Chúng tôi không cần thứ tiền lệ xấu xí đó

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hôm qua đã quần đùi áo số ra sân trong một trận cầu và báo chí cho biết ông đã ghi một bàn thắng sau khi đã đi bóng qua những ''ngôi sao'' một thời vang bóng.

Rất ngộ nghĩnh, khi những hình ảnh tiền đạo số 9 Đức Đam xuất hiện trên mạng, dân tình bắc kính lúp lên soi và phán xanh rờn: Giò anh Đam trắng, nhưng cơ bắp ra phết.

 

Hẳn nhiên Phó Thủ tướng sẽ không thắc mắc gì khi dân mạng gọi ông là anh! Hình ảnh những chính khách xỏ giày trên sân đấu - như trước đây là “bác Thanh” hay “anh Thăng” - có cái vẻ gì đó gần gũi, bình dị hơn mọi lời nói về sự bình dị, gần gũi.

 

 

Hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Hình ảnh Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

 

Và bàn thắng mà “anh Đam” ghi được không phải chỉ là “bàn hữu nghị” - chắc thế - vào lưới đội cựu tuyển thủ Thể Công, mà hẳn nhiên đó là bàn thắng về sự bình dị của một chính khách.

 

Tất nhiên, điều người dân mong chờ ở các chính khách không phải chỉ là những bàn thắng trên sân cỏ.

 

Cũng ngày hôm qua, trong một trận cầu khác, “thủ môn” VFF đã ngăn không cho “tiền đạo” Hoàng Văn Phúc ghi bàn danh dự.

 

Nếu dùng ngôn ngữ của trái bóng thì sự việc như sau:

 

Trở về sau thất bại tại SEA Games, ông Phúc đã lừa bóng qua sự xấu hổ, qua sự tham quyền để tung ra một cú sút tự trọng đầy quyết đoán bằng một lá đơn từ chức.

 

Nhưng VFF đã từ chối bàn thắng của ông. Uống rượu - dù là rượu tự trọng - là không tốt. Chắc họ nghĩ vậy.

 

Và sau đó, một “cầu thủ ngồi trên khán đài” của VFF giải thích trước công luận là: Không muốn tạo ra một tiền lệ xấu, cứ thất bại là sa thải và “Làm như thế sẽ không có ai dám lên nắm đội tuyển”.

 

 
Cầu thủ U23 Việt
Cầu thủ U23 Việt Nam sau trận đấu

 

Đến đây, không vô cớ dư luận lập tức đặt ra những câu hỏi vì sao.

 

Vì sao sự tự trọng về trách nhiệm của một người không hoàn thành trách nhiệm lại có thể lại là một tiền lệ xấu. Tại sao tiền lệ xấu lại có thể trở thành một lý do để bao biện cho chính sự thất bại?

 

Tiền lệ xấu, nếu có, thì phải là việc chẳng ai phải chịu trách nhiệm trước thất bại. Tiền lệ xấu, nếu có, là đá thắng thì đòi tiền, còn nếu thua thì “hòa cả làng” vì sợ… tiền lệ xấu. Và tiền lệ xấu nhất trong câu chuyện tiền lệ xấu này là việc VFF đã coi ý kiến người hâm mộ không hơn cái tiếng (cũng chẳng mấy đẹp đẽ) của mình.

 

Xin nhắc lại rằng khi thất bại tại trận chung kết SEA Games, sau 4 chiến thắng liên tiếp tại các trận chung kết, điều mà các cô gái quần đùi áo số nhận được hoàn toàn không có gì gọi là điều tiếng, nếu như không nói đó là những lời cổ vũ đầy thông cảm.

 

Tình cảm và lòng tin của người hâm mộ không bao giờ sai cả, dù đám đông luôn cảm tính hơn là lý tình.

 

“Không. Chúng tôi không cần thứ tiền lệ xấu xí đó” - có ai đó đã viết một dòng "trạng thái đầy tâm trạng". Vẻ đẹp của bóng đá - ngoài những bàn thắng - còn là sự tự trọng và nhân cách của người thua cuộc.

 

Nếu như có được một điều ước, hẳn nhiên người hâm mộ cả nước chỉ mong sao tiền đạo số 9 Vũ Đức Đam ghi bàn trong trận cầu với đội “Bóng đá Việt Nam”, để ít nhất việc uống rượu tự trọng mà hằng năm người hâm mộ vẫn gửi đến VFF không được coi là một tiền lệ xấu.

 

Theo Đào Tuấn

Lao Động