Dân cũng lo lắm, SGK sắp tăng, giá thịt lợn vẫn rất cao!

Thủ tướng yêu cầu “kiểm tra, xử lý ngay các bức xúc của người dân về tiền điện tăng đột biến”, lạm phát phải kiểm soát, giá nước sạch, thịt lợn phải giảm. Thủ tướng đang lo đúng nỗi lo người dân.

Đã ít nhất 4 lần Thủ tướng yêu cầu giảm giá thịt lợn. Câu chuyện giá tăng phi mã, không chỉ đơn thuần là chi phí bữa ăn của người dân bị đẩy cao khi thịt lợn chiếm tới 70% cơ cấu thực phẩm trong bữa ăn của người dân mà còn là loại hàng hoá quan trọng trong rổ hàng hoá tính CPI. 

 Hôm 1.7, trong cuộc họp Ban chỉ đạo điều hành giá, Thủ tướng tiếp tục yêu cầu kiểm soát chi phí của từng khâu, đặc biệt là khâu trung gian - Lưu thông, phân phối, bán buôn - để giảm giá thịt lợn. 

Việc người đứng đầu Chính phủ đề cập tới giá cả một mặt hàng cụ thể, tới 4 lần, suy cho cùng, vừa là cách thức chấn chỉnh về quản lý nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp, vừa vì lợi ích người tiêu dùng, vừa đảm bảo quyền lợi cho nông dân, những người nhận được ít nhất - ngay cả khi giá thịt lợn phi mã.

Sau dịch COVID-19, người dân chưa kịp hoàn hồn thì lại phải tiếp tục đối mặt với nguy cơ của một đợt tăng giá mới.

Xăng dầu, liên tục tăng. Tiền điện nữa, gấp rưỡi, gấp đôi... Thịt lợn, giá liên tục tăng với những đỉnh giá liên tiếp bị phá vỡ. Và sách giáo khoa (SGK), mặt hàng dân thậm chí không có quyền mặc cả - đã dự kiến tăng với mức “hai con số” ngay cả khi năm học mới còn chưa bắt đầu.

Xin hãy để ý, trong những lời kêu ca của dân về tiền điện thì ngoài những mức tăng đột biến, còn ẩn chứa trong đó sự mỏi mòn của những người vừa trải qua dịch bệnh với túi tiền đang cạn dần.

Xin hãy để ý: Thịt lợn, xăng dầu, điện, SGK... những loại hàng tiêu dùng cần kíp, trong đó có những mặt hàng là đầu vào thiết yếu của sản xuất. Mà nếu mỗi loại cứ tăng - dù “ít”- cũng sẽ tạo lực đẩy rất lớn với CPI, cũng sẽ bào mòn túi tiền vốn đã teo tóp đáng kể do dịch bệnh của người dân.

Để dập tắt làn sóng tăng giá ngay từ khi còn là nguy cơ, rõ ràng, giá của những mặt hàng thiết yếu cần phải được kiểm soát chặt chẽ.

Đã có ý kiến đưa SGK vào diện hàng hoá do nhà nước định giá. Làm thế nào cũng được, miễn là nó đừng cũng lại phi mã, đừng chỉ rẻ trên truyền thông - như đã từng với thịt lợn. 

Theo ĐÀO TUẤN

Lao động