Ý kiến bạn đọc

Chọn kết quả nào cho giáo dục?

Phải làm cho đứa trẻ không đến gần đám cháy thay vì thô bạo nắm tay đứa trẻ lôi ra khỏi đám cháy.

Minh họa: Ngọc diệp
Minh họa: Ngọc diệp

Hành động thô bạo kéo một em bé ra khỏi đám cháy với việc dùng từ ngữ để hướng đứa trẻ không đến gần ngọn lửa đang bùng cháy dữ dội, đều mang lại hiệu quả như nhau, nhưng khác nhau hoàn toàn về ý nghĩa -Ý nghĩa về mặt giáo duc (GD). Chỉ những hành động mang tính GD mới đem lại kết quả vững bền, phản ánh nội lực của ngành này. Chỉ tiếc rằng nền GD của chúng ta đang đánh mất dần chân lý ấy.

Giáo dục phải là một quá trình…

“Thô bạo kéo em bé ra khỏi đám cháy hay dùng lời nói để đứa trẻ không lại gần đám cháy?” là câu hỏi sinh động phản ánh thực trạng của nền GDVN, đó là chúng ta quan tâm đến kết quả cụ thể hay kết quả do một quá trình giáo dục?. Kết quả cụ thểkết quả do một quá trình giáo dục là sản phẩm của hai lối tư duy khác nhau, nhưng lại sống lâu năm cùng nhau. Nền GDVN chúng ta hình như chỉ quan tâm đến kết quả cụ thể. Sở dĩ lối tư duy này khá phổ biến và có đất sống, sinh sôi nảy nở trong nền giáo dục là có nguyên nhân. Cái sai cứ liên tục xảy ra, không ai phản đối, lên tiếng, dần trở thành thói quen và ngang nhiên trở thành “cái đúng” sống chung với cái đúng, đó là nguyên nhân chính.

Trước khi thầy Đỗ Việt Khoa “vạch mặt chỉ tên” bằng “tang chứng vật chứng” về kỳ thi tốt nghiệp THPT thì một thời gian dài trước đó ngành GD cả nước ngập chìm trong bệnh thành tích và thói hư danh. Xã hội trọng bằng cấp nên ai cũng muốn vào đại học, rồi sinh ra nạn bằng giả, ai có điều kiện hơn chạy cái bằng thật nhưng học giả và đỉnh điểm gần đây là vấn nạn “tiến sĩ giấy”. Dẫn ra những ví dụ điển hình như vậy để nói rằng, một quan niệm rất nguy hiểm đã xuất hiện rất lâu trong nền GD chúng ta nhưng không kịp thời chấn chỉnh đó là chỉ mong cái kết quả tức thì. Chính vì thế xã hội cũng sẽ không ngạc nhiện khi học trò gian lận để có kết quả tốt trong kiểm tra thi cử; giáo viên chỉ dạy cái liên quan đến thi, cắt xén chương trình; hiệu trưởng chỉ chú trọng đến chất lượng mũi nhọn, xem nhẹ cái toàn diện; phụ huynh chạy chọt để xin điểm, xin cho con vào lớp chọn, làm lớp trưởng, khi các em ra trường lại “chạy” xin việc… cho dù lý giải bằng những nguyên nhân khác nhau nhưng tựu trung lại đều do lối tư duy chỉ mong muốn có cái kết quả cụ thể, cái “hiệu quả” tức thì, mà có khi chỉ để phô trương, khoe mẽ với nhau!

Nếu người học, người dạy, nhà trường và phụ huynh cùng hiểu rằng: sản phẩm của giáo dục là một quá trình, không thể nóng vội “đốt cháy bỏ qua” thì các vấn nạn về “chạy” sẽ tự khắc triệt tiêu. Và sản phẩm (con người) đúng nghĩa của giáo dục sẽ không bị lỗi. Hiểu được GD là một quá trình sẽ giúp chúng ta đào tạo ra những con người toàn diện, những người có ích, đủ sức xây dựng một xã hội phồn vinh.

Thì con người tất yếu sẽ ứng xử chuẩn mực

Các nước tiên tiến đã thấm nhuần tư tưởng này cho nên công dân của họ thật sự làm chúng ta ngạc nhiên và ngưỡng mộ. Một vị khách du lịch người nước ngoài đến VN đã kiên quyết yêu cầu cô gái người Việt dừng xe và xuống dắt xe trên phố dành cho người đi bộ; trong hoàn cảnh cận kề cái chết, người Nhật vẫn trật tự đứng xếp hàng nhận cứu trợ ở thảm họa động đất sóng thần năm nào… đó là những minh chứng thuyết phục nhất cho kết quả của một nền GD thực chất.

Còn công dân ở ta thì sao? Tự ý nâng giá khi cung không đáp ứng cầu, thậm chí bắt chẹt, hôi của khi đồng bào gặp khốn khó, đầu độc nhau bằng thực phẩm bẩn, xem phong bì nặng hơn những lời cảm ơn… những biểu hiện thoái hóa đó, phải chăng do ảnh hưởng của một nền GD “ăn xổi ở thì” mà ra?

Khi giáo dục được xem là một quá trình thực thụ thì hiệu quả của nó không dễ dàng nhìn thấy qua các bài kiểm tra, khảo sát hay những kỳ thi quốc gia, quốc tế. Những bài học như: không khạc nhổ, xả rác bừa bãi; biết xếp hàng; nhường ghế cho người già, người khuyết tật khi lên xe buýt; dắt trẻ em người già qua đường; nhặt của rơi trả lại cho người mất; v.v… vẫn nhắc nhở hàng ngày trong các lớp học nhưng vẫn mãi là “mơ ước cháy bỏng” của con dân đất Việt.

Giáo dục chỉ cất cánh khi đi vào thực chất, đòi hỏi người làm GD không “màu mè hoa lá” bằng hô hào khẩu hiệu, không duyên dáng điệu đà trước ống kính truyền hình, thậm chí không cần tự hào trước những thành tích đạt được…Ông Tây chặn cô gái người Việt trên phố đi bộ, đó là những phản xạ tự nhiên mang tính tất yếu, vụt ra mạnh mẽ không hề nghĩ ngợi đắn đo. Họ hành động không vì được nổi tiếng hay muốn PR đánh bóng tên tuổi mình, mà đó là những hành động đẹp phản ánh quá trình hấp thụ một nền giáo dục thực chất.

Nếu chúng ta dùng một lực nhỏ ép vào cơ cổ làm cho đứa trẻ cuối đầu khi gặp người lớn, hành động này lặp lại nhiều lần, sau đó không cần ép vào cơ cổ nữa, đứa trẻ vẫn cúi đầu khi gặp người lớn. Đây là huấn luyện chứ không phải giáo dục. Giống như con vật làm xiếc để được ăn. Đối tượng của hành động huấn luyện có chiều hướng chỉ theo đuôi, còn con người có GD đúng nghĩa sẽ biết tư duy và suy nghĩ. Để phân biệt rạch ròi giữa huấn luyện và GD thì phải làm cho người học hiểu được mục đích, ý nghĩa của việc học.

Làm cách nào giúp người học thấy được mục đích, ý nghĩa của việc học? Đơn giản là cần một xã hội giúp người học trả lởi được câu hỏi “học để làm gì?”. Giống như câu chuyện đầu bài viết, phải làm cho đứa trẻ không đến gần đám cháy thay vì thô bạo nắm tay đứa trẻ lôi ra khỏi đám cháy.

Nguyễn Hữu Tâm

(Bà Rịa-Vũng Tàu)