sổ vẫn ở trong tủ của cơ quan địa chính. Do không có nhu cầu bán nhà nên tôi chưa cần lấy để họ giữ giúp cho an toàn.” Mà ngành địa chính không chỉ giữ sổ đỏ của dân 10 năm đâu nhé, mà còn sẵn lòng cất giữ cho dân từ đời này đến đời khác. Gia đình ông Lại Khắc Hậu, 65 tuổi, ở tổ dân phố Viên 2 (phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), đã sinh sống trên mảnh đất hiện tại của mình từ năm 1971, tính ra là bốn đời rồi, đã làm thủ tục, đo đạc xong, rồi làm đầy đủ các yêu cầu của cán bộ địa chính mà đến giờ cơ quan này vẫn “quyết tâm” vẫn giữ hộ sổ đỏ nên gia đình ông Hậu cứ ở thôi, bốn đời rồi chả có sổ đỏ gì cả mà có sao đâu. Lại chuyện Ông Lê Việt Trịnh, sống hơn 40 năm nay tại số nhà 57, tổ dân phố Viên 2 từ lúc tóc còn đen nhánh, giờ tóc đã hoa tiêu hết rồi mà vẫn chưa được cầm cái giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của mình, dù từ năm 2006 đã hoàn thiện hồ sơ, và nhiều lần bổ sung chỉnh sửa hồ sơ theo yêu cầu. Tập hồ sơ phục vụ cho việc xin cấp sổ đỏ của gia đình ông nộp cho cơ quan địa chính ngày càng dày thêm, chỉ có điều chưa được nhìn thấy mặt mũi cái sổ đỏ nó tròn hay vuông. Cuối năm ngoái, Hà Nội đã thống kê địa chính thành phố này vẫn còn “cất giữ” sổ đỏ giúp 70.000 hộ dân cơ mà. Khi muốn lấy sổ đỏ ra thì cũng nhanh thôi, chỉ có điều chi phí bôi trơn hơi đắt. Ở phường Đồng Mai, Hà Đông, TP Hà Nội, dân cho biết phí này từ 10 triệu đến 25 triệu đấy, nếu không thì họ vẫn giữ cẩn thận sổ, dù là của dân mà họ vẫn chẳng trả cho đâu nhé.

Nguyễn Đoàn