Cần xác định đúng đắn vị trí của môn học Giáo dục công dân

Thời gian gần đây, tình trạng học sinh đánh nhau ngày một nhiều, nạn bạo lực học đường đang báo động sự chệch hướng về Kỹ năng sống của học sinh. Chúng ta có thể đưa ra nhiều lý do để biện minh như do phim ảnh; do vòng xoáy cơ chế thị trường khiến người lớn lãng quên chuyện chia sẻ, làm bạn với con; do lỗi của trò chơi game bạo lực… nhưng còn một nguyên nhân nữa xuất phát từ học đường, đó là chú trọng dạy chữ hơn dạy người, mà trong đó môn Giáo dục công dân (GDCD) vẫn bị xem là môn phụ. Đã đến lúc cần trả môn GDCD về vị trí xứng đáng của nó: môn học làm người


Ạnh minh họa: Ngọc Diệp

Ạnh minh họa: Ngọc Diệp

Tâm sự của người trong cuộc

Tôi là một giáo viên từng đạt giải nhì trong kỳ thi Giáo viên giỏi môn GDCD năm 2005. Lúc đó giáo viên được đào tạo chuyên ngành GDCD chưa có, nhưng tỉnh Hà Tây vẫn tổ chức thi bởi đã là giáo viên, nhiệm vụ dạy học sinh đạo đức làm người là đầu tiên. Từ cuộc thi đó, tôi rút ra nhiều điều thú vị của môn học làm người này.

GDCD là môn học hay, nhưng khó.

Hay ở chỗ: Đây là môn học dạy học sinh làm người. Hiếm có môn học nào lại trang bị đầy đủ cho các em những chuẩn mực về đạo đức, ứng xử hàng ngày, tiếp nối truyền thống tốt đẹp của cha ông, cũng như kiến thức tối thiểu về pháp luật, phòng chống tệ nạn nguy hiểm trong xã hội (HIV/AIDS, mại dâm, ma túy…) như môn GDCD. Môn học này qua các thời kỳ có nhiều tên gọi khác nhau: Xã hội cũ gọi đây là môn học Luân lý. Trong hệ giáo dục 10 năm (cũ) được gọi là môn Đạo đức (từ lớp 1 đến lớp 6), lớp 7 đến lớp 10 gọi là Chính trị. Từ khi thực hiện cải cách giáo dục, ở tiểu học vẫn gọi là Đạo đức, cấp THCS và THPT đều gọi chung là Giáo dục công dân. Dù tên gọi là gì thì môn học này vẫn là dạy cho học sinh những bài học làm người đầu tiên. Các em rất cần được dạy đầy đủ, đúng phương pháp từ khi bước vào trường học. Mặt khác, đã là thầy đều phải làm gương cho học sinh về mọi mặt, thầy giáo dạy môn GDCD lại càng phải là một tấm gương sáng về chuẩn mực ứng xử mọi nơi mọi lúc cho học sinh noi theo.

Khó ở chỗ: Để dạy giỏi, người thầy cần có kiến thức, vốn sống phong phú, hiểu biết rộng trên nhiều lĩnh vực xã hội và có kinh nghiệm ứng xử thực tế trong cuộc sống. Khi dạy phải biết tích hợp nhiều môn học khác nhau để thực hiện các phương pháp đặc thù của môn học. Nhưng thực tế hiện nay, thầy cô lên lớp tiết GDCD do không được đào tạo chuyên sâu nên phương pháp còn lúng túng. Các hoạt động đặc trưng của dạy GDCD là sắm vai, ứng xử, thảo luận, xử lý tình huống… chưa được thực hiện. Chủ yếu là dạy thuyết trình, lý thuyết khô khan.

Khó còn ở chỗ môn học bị coi nhẹ, chưa được đầu tư cho giảng dạy như các môn khác. Ngay từ khi biên soạn chương trình môn học đã chưa được chú trọng (mỗi tuần chỉ có 1 tiết). Các cuộc thi giáo viên giỏi, học sinh giỏi, chuyển cấp trước đây đều không có chỗ cho môn GDCD. Trong trường sư phạm chưa đào tạo giáo viên dạy GDCD chuyên mà chủ yếu là ghép. Ở các cơ sở giáo dục, GDCD là môn học “lấp chỗ trống” bởi có thể phân công bất cứ người nào miễn là đủ cơ số giờ trong tuần. Môn học này cũng chưa có sự đầu tư thỏa đáng (sách giáo khoa, tham khảo, nâng cao…)

Cần xác định đúng đắn vị trí của môn GDCD là dạy làm người.

Trong thực tế, theo quan niệm sai lầm của một số người: môn Toán, Văn, Ngoại ngữ mặc nhiên được coi là “chính”, các môn khác bị coi là “phụ”, riêng môn GDCD là rất phụ. Quan niệm chính - phụ không chỉ có ở phụ huynh, mà còn có trong cả người học, thậm chí người dạy.

Ngay trong nhà trường, việc dạy môn GDCD cũng bị chính giáo viên xem nhẹ, khi phân công chuyên môn, thường phân dạy kèm thêm GDCD cho đủ cơ số giờ quy định, hoặc phân công cho các giáo viên hợp đồng. Vì ít kinh nghiệm nên người dạy thường rất qua loa, lên lớp chủ yếu cho học sinh đọc sách giáo khoa, học thuộc lòng phần “bài học”, mà ít đầu tư công phu cho bài giảng. Với cách dạy như vậy nên học sinh cũng “coi thường” môn GDCD – mặc dù đó là một môn học không thể thiếu để hình thành nhân cách cho các em. Từ chỗ người dạy không chú tâm dẫn đến học sinh coi thường, phụ huynh cũng xem nhẹ môn học ấy.

Môn học này tuy không quyết định trực tiếp đến kỳ thi chuyển cấp (trước đây), nhưng có một vai trò hết sức quan trọng trong giáo dục. Đây là môn học giáo dục đức dục hướng các em đến những chuẩn mực đạo đức của xã hội. Xem kỹ chương trình cả cấp học thì thấy: Suốt mấy cấp học đều phân bố cả phần giáo dục đạo đức (giúp các em hình thành nhân cách), cả phần pháp luật (giúp các em hiểu được những kiến thức pháp luật liên quan đến lứa tuổi, đặc biệt những vấn đề tuổi vị thành niên cần biết). Trong từng bài, ngoài phần bài học đã được tìm hiểu thông qua các dẫn chứng cụ thể người thật việc thật, phần bài tập còn có nhiều tình huống yêu cầu các em đưa ra cách ứng xử của mình thông qua việc thảo luận nhóm, từ đó trang bị kỹ năng sống cho các em. Ngoài ra, học môn GDCD, các em còn được tham gia sắm vai ứng xử các tình huống cụ thể. Nếu người dạy biết kết hợp tốt các phương pháp đàm thoại, tổ chức trò chơi, họat động nhóm, sắm vai… thì tiết học sẽ rất hấp dẫn, tạo hứng thú học tập cho các em, góp phần phát triển con người toàn diện. Được như vậy, môn học GDCD sẽ không còn là môn “phụ” mà còn được coi là môn “chính” nhất, vì thông qua việc hình thành nhân cách, các em có ý thức hơn, có hành vi ứng xử chuẩn mực hơn, từ đó giảm thiểu bạo lực học đường, góp phần xây dựng trường học thân thiện. Mỗi học sinh sẽ hình thành thói quen tổt, nhân cách tốt, biết kính trọng ông bà cha mẹ, biết phân biệt phải trái, biết ứng xử chuẩn hơn. Và khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” sẽ được thực hiện tốt hơn. (Rất may là từ năm học 2016 -2017, Bộ GD đã đưa môn GDCD vào trong một bài thi tổ hợp thuộc Kỳ thi THPT quốc gia. Đó là quyết định đúng đắn, rất nên duy trì).

Dạy môn GDCD như thế nào?

Việc dạy GDCD không chỉ đơn thuần là đọc bài trong SGK và học thuộc lòng phần “Bài học”, mà phải có phương pháp học tập giảng dạy đúng. Trước hết người dạy phải thấy yêu môn học mà mình sẽ dạy, từ đó đào sâu phương pháp, tìm tòi kiến thức dẫn chứng cụ thể trong thực tế cuộc sống để đưa vào bài học cho phong phú, tiết dạy có hiệu quả hơn. Việc thiết kế các trang trình chiếu (PowerPoint) gây hứng thú trong học tập cũng là một cách làm hiệu quả, ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy.

Dạy GDCD không chỉ hoàn toàn sách vở như nhiều người đã quan niệm sai lầm. Người dạy GDCD phải là người có hiểu biết rộng về xã hội, biết tích hợp các môn học khác như môn văn, sử, kiến thức xã hội, chính trị, thời sự… Nó giúp chúng ta giáo dục các em toàn diện hơn, giúp cho việc học và tiếp thu các môn học khác tốt hơn.

Về việc tổ chức các hoạt động kết hợp bổ trợ cho môn học này, theo tôi, chúng ta nên tổ chức nhiều cuộc hội thảo theo từng chủ đề (ví dụ: “Chăm sóc sức khoẻ sinh sản”, “Kiến thức phòng chống HIV/AIDS” cho học sinh lớp 8,9. Cách ứng xử một tình huống cụ thể đối với hoc sinh khối 6-7. “Việc thực hiện các hành vi chuẩn mực đạo đức ở quanh em” với các khối tiểu học). Hội thảo có thể tổ chức giữa các khối lớp, có thể cả trường, có thể kết hợp nhiều trường thành một diễn đàn… Để làm tốt việc này đòi hỏi các ban ngành đoàn thể đều vào cuộc, đặc biệt là phụ huynh học sinh. Gần đây ngành giáo dục cũng đã tổ chức nhiều chuyên đề cấp quận huyện, cấp cụm trường cho môn GDCD. Việc tham gia các chuyên đề này đã giúp cho các giáo viên được phân công dạy môn GDCD có thêm “hành trang” để cùng đi đến một phương pháp dạy thống nhất, chuẩn hơn.

Dạy học là một nghệ thuật, dạy GDCD là một nghệ thuật đỉnh cao của nghề sư phạm. Tuy nhiên, để môn GDCD được trở về đúng vị trí của nó, chỉ người thầy chưa đủ, mà cần có sự kết hợp chặt chẽ của 3 môi trường giáo dục: nhà trường - gia đình - xã hội. Trong đó rất cần những người lớn chúng ta làm gương cho con trẻ noi theo. Làm sao để con trẻ nghe theo những điều người lớn nói, làm theo những việc người lớn làm.

Vì thế, chúng ta không nên coi GDCD là môn phụ. Đã đến lúc cần trả môn học GDCD về vị trí xứng đáng của nó: môn học làm người.

Nguyễn Thị Diệp

(Hiệu trưởng THCS Đức Thượng – Hoài Đức - Hà Nội)