Bạn đọc viết

Công khai, lấy gì nhai?

Minh bạch tài sản bao gồm việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, xác minh tài sản, thu nhập; xử lý những trường hợp vi phạm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập...

Minh họa: Ngọc Diệp
Minh họa: Ngọc Diệp

Lâu lắm rồi bữa cơm gia đình tối nay của ông tổng giám đốc một doanh nghiệp nhà nước lại đông đủ và rôm rả như thế. Chẳng là hôm nay gia đình mừng anh con trai vừa bảo vệ thành công luận án thạc sĩ về ngành luật. Sau khi uống vài ly rượu mừng của mọi người, anh con trai nói với giọng hưng phấn:

- Đề tài của con liên quan đến việc công khai, minh bạch trong việc kê khai tài sản của quan chức và công chức nhà nước. Biện pháp đầu tiên để ngăn ngừa tham nhũng là công khai, minh bạch sẽ tạo điều kiện để người dân và xã hội tham gia giám sát các hoạt động của cơ quan nhà nước. Công khai, minh bạch sẽ làm cho công chức nhà nước có ý thức hơn trong việc thực hiện chức trách, công vụ của mình theo đúng trình tự, thủ tục thẩm quyền mà pháp luật quy định, bởi mọi hành vi vi phạm, phiền hà, sách nhiễu hay lợi dụng chức trách để tư lợi đều có thể bị phát hiện và xử lý.

Cô em gái gật đầu:

- Sự thiếu công khai, minh bạch là một trong những nguyên nhân dẫn đến tham nhũng. Công khai, minh bạch được xem là "vắc-xin" ngừa căn bệnh này. Minh bạch tài sản bao gồm việc kê khai tài sản, thu nhập, công khai bản kê khai, giải trình nguồn gốc tài sản tăng thêm, xác minh tài sản, thu nhập; xử lý những trường hợp vi phạm quy định về minh bạch tài sản, thu nhập...

- Em nói cứ như người của cơ quan quản lý nhà nước ấy! - Anh trai cười - Em có biết không, minh bạch tài sản của người có chức vụ, quyền hạn đã được luật hóa và có hiệu lực từ nhiều năm nay. Nhưng chỉ tới khi chuyện của nả "chìm nổi" của quan chức, cựu quan chức đột nhiên "lòi" ra trong thời gian qua thỉ dư luận mới thực sự giật mình... Thời gian vừa qua việc kê khai tài sản vẫn còn mang tính hình thức, việc công khai bản kê khai tài sản chưa được thực hiện nghiêm túc, công tác thanh tra, kiểm tra việc này còn hạn chế...

Cô em nói:

- Qua thông tin, kinh nghiệm thành công của quốc tế cho thấy số lượng quan chức phải kê khai tài sản càng "tinh" thì việc kiểm tra tính chính xác của bản kê khai càng dễ dàng. Điều quan trọng thứ hai là xã hội, đặc biệt là báo chí, phải được tiếp cận với thông tin kê khai tài sản để cùng kiểm chứng. Đối với nước ta cũng nên như thế.

Trong lúc các con sôi nổi trò chuyện, bà mẹ hình như cũng muốn nói gì, nét mặt luôn thay đổi. Còn ông bố thì ngồi im với vẻ không vui. Chờ con gái nói xong, ông buông đũa lẳng lặng đứng dậy và đi ra phòng khách.

Thấy bố như vậy, anh con trai hỏi mẹ:

- Bố hôm nay thế nào ấy, mệt hả mẹ?

Bà mẹ chậm rãi:

- Các con học hành nhiều mà chẳng hiểu gì cả! Bố con từ nhân viên lên đến giám đốc rồi tổng giám đốc, nhà cửa chẳng thiếu thứ gì, các con muốn gì được nấy, nhiều người phải ghen tỵ. Công khai, minh bạch thì thử hỏi có được vậy không, rồi nhà mình "nhai" gì?...

Đặng Việt Thủy

(Hà Nội)