Cổ động viên đốt pháo sáng vì mục đích gì?

Sân Hàng Đẫy chìm trong biển khói là hình ảnh đáng chú nhất trận Hà Nội gặp Hải Phòng ở vòng 6 Wake-up 247 V.League 2019.

Cổ động viên đốt pháo sáng vì mục đích gì? - 1

Nhân viên an ninh dập pháo sáng bằng chân không. Ảnh: H.Đ

Sân Hàng Đẫy chìm trong biển khói là hình ảnh đáng chú nhất trận Hà Nội gặp Hải Phòng ở vòng 6 Wake-up 247 V.League 2019.

Phút 42 của trận đấu, khi thủ thành Văn Toản của Hải Phòng cản phá thành công pha sút phạt đền của tiền đạo Omar, cả một góc khán đài B gần cầu môn, pháo sáng được đốt lên khiến sân Hàng Đẫy chìm trong biển khói.

Trận đấu bị gián đoạn, trọng tài phải cho bù giờ đến 5 phút trong hiệp 1, do khói làm tầm nhìn bị hạn chế. Đây là cách mà các cổ động viên (CĐV) Hải Phòng bắt đầu “đại tiệc” pháo sáng.

Dù không ủng hộ sự quá khích ấy, thế nhưng nhiều người cảm thấy phấn khích trong bầu không khí rực lửa mà các CĐV Hải Phòng đã  tạo ra.

Thực tế, ở V.League cũng chỉ có những trận Hà Nội gặp Hải Phòng, người ta mới được chứng kiến một lượng pháo lớn như thế được đốt trên khán đài.

Vẫn cần khẳng định lại rằng, hành động đốt pháo sáng của các CĐV không thể và không nên được cổ súy, vì điều này đã vi phạm vào quy định của VFF. Và ở góc độ nào đó còn làm nguy hiểm đến những người xung quanh.

Thế nhưng, câu chuyện ứng xử với pháo sáng thì có vẻ như không thay đổi trong nhiều năm qua, nếu như không nói là hời hợt và có phần thiếu trách nhiệm của chính những người trong cuộc.  

Cổ động viên đốt pháo sáng vì mục đích gì? - 2

Pháo sáng khiến SVĐ Hàng Đẫy chìm trong biển khói. Ảnh: Sơn Tùng

Những phóng viên có mặt ở gần khu vực đốt pháo sáng của CĐV Hải Phòng đã chứng kiến phần nào sự bất lực của lực lượng an ninh trong việc dập tắt những quả pháo sáng. Lực lượng  không đủ có mặt tại các điểm "nóng".

Một nhân viên an ninh hỗ trợ lực lượng dập pháo sáng thậm chí còn dùng đôi chân không để đạp lên quả pháo đang cháy đỏ. Đã không có một thiết bị bảo hộ hay một dụng cụ hỗ trợ nào, chỉ là phản ứng tự phát theo kiểu có cháy thì… hô.

Ban tổ chức (BTC) sân chắc chắn đã phải lường trước được sự việc này. Tuy nhiên, họ đã không thể làm chủ tình hình. BTC cũng bất lực trong việc kiểm soát lượng pháo sáng được đưa vào sân.  

Không chỉ V.League, trong nhiều giải đấu quốc tế gần đây, VFF từng nhận những án phạt nặng do CĐV đốt pháo sáng trên khán đài. Nhiều thông điệp đã được phát đi, kể cả những câu chuyện cụ thể về sự nguy hiểm mà pháo sáng mang đến. Tuy nhiên, điều đó dường như không thay đổi được thói quen và sở thích đốt pháo sáng của một bộ phận CĐV.

Và điều duy nhất Ban kỷ luật VFF có thể làm là ra những án phạt sau những trận đấu.   

Cổ động viên đốt pháo sáng vì mục đích gì? - 3

 Hình ảnh CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng. Ảnh: Sơn Tùng

Đã từng có những ý kiến đưa ra rằng, có nên bố trí một khu vực riêng dành cho những CĐV đốt pháo sáng. Điều này vừa tạo cho trận đấu không khí, vừa kiểm soát được yếu tố an ninh, an toàn.

Tuy nhiên, chẳng ai đảm bảo được việc, tất cả các CĐV đốt pháo sẽ ngồi cùng nhau một vị trí. Hơn nữa, chúng ta cần phải đặt ra câu hỏi rằng, những CĐV đốt pháo vì mục đích gì? Chắc không chỉ dừng lại ở việc cho đẹp khán đài.  

Do vậy mà câu chuyện ứng xử với pháo sáng không chỉ là việc đưa ra chế tài xử lý như thế nào. Vấn đề phải xoá bỏ  tư duy và thói quen của một bộ phận khán giả.

Theo Hoài Đan
Báo Lao động