Đảo ngọc ngập, giờ đến phố núi cũng thành sông

Ngày 8.8, phố núi Đà Lạt biến thành sông. Trước đó, đảo ngọc Phú Quốc biến thành đảo ngập với một cơn “đại hồng thủy” ngày 5.8. Nếu chúng ta chỉ nhìn nguyên nhân do mưa, do bão mà không thấy đó là hậu quả của quy hoạch, hay nói đúng hơn là phá nát quy hoạch thì không khéo cả Sa Pa, cả Fansipan cũng ngập.

Đảo ngọc ngập, giờ đến phố núi cũng thành sông - 1

Đà Lạt cao 1.500m so với mặt nước biển. Và cảnh ngập lụt chưa từng có đã xảy ra trên phố núi khi giao thông bị chia cắt, khi cả thành phố ngập trong biển nước.

Câu chuyện TP trên cao nguyên có thêm một mùa... ngập lụt đã xảy ra từ vài năm nay và đã được cảnh báo rất nhiều lần: Là do bêtông hóa.

Đà Lạt ngập lụt. Phú Quốc cũng như một biển nước khi “đại hồng thủy” biến “đảo ngọc” thành “đảo ngập” với những con đường, như đường Cách mạng tháng 8 trở thành “con sông thứ ba” của đảo.

Tất nhiên là do bão. Tất nhiên là do mưa. Ở Phú Quốc, còn là tại triều cường sông Dương Đông nữa... Nhưng thật ra, những mưa, những bão, những triều cường ấy năm nào mà không xảy ra.

Nhưng còn một nguyên nhân chủ quan khác mà chính người dân - nạn nhân cũng nhìn thấy. Đó là bêtông hóa, là “quá chạy theo tư duy mét vuông” ở Đà Lạt. Là tình trạng “đại công trường”, lấn, lấp suối khiến nước không còn chỗ thoát, là sự phát triển quá nóng khi, chẳng hạn ở Phú Quốc, lượng du khách tăng từ 25 - 50% mỗi năm với 2018 có tới “khoảng 4 triệu du khách đến đảo”, nhiều hơn gần 40 lần dân cư trên đảo.

Báo chí dẫn lời những nạn nhân mưa lũ rằng, “Đừng có đổ lỗi cho ông trời, năm nào cũng mưa nhưng trước kia không ngập do suối, rạch còn. Bây giờ hễ mưa là ngập hết nhà cửa, cuộc họp nào cũng phản ánh, chính quyền ghi nhận rồi để đó nên dân chỉ biết cầu trời”.

Chỉ biết cầu trời là một lẽ đắng cay, là một thái độ và cũng là cả sự tuyệt vọng khốn khó nữa.

Còn nhớ trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư Kiên Giang vào ngày 29.7, chính Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhìn thấy trước vấn đề khi yêu cầu “Không đầu tư ở Phú Quốc một cách chộp giật, không nên tập trung quá lớn cho du lịch và bất động sản. Để du lịch phát triển bền vững, cần giữ môi trường tự nhiên và xã hội an bình nơi đây, phải thực hiện tốt quy hoạch, không được bêtông hóa Phú Quốc”.

Để phố núi không thành biển nước, để đảo ngọc hết cảnh đảo ngập thì trước hết những nguyên nhân của việc ngập lụt hôm nay phải được nhận chân là do quy hoạch đã phá nát quy hoạch - chứ không thể giải thích kiểu đổ lỗi là tại bão, tại mưa, tại triều cường, tại... ông trời.

Lẽ đơn giản, chỉ khi nhìn đúng nguyên nhân người ta mới có thể khắc phục được.

Theo Anh Đào

Báo Lao động