Chúng tôi rất ủng hộ việc cấm dạy thêm, học thêm

(Dân trí) - Dạy thêm/học thêm – 4 chữ đó có lẽ chỉ được sự che chở, bảo vệ của một số ít người này, nhưng lại đủ uy lực và sức mạnh để đè bẹp sự phản đối của bao người khác. Nhưng tại sao nghịch lý đó lại vẫn tồn tại được trong ngành GDVN?

Chúng tôi rất ủng hộ việc cấm dạy thêm, học thêm
Quy định mới sẽ quản lý việc dạy thêm, học thêm cả trong và ngoài nhà trường chặt chẽ hơn (ảnh minh họa: Nguyễn Hùng)

 

Lý giải như của Chat Luong quality@mytai.com.vn chắc sẽ được lòng “những người thích dạy thêm” lắm lắm, nhưng với “những người không thích dạy thêm/học thêm” thì hiệu ứng hoàn toàn ngược lại. Luận cứ không học thêm thì đa phần học sinh sẽ bị “sức ì” chắc chắc không thể thuyết phục chính các học sinh của chúng ta hiện nay, chưa nói gì tới PHHS.

 

“Kính gởi thầy giáo Trần Mạnh Tùng - giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội. Tôi có 3 con đều ở 3 cấp I,II, III và tôi đồng ý quan điểm của thầy. Nhưng tôi nghĩ quan điểm đó chỉ áp dụng cho những nước tiến bộ như Mỹ, Anh, Pháp, Nga... vì ở Việt Nam và một số nước lân cận chúng ta như Trung Quốc, Singapre, Philippines... như tôi thấy thì đều có dạy thêm và học thêm.

 

Tôi nghĩ, vấn đề dạy thêm và học thêm rất bổ ích, bởi vì số tiết học ở trên lớp không đủ thời gian và kiến thức giáo viên có thể truyền hết cho học sinh được. Chính vì thế tôi quyết định yêu cầu giáo viên kèm thêm cho con mình, vì  tôi có rất ít thời gian dạy kèm cho chúng, chỉ một tuần 2-3 lần mà thôi. Trong khi đó như tôi thấy, ở Việt Nam ta mà không dạy thêm và học thêm thì kể cả những học sinh yếu cũng như giỏi phần lớn đều có sức ì và không sẽ không bao giờ theo kịp các nước tiên tiến. Thầy cũng là giáo viên, chẳng lẽ thầy muốn học sinh yếu và kém hay sao… Mong thầy xem xét lại”.

 
Còn với dư luận XH, bao gồm số đông phụ huynh học sinh (PHHS) và cả chính các học sinh cùng nhiều thầy cô giáo, ý kiến đều nghiêng theo những phân tích mộc mạc nhưng cụ thể của Châu Nguyễn dtvtk2006.fet.hut.edu@gmail.com:

 

“Thời gian qua tôi đọc báo và cũng được biết hiện nay các cơ quan báo chí đang mổ xẻ những vấn đề bất cập trong ngành giáo dục hiện nay.  Ngoài vấn đề lạm thu đầu năm học có ở hầu hết các trường ở hầu khắp các địa phương,  còn vấn đề học sinh giờ đây học suốt ngày, không có thời gian vui chơi như trước.

 

Điều đặc biệt là bắt học sinh học ngày học đêm như vậy, nhưng các trường dạy thì phần lớn là kém hiệu quả. Ở gần nơi tôi ở có trường THPT bắt học sinh học cả ngày, tôi thấy học sinh vất vả quá nên càng xót xa cho ngành giáo dục nước ta. Khi tôi hỏi các em học sinh thì được biết phần lớn các em cho biết là không thích đi học ở trường với tần suất học nhiều như vậy mà hiệu quả không cao.

 

Nhà trường lấy danh nghĩa “tự nguyện” để bắt buộc PHHS, vì có phải ai cũng đồng ý với cách dạy và thu tiền như vậy đâu. Nhưng nếu không chấp hành nhà trường sẽ cho con em mình nghỉ học, hoặc các em có thể bị trù úm. Tôi nghĩ, nền giáo dục VN cứ như vậy sẽ ảnh hưởng rất lớn đến nhiều thế hệ của tương lai.

 

Một điều kì lạ là các thầy cô giáo cắt bớt chương trình chính khoá để chuyển xuống buổi học thêm, như vậy khác gì là bắt học sinh phải tự nguyện đăng kí học? Điều đó đang diễn ra ở rất nhiều trường THPT ở ngoại thành Hà Nội. Thực sự, mặc dù tôi cũng là giáo viên, nhưng tôi cũng rất bức xúc vì điều đó.

 

Để cải cách GD, tôi nghĩ việc cấm dạy thêm tại các trường THPT hiện nay là vấn đề cấp bách cần làm ngay nhằm nâng cao uy tín của ngành giáo dục để cải thiện hình ảnh của ngành trong nhận thức của cả PHHS, người dân và chính các học sinh.

 

Bộ Giáo dục ĐT cần có công văn gửi về tất cả các trường, yêu cầu nghiêm túc chấn chỉnh thực sự việc dạy và học thêm. Đồng thời yêu cầu Hiệu trưởng các trường phải thực hiện, nếu vi phạm Bộ sẽ xử lí thật sự nghiêm minh và công khai kết quả cho dư luận được biết.

 

Tuy nhiên Bộ cũng nên yêu cầu các trường phải giám sát các giáo viên của nhà trường trong việc thực hiện quy định không dạy thêm đối với học sinh học bộ môn mà mình đang giảng dạy tại trường. Giáo viên nào vi phạm thì kiên quyết cho nghỉ công tác.

 

Một vấn đề thực tế nữa mà tôi cũng muốn đưa ra là do tâm lí và áp lực thi đại học, mà một số đông học sinh của hầu hết các trường trong cả nước đi ôn thi ngoài. Điều đó cũng là chính đáng. Nhưng học ở bên ngoài rất khác so với học tại trường tổ chức, vì đó là tự nguyện thật sự, không ai bắt buộc ai và có thể trù úm ai.

 

Theo tôi, Bộ chỉ cần ra văn bản yêu cầu giáo viên của tất cảc các trường không được phép dạy và ôn thi cho học sinh thuộc mình quản lý. Chỉ cần phát hiện hay có ý kiến của học sinh và PHHS phản ánh mà đúng, thì nhà trường phải đình chỉ công tác với giáo viên đó. Nếu làm được như vậy tôi tin nền giáo dục nước ta sẽ có nhiều sự đổi mới thiết thực hơn.

 

Cũng qua đây, tôi xin được khẳng định rằng: giờ đây các trường lạm thu nhiều quá. Đề nghị Bộ GDĐT phải thanh tra kiểm tra nhiều hơn, thực chất hơn, đặc biệt là với mấy trường THPT ở ngoại thành Hà Nội (thuộc tỉnh Hà Tây cũ)”.

 

Thu Hiền Hoàng hoangthuhien8@gmail.com góp thêm 1 tiếng nói của những giáo viên với tư cách PHHS không chấp nhận có tệ nạn ngay trong ngành giáo dục:

 

“Kính thưa Tòa soạn! Tôi là một giáo viên và cũng là phụ huynh của một học sinh lớp 1. Từ khi cháu học chữ (tháng 4/012), tôi thực sự thương cháu quá. Ban ngày cháu học ở trường Mẫu giáo, tối về cháu lại tham gia lớp học để chuẩn bị vào lớp 1 mà theo lời của cô giáo là "giúp cháu tự tin hơn".

 

Tôi lo khi các bạn cùng trang lứa đã biết chữ, còn cháu chưa biết nên khi vào lớp 1 có khi lại không theo được. Nhưng từ ngày cháu đi học, thời gian để cháu vui chơi với các bạn trong xóm không còn nhiều, mà thay vào đó là cháu phải ngồi học. Lịch học của cháu đã làm thay đổi sinh hoạt của cả gia đình vì phải đưa đón cháu đi học thêm.

 

Là một phụ huynh, tôi rất phản đối việc dạy thêm, học thêm vì ngoài mục đích tài chính, tôi nghĩ giáo viên vì mục đích để nâng cao lực học cho các cháu là rất ít. Tôi nghĩ, những cháu yếu kém của lớp được cô bồi dưỡng thêm cũng được, nhưng ép các cháu học tất cả thì tôi nghĩ làm giáo dục như vậy là ... phi giáo dục. Bộ Giáo dục Đào tạo đã thiết kế các chương trình giáo dục như vậy là phù hợp với lứa tuổi, với trí tuệ của từng cấp học rồi. Vậy nên tôi mong các cấp có thẩm quyền cần làm mạnh mẽ hơn, giống như việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm vậy, để việc học của các cháu không trở nên căng thẳng, trở thành sức ép với cả các cháu và gia đình. Nói tóm lại: Chúng tôi rất ủng hộ việc cấm dạy thêm, học thêm”….

 
Nguyễn Thị Lan Hương ktdncn19@gmail.com phân tích cả 2 khía cạnh tốt/xấu của học thêm (đúng nghĩa khác hẳn bị biến tướng để lạm thu) từ những kinh nghiệm bản thân: 

"Tôi xin mạo muội chia sẻ suy nghĩ của mình về vấn đề dạy thêm, học thêm hiện nay. Cá nhân tôi là người tốt nghiệp Đại học Sư phạm và tôi chưa từng đi học thêm khi còn là học sinh, nhưng tôi vẫn luôn đứng trong Top đầu của lớp. Từ kinh nghiệm của bản thân, tôi thấy việc học thêm nếu là nhằm nâng cao kiến thức và học tập một cách tự nguyện thì không vấn đề gì. Nhưng hiện nay, học thêm/dạy thêm đã trở thành vấn nạn, trở thành vấn đề tiêu cực và là áp lực đối với phụ huynh và học sinh.

Tôi cũng thực sự không hiểu nổi các nhà giáo dục ngày nay nghĩ gì và được đào tạo như thế nào mà lại yêu cầu các cháu tiểu học phải học cả ngày, cả tuần trong khi ở độ tuổi đó các cháu cần được chơi và phát triển thể chất là chủ yếu? Thực tế việc lạm dụng học thêm ngày nay, tôi thấy chẳng giải quyết được vấn đề gì ngoài làm mất đi cái cao quý của những Người đưa đò và mất đi tuổi thơ của các cháu. Các cháu đi học nhiều quá mà không có thời gian để cảm nhận cuộc sống, việc học của các cháu cũng chỉ như 'cỗ máy' chứ làm gì có thời gian để ngẫm nghĩ về những gì mà các cháu đã được học.

Thực tế ai cũng thấy, giờ các cháu học nhiều nhưng chất lượng học tập thì ngày càng kém. Tại sao? Sự thật là đã có cháu đã học đến lớp 4 mà vẫn chưa biết đọc biết viết, sự thật là càng ngày điểm chuẩn đầu vào các trường càng giảm. Tại sao? Vậy học ở trường các cháu học gì và học thêm các cháu học gì? Theo tôi nghĩ việc học thêm nên được cấm. Trước hết là để thầy làm tròn trách nhiệm, thể hiện tâm huyết của người thầy. Sau nữa, trò cũng phải tự đứng trên đôi chân của mình chứ không phải đứng trên 'túi' của bố mẹ. Có như vậy, tình cảm thiêng liêng giữa thày - trò mới được gìn giữ, trò và phụ huynh sẽ tôn trọng thày mà trò cũng sẽ tự biết mình là ai để tự biết phấn đấu.

Tôi mong những ý kiến của cá nhân tôi cũng như một số phụ huynh khác đang vô cùng bức xúc về vấn nạn học thêm sẽ được báo chí và cơ quan chức năng ghi nhận, để sau này chúng ta sẽ có một thế hệ tương lai có tài có đức thực sự! Trân trọng"....

 
Con cái thì bị học thêm tới mụ mị đầu óc, bị cắt xén tuổi thơ. Cha mẹ thì bị gánh nặng lạm thu của các trường đè tới oằn cả lưng, đã vậy còn nem nép sợ thầy cô, lo cho con mình bị thế này thế khác. Nhưng tâm lý luôn muốn có được sự ưu tiên nào đó xem ra vẫn ngự trị trong tâm trí nhiều người dân VN chúng ta, nhất là trong XH ta hiện nay hầu như lĩnh vực dịch vụ công nào cũng đều ở tình trạng quá tải đã từ lâu mà không cách gì cải thiện được.

 

Chứ nếu có một ngày đẹp trời, tất cả mọi người dân đều Nói Không với tệ phong bì, quay lưng với dạy thêm/học thêm. Tất cả đều vui vẻ chấp nhận chờ đợi việc xếp hàng theo thứ tự (có thể ví như cách những người dân Nhật Bản ở vùng thảm họa thiên tai – động đất và sóng thần – đó) thì trật tự XH đã tự khắc không còn bị xáo trộn. Nếu vậy thì đã không còn đất đâu cho tiêu cực sống sót chứ nói gì tới hoành hành.
 
Nhưng…không ít người vẫn không muốn thế đâu vì... nó động đến quyền lợi của chính mình. Tự xóa bỏ lợi  ích của mình vì người khác ư, khó lắm vì đức hy sinh trong nhiều người dân VN ngày nay đã thành của hiếm mất rồi. Trừ phi có chế tài nghiêm buộc phải làm như vậy. Chứ còn đẩy PHHS và những giáo viên tâm huyết với nghề vào thế phải làm thay cả những công việc của các ngành chức năng khác, thì khác nào lại đá quả bóng sang chân những người không phải là cầu thủ.

 

Khánh Tùng