Có ẩn khuất phía sau ô tô đem “biếu”?

Rất nhiều vấn đề mà các cơ quan chức năng cần làm rõ trong những vụ việc “cho, nhận” ô tô hạng sang, nhưng vẫn được giải trình rằng “đúng quy định”. Nhiều câu hỏi quanh những vụ việc này vẫn còn bỏ ngỏ. Những hoài nghi vẫn còn nguyên vẹn nếu chỉ dừng lại ở việc trả xe. Không chỉ vậy, hậu quả của những “quà biếu” đó nhiều khi gây hậu quả khôn lường.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lên tiếng, lãnh đạo tỉnh Cà Mau và thành phố Đà Nẵng đã lần lượt trả lại các xe ô tô cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, còn nhiều câu hỏi mà dư luận rất mong có sự giải đáp thẳng thắn, trung thực và xử lý thỏa đáng của các cơ quan chức năng.

Thứ nhất, tại sao lại có chuyện biển số không chỉ rất đẹp (lại ngẫu nhiên), mà có hai xe trùng số nhau như ở Đà Nẵng? Có luật nào cho phép hai biển số trùng nhau như vậy không? Nếu không, thì những ai, những cơ quan nào đã làm sai? Dư luận mong rằng, cần xử lý thật nghiêm những người làm sai, không chỉ là người thừa hành, mà quan trọng là xử lý người chỉ đạo việc làm này.

Cũng là biển số, liệu lãnh đạo ở Cà Mau có được dùng biển số 80A nền xanh hay không? Nếu không đúng quy định, phải chăng có việc “xin cho” biển số ngoài luồng?

Thứ hai, cán bộ được đi xe loại gì, giá trị bao nhiêu tiền, luật đã quy định rất rõ ràng. Nếu không có những món quà biếu của doanh nghiệp, lãnh đạo tỉnh Cà Mau có đủ tiêu chuẩn đi những chiếc siêu xe như LEXUS với trị giá hơn 3 tỉ đồng. Chắc chắn là không. Vậy phải chăng, việc doanh nghiệp tặng tỉnh để lãnh đạo tỉnh có cớ hợp pháp đi những chiếc xe hạng sang này với lý do rất “hợp lý”: Chống hạn, bảo vệ đê điều …? Với những người dân lam lũ đang oằn mình chống hạn, chống mặn chỉ với hy vọng mong manh ngày mai con mình không bị đứt bữa, thì đây là điều không thể chấp nhận.

Thứ ba, như các cụ thường nói “ ông mất chân giò, bà thò chai rượu”, hoặc “có đi có lại mới toại lòng nhau” vẫn luôn chuẩn, không cần chỉnh. Thực tế, công luận đã đưa ra nghi vấn việc doanh nghiệp tặng 2 chiếc xe trị giá hơn 6 tỷ đồng, thì ngay trong năm, tỉnh Cà Mau tạm ứng số tiền lớn gấp 4- 5 lần cho doanh nghiệp. Liệu dân có thể tin, hai việc này là hoàn toàn tách bạch như lãnh đạo tỉnh này nói?

Thứ tư, trong bài “Vụ doanh nghiệp tặng xe cho TP.Đà Nẵng: Bất thường quanh chiếc xe tiền tỉ” (báo Lao Động) đã đưa ra rất nhiều nghi vấn quanh chiếc xe được biếu tặng này. Những dấu hiệu bất thường này nếu được sáng tỏ, nó sẽ làm rõ có sai phạm trong quá trình làm thủ tục trong việc cho nhận chiếc xe tiền tỉ này hay không. Và vì sao phải nhập nhằng như vậy? Chẳng hạn, giá chiếc xe đó có đúng như kê khai? Vì sao tên doanh nghiệp tặng xe cứ lờ mờ, hôm nay tên này, mai lại tên khác? Thậm chí thủ tục đăng kiểm chiếc xe tưởng như giản đơn nhất cũng gây nghi vấn. Bởi lẽ, xe dùng cho dân, cho doanh nghiệp, cho chính quyền sẽ do Cục Đăng kiểm, Bộ GTVT chứng nhận kiểm định, nhưng ở đây là được Bộ Công an làm… Cuối cùng, bởi còn nhiều hoài nghi quanh việc cho, nhận những chiếc xe hạng sang này, dư luận mong Chính phủ yêu cầu, tất cả các tỉnh, thành phố tự giác kê khai tất cả những món quà có giá trị để thẩm định, cái gì được giữ lại và cái gì cương quyết trả lại cho doanh nghiệp, đương nhiên không chỉ là ô tô. Ngân sách Chính phủ còn hạn hẹp, nhưng những món quà đó chắc không làm ngân khố tăng thêm, mà hậu quả, nhiều khi là ngược lại. Về lòng tin, hậu quả còn nặng hơn nhiều: doanh nghiệp thêm mất lòng tin và lòng dân thì bất an. Các cụ đã dạy, của biếu là của lo. Rất lo và rất đáng lo với những món quà này.

Vương Hà