Bạn đọc viết

Cần quy định phải đặt cọc khi cam kết đầu tư các dự án

Có như vậy, mới hạn chế và giải quyết triệt để tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” đang tồn tại cản trở sự phát triển, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của đất nước và bảo vệ được quyền, lợi hợp pháp cho người dân, tổ chức bị thiệt hại do quy hoạch “treo”, dự án “treo” gây ra


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Ở nước ta hiện nay tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” là khá phổ biến, hầu như địa phương nào cũng có tình trạng này, gây bức xúc cho xã hội, nhất là ngườid dân ở các vùng quy hoạch, dự án. Việc để xảy ra tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” có nhiều nguyên nhân như do có sự biến động của giá cả; khó khăn, rủi ro, biến động về tài chính, tổ chức của các doanh nghiệp, chủ đầu tư hoặc do chưa thoả thuận được mức đền bù giải phóng mặt bằng với người dân trong vùng dự án...

Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất, gây bức xúc nhất là việc các chủ đầu tư, doanh nghiệp cam kết đầu tư để “xí phần” về mặt bằng, đất đai hoặc tranh phần để sau đó sang nhượng lại cho doanh nghiệp khác để kiếm lời, chênh lệch. Theo các chuyên gia kinh tế thì ở nước ta đang xuất hiện tình trạng “cò” quy hoạch, “cò” dự án gây thiệt hại rất lớn cho các tổ chức, doanh nghiệp làm ăn chân chính, có nhu cầu và khả năng đầu tư thực sự, đặc biệt là ảnh hưởng quyền lợi hợp pháp cũng như đời sống đến người dân trong vùng quy hoạch. Bên cạnh đó, cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư, tiến độ đầu tư, triển khai các dự án nhằm phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Để khắc phục tình trạng trên, gần đây Chính phủ và chính quyền các địa phương đã thực hiện một số biện pháp khá mạnh như thu hồi diện tích đất, đình chỉ các dự án cam kết nhưng không triển khai đúng tiến độ... Nhưng tình trạng trên vẫn tiếp diễn, không có chiều hướng giảm mà còn diễn ra ngày càng tinh vi, phức tạp hơn rất khó giải quyết dứt điểm.

Theo chúng tôi, để ngăn chặn và xử lý tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” các cơ quan có thẩm quyền cần ban hành quy định về việc đặt cọc tài chính (tiền) khi ký kết các hợp đồng cam kết thực hiện các dự án. Theo đó, các doanh nghiệp, chủ đầu tư không thực hiện đúng cam kết, nếu không có lý do chính đáng sẽ bị mất đi khoản tiền đặt cọc đó. Tiền đặt cọc có thể sung công quỹ nhà nước, có thể dùng để bồi thường cho người dân trong vùng quy hoạch bị ảnh hưởng...

Có như vậy, mới hạn chế và giải quyết triệt để tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” đang tồn tại cản trở sự phát triển, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của đất nước và bảo vệ được quyền, lợi hợp pháp cho người dân, tổ chức bị thiệt hại do quy hoạch “treo”, dự án “treo” gây ra./.

Phạm Văn Chung

Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum