Chẳng lẽ vì các mối “quan hệ” nên tỷ lệ lãnh đạo / nhân viên vẫn cao?

Đã là cục, vụ thì phải có các phòng bên dưới, đó là một thực tế ở nhiều bộ, ngành. Lý do, có người nói thẳng, vụ nào cũng cho mình là quan trọng, mà như vậy thì phải có nhiều phòng chức năng để vừa giải quyết được các mối quan hệ tế nhị, vừa giải quyết khâu “đối ngoại”: có cái uy cán bộ ở trung ương khi xuống cơ sở.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Dù biết bộ máy của một số bộ ngành vẫn cồng kềnh, không chỉ ngốn ngân sách mà công việc luôn bị trì trệ, nhưng dư luận vẫn không khỏi bất ngờ khi các đoàn giám sát của Quốc hội “điểm huyệt” ở một số bộ: Tỷ lệ lãnh đạo / nhân viên vẫn còn rất lớn. Bất ngờ hơn khi các vị lãnh đạo ở những bộ này một mặt thừa nhận đúng là có tình trạng như vậy, nhưng mặt khác cho rằng vẫn cho rằng đúng quy định.

Phải chăng, những vị này hoặc là muốn bao biện, hoặc là do cơ chế của chúng ta vẫn còn kẻ hở để các vị lãnh đạo muốn “sinh” thêm các vụ, các phòng như thế nào tùy ý? Chỉ biết rằng, “đúng quy định” dư luận nghe nhiều đến mức … nhàm, bởi từ việc bổ nhiệm cán bộ kiểu “trực thăng vận” cho đến ốm, chết vẫn đều được giải trình “đúng quy định”.

Theo Vietnamnet, nhiều đơn vị của Bộ GTVT có số lãnh đạo nhiều hơn chuyên viên và người lao động, thậm chí có nơi lãnh đạo nhiều gần gấp đôi nhân viên. Chẳng hạn, số lượng Thanh tra Bộ có tới 20 lãnh đạo quản lý, trong khi chỉ có 18 chuyên viên và người lao động. Hay như Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông số lãnh đạo nhiều hơn nhân viên 10 người (41/31). Thậm chí như Cục Quản lý xây dựng đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, số lượng lãnh đạo quản lý gần gấp đôi nhân viên (28/15).

Giải thích về các con số trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết: “Nhìn tổng thể thì thấy tỉ lệ lãnh đạo/chuyên viên khá cao nhưng nhìn từng cục, vụ bên trong có nhiều phòng và mỗi phòng chỉ có 1 trưởng phòng và 1 phó phòng, nhân lên nghe thì tưởng nhiều nhưng đều đúng với quy định”. Như vậy, theo giải thích này thì số cán bộ đó tuy nhiều nhưng “vẫn đúng quy định”.

Theo báo cáo của ông Công, cơ cấu tổ chức của Bộ so với nhiệm kỳ trước tăng cơ quan hành chính và 6 đơn vị sự nghiệp nhưng vẫn không tăng biên chế. Bởi, thực chất của việc tăng này là do sắp xếp lại các tổ chức hiện có, chuyển một số đơn vị từ các cục về trực thuộc Bộ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Còn với Bộ GD& ĐT, theo Dân trí, đoàn giám sát nhận xét, biên chế công chức hạn hẹp nhưng tỷ lệ lãnh đạo/chuyên viên, người lao động ở một số đơn vị khá lớn. Chẳng hạn Vụ Tổ chức cán bộ tỷ lệ này là 11/11, Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục là 18/30. Như vậy, nếu so với Bộ GT&VT, tỷ lệ này là thấp hơn, nhưng vẫn còn cao. Vậy đâu là nguyên nhân?

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng, đây là vấn đề của quá khứ và hoàn toàn phù hợp với Nghị định 32 năm 1980. Cũng theo ông Hùng, trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 32, Bộ đã quán triệt nghiêm túc chủ trương cấp vụ không có cấp phòng. Hiện cả bộ có 18 phòng, nếu giảm đi, mỗi phòng có 3 lãnh đạo thì sẽ giảm được 54 lãnh đạo, chỉ còn vụ trưởng, vụ phó.

Như vậy, cốt lõi của vấn đề là: Đã là cục, vụ thì phải có các phòng bên dưới không chỉ xảy ra ở Bộ GTVT, Bộ GD&ĐT mà có mặt ở rất nhiều bộ, ngành. Đó là một thực tế. Lý do, nhiều người đã nói thẳng, vụ nào cũng muốn tầm quan trọng của mình, như vậy thì phải có nhiều phòng chức năng. Điều đó vừa giải quyết được các mối quan hệ tế nhị, vừa giải quyết khâu “đối ngoại”: có cái uy cán bộ ở trung ương khi xuống cơ sở, dù cán bộ cấp phòng cũng được.

Để giải quyết khâu oai, mới có chuyện nảy sinh ra chuyện nực cười: Chức danh “hàm”. Chẳng hạn, vụ phó hàm vụ trưởng và đủ các loại hàm. Chính vì vậy, nhiều khi giới thiệu cho “đẹp” mặt quan khách, thường chỉ giới thiệu ông A là hàm vụ trưởng, nhiều khi còn lờ cả chữ “hàm”. Bi hài là ở chỗ đó. Bi hài còn bởi, dù luật không quy định, nhưng một số bộ, ngành ở trung ương vẫn mạnh dạn phong…hàm!

Vương Hà