Dải phân cách cứng: Lại chuyện bỏ thì thương, vương thì tội!

(Dân trí) - Đường sá Thủ đô chật hẹp, lượng xe cộ luôn quá tải, ý thức người tham gia giao thông nhìn chung còn kém… là những yếu tố chính khiến dư luận dù xác nhận những cái ĐƯỢC của việc đặt dải phân cách cứng trên đường, song vẫn thấy cái MẤT có phần nhiều hơn.

Hà Nội đã phân làn phương tiện nhiều tuyến phố (ảnh: Trúc Linh)
Hà Nội đã phân làn phương tiện nhiều tuyến phố (ảnh: Trúc Linh)

 

Đẽo cày giữa đường

 

Bênh vực cho những mặt tích cực của việc đặt dải phân cách trên các tuyến phố Thủ đô HN, phân tích của bạn đọc một mặt nhắc lại rằng “chướng ngại vật” lớn nhất vẫn là ở ý thức còn quá kém của người tham gia giao thông nói chung, dù cách đặt dải phân cách cứng hiện tại cũng có những điểm còn chưa hợp lý. Mặt khác, nhiều người cũng nhấn mạnh rằng không nên giữ cách làm việc kiểu như “đẽo cày giữa đường”, vì chỉ gây thêm lãng phí, tốn kém và mất lòng tin...

 

“Để dải phân cách là quá hợp lý, đi ẩu thì tự chuốc lấy vạ. Bỏ dải phân cách đi thì những ai đi ẩu không những tự làm hại mình mà còn đâm sang phía bên kia làm hại người  khác nữa. Đề nghị Bí thư Thành ủy HN Phạm Quang Nghị quyết định sáng suốt: Để ô tô, xe máy lao vào dải phân cách hơn hay là để  ô tô, xe máy lao vào vào người đi đúng phần đường ở nửa bên cạnh??? Mong đừng nên cứ thấy đám đông kêu ca mà nao núng!” - Tran Viet:  tranviet_kazan@yahoo.com.vn

 

“Tôi nghĩ rằng những người tự đâm vào dải phân cách cứng để phân chia làn đường là do không chịu quan sát, do thói quen đi cẩu thả, lấn tuyến. Chứ tôi thấy ở TPHCM họ lắp dải phân cách ở rất nhiều tuyến đường (nhất là tại các ngã tư mà đường hẹp) đã rất hữu hiệu trong việc ngăn chặn những người vô ý thức lấn làn gây nên nạn kẹt xe” - Lu Quang Hưng:  lu.quanghung@gmail.com

 

“Nhiều là bao nhiêu người đâm vào dải phân cách rồi? Các nhà làm luật mà cứ nói chung chung như vậy rồi cứ làm xong lại phá thì chỉ chết tiền dân. Việc phân tách làn phương tiện là cần thiết, không có dải phân cách thì nguy hiểm và phần thiệt luôn về phía xe máy. Việc đâm vào dải phân cách là do anh phóng nhanh, không quan sát chứ không phải do cái rào chắn đó. Có nhiều cách để giảm thiệt hại cho người khi va chạm vào dải phân cách và tôi tin rằng các chuyên gia giao thông có đủ phương án. Nhưng hình như họ lại chỉ thích… đập rồi lại xây thôi? Buồn!” - Cuong:  pvc1972@yahoo.com.vn

 

“Dải phân cách là một bộ phận thuộc công trình giao thông. Đúng là có nhiều trường hợp người tham gia giao thông đâm phải một trong các bộ phận như cột mốc, cột điện, cột biển báo giao thông ... Nhưng nếu cứ có người đâm phải cái gì lại dỡ bỏ cái đó thì dỡ hết hay sao? Tại TPHCM các con đường sau khi lắp đặt dải phân cách cứng thì trật tự an toàn giao thông tốt lên thấy rõ, tai nạn giảm hẳn, cho chạy tốc độ cao hơn vẫn an toàn. Điển hình như quốc lộ 1A đoạn từ Suối Tiên đến giáp Long An” - Nguyễn Chính:  chianthi090468@gmail.com

 

“Dải phân cách cứng có thể vẫn duy trì, nhưng phía trước dải phân cách cứng đó nên thêm vào một đoạn phân cách mềm và cảnh báo dưới lòng đường. Đồng thời có thể thiết kế thêm phần giảm va đập tại nơi có dải phân cách cứng thì an toàn hơn và cũng giảm thiệt hại hơn khi xảy ra va chạm” - Nguyen Dang Quan: quanhbt2008@gmail.com

 

“Quan trọng nhất vẫn là ý thức của người đi và cách điều hành của CSGT. Tôi ở Hải Phòng, phân làn một số tuyến đường chính (to đẹp hơn phố Huế, Bà Triệu nhiều) nhưng cũng chỉ bằng dải sơn phản quang. Dù đường có rộng và vắng đến mấy cũng không có chuyện xe máy nào đi vào làn của ô tô và ngược lại (đường Lê Hồng Phong ở Hải Phòng, làn dành cho xe máy chỉ khoảng 3 mét dù đường rất rộng). Vì sao ? Vì chỉ cần vài đợt ra quân của CSGT, bắt nghiêm, bắt chính xác không nương tay dù chỉ 1/2 bánh xe. Vậy là sau đó người dân tự có ý thức. Không có ý thức thì mất tiền, thế thôi!” – Hai Phong:  hungshock@gmail.com
 
Hà Nội đã phân làn phương tiện nhiều tuyến phố (ảnh: Trúc Linh)
Nhiều vụ tai nạn xảy ra do người điều khiển phương tiện đâm vào dải phân cách (ảnh minh họa: Quang Phong)

 

Bỏ thương, vương tội

 

Chiếm tỉ lệ lớn hơn trong phản hồi của bạn đọc vẫn là xu hướng ủng hộ việc dỡ bỏ các dải phân cách cứng, với lý do chính là không phù hợp với các tuyến đường nội đô. Hơn nữa, nhiều bất hợp lý trong cách dựng biển báo, dải phân cách như “bẫy” người tham gia giao thông chỉ khiến bài toán giao thông đã phức tạp càng thêm nan giải:

 

“Tại sao lại làm phức tạp thêm vấn đề, tốn thêm chi phí vào việc phân làn giao thông theo kiểu này? Luật Giao thông đường bộ đã chỉ rõ  từng loại vạch sơn và biển bảng chỉ dẫn người tham gia giao thông, điều các vị cần làm là chấn chỉnh đội ngũ CSGT, tăng cường xe tuần tra giám sát, tăng cường chất lượng vạch sơn. Cái này theo tôi biết thì TPHCM đã làm được rồi, tại sao không học hỏi? Một việc nữa là khi phân luồng thì chia 50/50 giữa ôtô với xe máy. Chứ các vị đang nghĩ gì, tính toán gì, dựa trên những số liệu nào để đề ra khoảng định tỷ lệ giữa ôtô với xe máy tham gia giao thông như hiện nay? Tôi nghĩ, các vị nên sử dụng nguyên tắc "tràn ly" chỉ để ôtô đi 1 làn duy nhất, bao giờ lưu lượng tăng thì mới mở thêm làn thứ 2...” - Đào Thế: daovietthe@gmail.com

 

“Cảm ơn ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị! Đã có rất nhiều ý kiến của nhân dân về sự bất cập trong việc phân làn, cắm mốc biển báo gây nhiều tai nạn, nhưng hình như lãnh đạo ngành giao thông đang thử nghiệm sáng kiến của mình để lấy tiền thưởng và tiêu tốn hàng  tỷ đồng? Trong khi họ chắc phải biết rõ là mặt đường thì quá hẹp,  mật độ giao thông cao, mà khẩu hiệu luôn là "đường thông hè thoáng"...?” - Mai Thăng:  ongsukem@gmail.com

 

“Nói thật, nhìn dải phân cách gì mà như... trò cười. Không lẽ đã phê duyệt lại không làm thì lỡ kế hoạch, chứ tôi là người thuộc lĩnh vực công trình, tôi thấy quá bất hợp lý. Vì nó vừa chỉ như để đối phó lại vừa như những cái bẫy, tóm lại không ra làm sao với bề rộng đường hiện tại cả. Nếu mở rộng làn đường thì đô thị chỉ cần dải phân cách mềm. Còn tạị những vị trí trên đường quốc lộ - nơi dự báo rất có khả năng xảy ra nguy hiểm thì mới sử dụng phân cách cứng. Tư vấn thiết kế về dải phân cách này nên nhìn nhận 1 cách thiết thực và khoa học hơn!” - Nguyễn Bá Trung: nguyenbatrungxd@gmail.com

 

Nơi khác làm tốt được mà Thủ đô vẫn lại không và vẫn lại tiến thoái lưỡng nan bởi bỏ thì thương mà vương thì tội! Phân làn dù cách nào mà ý thức của cả hai phía vẫn như thế thì e rằng kết quả lại "nguyễn y vân" mất thôi!
 

 

Khánh Tùng