Cạnh tranh để làm lãnh đạo, sao không?

Dẫu rằng việc đột phá thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo chỉ như viên gạch nhỏ trên con đường làm trong sạch nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Nhưng phải bắt đầu từ việc đặt những viên gạch nếu không chẳng có con đường nào thành hình!

Công an tỉnh Đồng Nai đang phá đường dây thi thuê tại Trường ĐH Lạc Hồng (TP Biên Hòa) và phát hiện gần 200 cán bộ đã được một "đội quân" hùng hậu thi hộ để lấy bằng TOEFL, TOEIC bổ túc hồ sơ học cao học. Đó chỉ là một trong những hệ lụy buồn từ một nền công vụ chỉ chú trọng bằng cấp không quan tâm thực tế năng lực.

 

Vừa qua một số địa phương trong chính sách nhân sự đòi hỏi công chức phải có bằng cấp cao để hợp thức hóa việc đề bạt, bổ nhiệm vô hình trung làm bùng nổ vấn nạn "mua bằng, bằng giả" hay "học giả bằng thật". Ngoài ra có một não trạng, cán bộ có "mốt" ngoài chức danh còn có gắn thêm các "phụ tùng" như T.S., ThS, PGS, GS... cho có vẻ "văn võ song toàn" thêm phần "trí tuệ" thật ra có đến hơn 90% công chức "tậu" thêm bằng cấp trong khi đang làm việc. Thật tình mà nói, các bằng cấp "tậu" thêm này nhiều khi chẳng gắn gì với nhiệm vụ đang thực thi!? (Ở Việt Nam ta, nhiều vị thực tài nhưng bằng cấp rất khiêm tốn. Thí dụ, Giáo sư Tôn Thất Tùng (Bác sĩ), Giáo sư Tạ Quang Bửu (cử nhân), Giáo sư Trần Đại Nghĩa (kỹ sư)... Những vị này mãi mãi là ngôi sao sáng trên bầu trời văn hiến đất Việt.)

 

Nhiều khi đó còn là hậu quả một quy trình đề bạt bổ nhiệm cán bộ công chức ngược. Thay vì học hành đầy đủ, trang bị kiến thức kinh nghiệm đầy đủ mới bổ nhiệm thì lại bổ nhiệm đề bạt trước.

 

Đối với loại cán bộ công chức này, họ có ba cách lựa chọn: Thứ nhất, mặc kệ cứ làm việc đến đâu hay đến đó lo gì. Cách này không tránh khỏi những sai sót, vấp váp trong thi hành công vụ. Thứ hai, xếp việc cơ quan lại, tranh thủ đi học cho bằng chị bằng em. Cách này xem ra có vẻ tích cực nhưng phần thiệt thòi lại rơi vào công dân, tổ chức, doanh nghiệp có việc phải đến chốn công đường phải chờ đợi, được nghe trả lời "cán bộ bận đi học lúc khác đến". Thứ ba, bằng mọi cách chạy thầy, chạy bài, thậm chí cho cấp dưới học giúp, thi hộ... như nhiều trường hợp đã từng bị phát hiện, phanh phui.

 

Cách này xem ra quá tiêu cực nhưng lại khá hấp dẫn với nhiều người. Ba cách ứng xử như vậy cuối cùng tựu trung lại, nhà nước và nhân dân đều thiệt, "nước nghèo dân khổ"! Thực trạng này đang làm một tấm gương xấu cho thế hệ trẻ bắt chước, góp phần làm băng hoại truyền thống văn hiến của dân tộc, cản trở nỗ lực của sự nghiệp chấn hưng giáo dục nước nhà.

 

Trong khi đó, đã có những điểm sáng về đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lóe lên. Từ năm 2006 đến nay, Đà Nẵng đã triển khai thí điểm thi tuyển cạnh tranh chức danh lãnh đạo trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp và được đánh giá là địa phương có những bước đột phá trong việc làm chuyển biến mạnh mẽ quy trình tuyển chọn chức danh lãnh đạo cho nền hành chính công. Đã có 53 vị trí, chức danh lãnh đạo được bổ nhiệm thông qua hình thức nầy với sự tham gia cạnh tranh của 154 người dự tuyển.

 

Đòi hỏi của cuộc sống, đòi hỏi của người dân được cung cấp những dịch vụ hành chính có chất lượng cao bắt buộc cơ quan công quyền phải có những đột phá đối với việc cải thiện chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Đối với đội ngũ cán bộ công chức nói chung, vừa qua trong chừng mực nào đó đã tiến hành nghiêm túc việc thi tuyển cạnh tranh và đã bắt đầu áp dụng quy định về công chức dự bị. Hy vọng qua một thời gian cùng với nhiều biện pháp hữu hiệu, tích cực sẽ "thay máu" đại trà đội ngũ cán bộ công chức.
 
Cạnh tranh để làm lãnh đạo, sao không?

 

Quy hoạch mở

 

Còn đối với công chức lãnh đạo các cấp thì sao? Chất lượng có được cải thiện hay theo cung cách sống lâu lên lão làng?

 

Trả lời và hành xử giải đáp đúng đắn câu hỏi này là một sự lựa chọn dũng cảm.

 

Lãnh đạo có vai trò quyết định chất lượng dịch vụ hành chính. Có một nguyên tắc trong việc cung cấp dịch vụ, muốn có chất lượng dịch vụ cao vừa lòng khách hàng (người dân) phải thông qua cơ chế cạnh tranh trong việc cung cấp dịch vụ. Đối với việc cung cấp dịch vụ hành chính công cũng vậy. Nhưng đối với loại dịch vụ này chỉ duy nhất cơ quan công quyền cung cấp!? Vậy thì nguyên tắc cạnh tranh ở đây thực hiện như thế nào? Chỉ có cách tuyển chọn công chức ngồi ở vị trí cung cấp dịch vụ theo cơ chế cạnh tranh. Vị trí có lẽ quan trọng nhất không ai khác là chức danh trưởng phó phòng.

 

Phòng ban hơn ai hết là nơi tiếp xúc giải quyết trực tiếp công việc của công dân, vai trò trách nhiệm người đứng đầu ở đây rất quan trọng, có tính chất quyết định. Chủ tịch, Phó chủ tịch quận, huyện, Chánh phó giám đốc sở cũng quan trọng những cũng chỉ giữ vai trò gián tiếp.

 

Có lẽ khó khăn lớn nhất làm chùn bước những người quyết định là qua thi cử cạnh tranh những cá nhân được quy hoạch cấp uỷ hoặc đang là cấp uỷ không trúng tuyển thì sao? Xử lý như thế nào? lỡ ai đó ngoài diện quy hoạch trúng tuyển?...

 

Phải nhìn nhận rằng, chúng ta đang trong quá trình đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với chính quyền. Nếu không đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, chính quyền không có những thay đổi tích cực về chất trong việc phục vụ nhân dân, không nâng cao chất lượng mọi mặt của đội ngũ cán bộ công chức thì không tránh khỏi đối mặt trước những nguy cơ thách thức không nhỏ.

 

Dẫu rằng việc đột phá thi tuyển cạnh tranh các chức danh lãnh đạo chỉ như viên gạch nhỏ trên con đường làm trong sạch nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức. Nhưng phải bắt đầu từ việc đặt những viên gạch nếu không chẳng có con đường nào thành hình!

 

Giải pháp có thể dễ chấp nhận nhất là cứ xem các ứng viên dự thi nằm trong diện quy hoạch động, quy hoạch mở của một chức danh nào đó thay vì quy hoạch khép kín hẹp như xưa nay. Ngoài ra có thể áp dụng bước một là trước sơ tuyển, xét tuyển những người đủ các yếu tố tố chất cần thiết.

 

Mặt khác phải dần dần thay đổi quan niệm về "biên chế", một nguyên nhân đưa đến sức ỳ và trì trệ, thay quan niệm cơ chế "biên chế" bằng cơ chế hợp đồng linh hoạt đối với đội ngũ công chức nói chung kể cả công chức lãnh đạo. Thay đổi việc đánh giá thành tích của cán bộ công chức từ lòng trung thành, ý thức giác ngộ chung chung bằng đánh giá theo kết quả, hiệu quả công việc một cách định lượng.đánh giá dựa theo kết quả đầu ra...

 

Có một kết luận là "muốn cải cách hành chính thành công phải có quyết tâm chính trị cao, được nhân dân đồng tình ủng hộ và được đại bộ phận công chức đồng tình chấp hành". Vấn đề ở đây là các cấp lãnh đạo phải có quyết tâm chính trị cao, từ quyết tâm sẽ đẻ ra nhiều sáng kiến cách làm, từ đấy mới nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, làm tròn vai trò tiên phong của giai cấp, của dân tộc.

 

Diệp Văn Sơn (theo VietnamNet)