Còn đâu để phá!

Những cánh rừng ở huyện Quế Phong - Nghệ An đang bị tàn phá. Những tấm ảnh lâm tặc ngang nhiên chở gỗ lậu chạy trên đường, giữa thanh thiên bạch nhật gợi lên suy nghĩ, hình như ở đây không có chính quyền quản lý.

Còn đâu để phá!
(ảnh: Lao Động) 
 

Không chỉ ở Nghệ An, nhiều địa phương khác như Hà Tĩnh, Quảng Nam lâm tặc lộng hành. Phóng viên chụp ảnh, ghi hình rất nhiều, mặt mày lâm tặc rất rõ, nhưng kiểm lâm địa phương không biết đi đâu, hoặc có thể vì nhiều lâm tặc quá bắt không xuể. 
 

Cũng có những địa phương không có lâm tặc, nhưng đó là những nơi không có rừng hoặc không còn rừng. Rừng bị phá gần hết, cái giá phải trả cho sự tàn phá này rất đắt. Chúng ta đã trả và còn tiếp tục trả món nợ này. Nghĩ về những mối nguy đó không ai không lo lắng, sợ hãi, chua xót, nhưng có lẽ đã không còn kịp nữa.

 

Người nghèo đói phá rừng kiếm kế sinh nhai là lâm tặc, những kẻ tổ chức khai thác gỗ lậu là lâm tặc, kiểm lâm biến chất tiếp tay với bọn khai thác gỗ lậu cũng là lâm tặc. Cả ba hợp sức phá, rừng sao còn. Vụ lật xe chở gỗ lậu làm 10 người chết ở Con Cuông – Nghệ An là một dẫn chứng của sự phối hợp tác chiến của các lực lượng phá rừng. Những nơi khác có thể còn hơn thế nữa, nhưng do không có vụ lật xe tương tự nên chưa bị lộ diện.

 

Còn một loại lâm tặc ghê gớm nữa, đó là lâm tặc dự án. Có những công trình xây dựng giao thông hoặc thủy điện ở những vùng rừng núi, hủy hoại hàng trăm, hàng ngàn hécta rừng. Số gỗ từ đây đi về đâu đố ai biết được.

 

Đã từng có ý kiến đề xuất cách chức chủ tịch các địa phương để xảy ra phá rừng nghiêm trọng, buông lỏng cho lâm tặc hoành hành, nhưng đề xuất này cứ bàn mãi vẫn chưa thấy áp dụng. Không chừng đến khi thực hiện cách chức chủ tịch địa phương để rừng bị phá thì cũng không ai bị cách chức, bởi vì còn rừng đâu nữa để phá.   

 

Theo Lê Thanh Phong

Lao Động