Bạn đọc viết:

Cần vị “Giáo đầu” xoay chuyển được tình thế Giáo dục VN

(Dân trí) - Đọc sử ký Trung Hoa thấy có vị Giáo đầu Lâm Sung quản lý vệ cấm quân rất tốt một thời. Ngẫm sang ngành Giáo dục VN ta đã phải gánh chịu bao ý kiến người dân phê phán, vậy nên chăng cần có một vị “Giáo đầu” xoay chuyển được tình thế?

(minh họa: Ngọc Diệp)
(minh họa: Ngọc Diệp)

 

Tiên trách kỉ hậu trách nhân. Trước hết tôi xin kiểm điểm mình vì việc không thi đỗ các trường “có số má” như Y Thái Bình, Y Hà Nội… để rồi với nguyện vọng hai tôi lại là hệ quả của một nền giáo dục có “bề dày thành tích”. Có lẽ hai từ “thành tích’’ đã quá ám ảnh  trong tâm trí  những người làm giáo dục VN, tới mức bị đẩy đi quá xa thành “bệnh thành tích” (mà cũng đâu chỉ riêng ngành Giáo dục mới có nhỉ?)

 

Chới với trước cách đào tạo theo phong trào “nhà nhà học đại học, người người học đại học…” để rồi sau hơn 1 năm ra trường với tấm bằng loại Khá mà cũng chỉ có 8/70 người của khoa đạt được, tôi vẫn phải lang thang vật lộn tìm việc tới tận bây giờ.

 

Kể về chuyện đi xin việc mà như phim hài thời mở cửa. Công ty đăng thông báo tuyển nhân sự với ghi chú: “Không trúng tuyển không trả lại hồ sơ”. Tới ngày đi tuyển, người ta bảo: Không trúng. Hỏi lý do, nói: Vì anh mới ra trường. Ấm ức tới phát tức, ra cổng hỏi bảo vệ, được “bật mí”: Công ty này năm nào chẳng vậy, người ta tuyển lấy hồ sơ làm hợp đồng để… trốn thuế ấy mà (!?)  Giật mình nhận ra: Trường đời khác xa trường học!!!

 

Rồi lần lượt đủ thể loại vật lộn sóng gió cũng chỉ tốn tiền nộp hồ sơ. Thời buổi kinh tế thoái, công ty nợ lương phá sản có lẽ còn nhiều hơn cả… bảng thành tích những sản phẩm VN được vinh danh. Vị trí tuyển một người mà có tới 80 - 90 hồ sơ dự tuyển, thật là thảm kịch cho hệ quả của nền giáo dục VN!!!

 

Ngẫm lại chuỗi ngày dài giáo dục với tiêu chí “cải cách”, vậy chỉ với 1 vấn đề là tiêu chuẩn để một trường cao đẳng lên đại học là gì  mà sao mãi vẫn chưa rõ ràng? Hay vẫn theo kiểu “gái lớn gả chồng”, “trâu già ắt thịt”…??? Số lượng các trường đại học, cao đẳng đã tăng tới mức cung vượt quá xa cầu, dẫn tới tình cảnh bây giờ VN mình có lẽ là nước có cái gọi là “văn hóa tuyển dụng” bất thường nhất???

 

Thật không khó với trang timviecnhanh.com để xem các kiểu tuyển dụng thế nào? Chỉ với nhân viên bán hàng mà cũng yêu cầu trình độ cao đẳng trở lên (không cần biết ngành đã học). Cứ thế này tới bưng bê cà phê có lẽ cũng cần bằng trung cấp?

 

Thôi thì đã trót tạo nhiều trường để… phổ cập đại học, phương án đề xuất chỉ có thể là siết chặt "đầu ra". Chúng ta hãy tưởng tượng sinh viên như nước trong chai, vậy thì dù đầu chai nước có nhỏ giọt thì vẫn có thể xếp hàng tới lượt. Có 1 câu khẩu hiệu “chế” vẫn được sinh viên truyền miệng với nhau là: Học, học nữa học mãi! Đúp, học lại, đỗ thì thôi. Nhưng chẳng lẽ các trường cho các em ở lại làm “lớp trưởng” nhiều vậy thì ai còn dám nhập học nữa. Thế là phương án "đầu ra" có vẻ không ổn.

 

"Đầu ra" không ổn, thôi thì... nhắm mắt bắt "đầu vào". Nhưng khổ nỗi  “anh” dân số dường như lại “phá đám”… “anh giáo” dục khi kêu gọi đẻ ít, để lượng học sinh thì ít mà trường lớp thì nhiều, thế là học sinh ít ra cũng có quyền được "lựa chọn thức ăn trên bàn tiệc giáo dục”. Để rồi các trường không “có số má” lại phải bóp bụng nhịn ăn khuyến mãi đủ kiểu: nào là giảm học phí, tạo chỗ ăn chỗ ở… mong sao chiêu đủ sinh viên để thầy cô có thể dạy. Vậy là siết chặt "đầu vào" cũng chẳng xong, thui thì… thuận thủy thu lôi vậy!!!

 

Nhưng vẫn câu hỏi xưa cũ lại phải đặt ra: Hướng đi nào là đúng cho giáo dục? Chí ít cũng là để sinh viên, học sinh khỏi rơi vào cảnh... bấm bụng sáng tạo làm thơ cho nguôi nỗi buồn...

 

Khi xưa vác sách theo thầy

Giờ đây em lại vác cày theo trâu

Bằng cấp em đội trên  đầu

Để che đỡ nắng con trâu em cày!!!

 

Nhưng mà kể cũng hay khi thấy các vị giới chức nhà ta hình như cứ ngồi nghĩ ra đủ mọi phương án và đủ thứ luật lệ áp dụng cho giáo dục, trong khi đó các “lệnh tôn” của họ lại toàn đi du học nước ngoài, không được nếm “chùm khế ngọt quê hương” chắt lọc từ ngành giáo dục VN đầy "thành tích" hiện nay???

 

Nghĩ mà càng buồn!!!

 

Mới đây đọc Dantri.com thấy bài “Chùn chân trước phương án tuyển sinh riêng”, lại nghĩ: Phải chăng bước nhiều cũng mệt, hay lại sắp có một cuộc cải cách để học sinh thấp thỏm mong chờ? Đó là hình thức chia nhỏ ra để… trị hay… mệnh ai người ấy lo? Rùi sẽ ra sao nếu trường nào tuyển sinh trường ấy? Thứ cần giải quyết là cái "đầu ra” cho công việc, chứ đâu phải cái "đầu vào” cho giáo dục?

 

Tôi khẳng định, với con người VN và trình độ công nghệ phát triển thời đổi mới thì ai cũng có thể học được, bởi rằng thì là: “Dân ta phải biết sử ta /Nếu mà không biết thì… tra Gugồ (Google)”, đâu có khó khăn để tiếp cận kiến thức. Nhưng sẽ rất khó khăn với quá nhiều tấm bằng đại học cho một chỗ tuyển dụng.

 

Quanh đi quẩn lại vẫn câu  hỏi ấy: Đâu mới là hướng đi đúng?
 
Theo thiển ý của tôi, cần lắm một vị “Giáo đầu” thực sự phù hợp có thể xoay chuyển được tình thế trì trệ hiện nay của ngành Giáo dục VN!

 

Nguyen Hung