Cần khởi tố vụ án oan sai chồng chất này

(Dân trí) - Án đã oan, nhưng những cán bộ tiến hành tố tụng vụ án này không những không sửa sai, mà nhằm che dấu sai phạm, họ nhẫn tâm để những người vô tội mang tiếng 40 năm ròng là … kẻ cướp,  Rất tiếc, không thể nói khác.

Cần khởi tố vụ án oan sai chồng chất này - 1

Cả gia đình 7 người được minh oan sau 40 năm mang thân phận bị can.

Mang tiếng cả nhà đi cướp, 8 người bị tạm giam gần 4 năm đã là nỗi oan quá đớn đau, vậy mà, những vị có trách nhiệm của VKSND tỉnh Tây Ninh còn nhẫn tâm lờ đi không trao quyết định đình chỉ điều tra  7/8 người trong gia đình họ gần 40 năm trời. Trong số đó, có người phải mang theo thân phận bị can xuống mồ. Oan khuất thấu trời.

Trong phạm vi bài này, người viết không muốn đề cập đến trường hợp ông Nguyễn Văn Dũng – bộ đội đang tại ngũ, về phép thăm gia đình cũng bị bắt oan – là người duy nhất không chịu nhận tội, dù bị dùng nhục hình (Dân trí có bài “Đổi gần 40 năm oan sai lấy... 615 triệu đồng”) . Ông Dũng là 1/8 người duy nhất được thả (sau 3 năm 9 tháng 14 ngày bị tạm giam) có quyết định đình chỉ bị can và sau gần 40 năm theo kiện mới được đền bụ thiệt hại 615 triệu đồng.

Cần khởi tố vụ án oan sai chồng chất này - 2

Ông Dũng là người duy nhất có quyết định đình chỉ điều tra khi được thả

Điều khó hiểu nhất là, ông Trịnh Quốc Anh - Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Tây Ninh ký đình chỉ quyết định điều tra từ ngày 11/5/1983, nhưng không hiểu lý do gì VKSND tỉnh này không trao 7 người này. Cho nên, dù đã được trả tự do, nhưng tất cả họ vẫn mang trên mình thân phận bị can. Dù rằng, từng ấy năm trời, họ luôn khiếu kiện, đấu tranh để  rửa oan nỗi nhục là kẻ cướp, nhưng từng ấy năm trời, những người có trách nhiệm vẫn trắng trợn lờ đi một cách nhẫn tâm. Bởi từng ấy năm, từng ấy thân phận trong gia đình bị “đóng đinh” là bị can, không chỉ họ, mà cả dòng tộc họ mang nỗi nhục khủng khiếp.

Bởi vậy, điều rất cần là, dù có muộn, cũng cần làm rõ, những ai đã gây ra án oan và đặc biệt, cố tình không trao quyết định đình chỉ điều tra này?

Theo nội dung vụ án, khoảng 23h ngày 26/7/1979, tại một nhà máy xay lúa ở ấp Bùng Binh, xã Đôn Thuận, huyện Trảng Bàng, Tây Ninh xảy ra một vụ cướp. Chỉ 30 phút sau đó, công an đã bắt được một người đàn ông tình nghi. Rồi từ lời khai nhận của người này và người này khai tiếp người khác, lần lượt 7 người  nữa bị bắt. Trong quyết định đình chỉ điều tra ghi: Xét đủ bằng chứng, chứng minh các bị can không phạm tội cướp tài sản riêng của công dân. “Như vậy, việc họ đều đã nhận tội cướp và cất giấu tài sản cướp được là do từ nghi vấn bắt điều tra nhục hình bắt họ nhận, chớ họ không phạm tội này” – quyết định đình chỉ nêu rõ.

Một điều rõ ràng, cũng như trong một số vụ án oan sai khác, dấu hiệu nhục hình trong vụ án này đã được thừa nhận. Bởi chỉ có nhục hình, những người dân lành không chịu nổi mới khai bừa cho người nhà để  phù hợp với các tình tiết gây án.

Dù không đi cướp, nhưng 7/8 bị can này “đều đã nhận tội cướp”, điều này cho thấy, mức độ bức cung, nhục hình với các bị can là rất nặng nề. Hành vi này cho thấy, sai phạm của những trinh sát, điều tra viên trong vụ án này là rất lớn – dấu hiệu của vụ án về tội dùng nhục hình.

Vì vậy, dù thời gian đã gần 40 năm, để lấy lại công bằng, để cảnh báo cho những cán bộ tiến hành tố tụng, cần làm rõ trách nhiệm của các điều tra viên và các kiểm sát viên theo dõi vụ án này. Trong vụ án oan sai của ông Nguyễn Thanh Chấn và một số vụ án oan khác, cơ quan điều tra của VKSND TC  đã công tâm khi khởi tố, đưa ra tòa một số đối tượng làm sai trong quá trình tiến hành tố tụng.

Nếu vụ án ông Chấn, sau mười năm mới phát hiện oan sai vẫn có thể khởi tố vụ án, thì vụ án này, dù đã 40 năm, cơ quan điều tra của VKSND TC vẫn có thể khởi tố vụ án để điều tra những cán bộ để xảy ra vụ án oan sai thấu trời này. Đặc biệt, việc để tới 36 năm VKSND tỉnh Tây Ninh mới trao quyết đình đình chỉ điều tra cho các bị can, thì việc khởi tố vụ án lại càng cần thiết và cấp bách.

Cần thiết và cấp bách bởi, những người mang thân phận bị can này từ ngày được thả tự do đã luôn khiếu kiện, vác đơn đề nghị làm rõ thân phận và đòi có quyết định đình chỉ điều tra, nhưng từng ấy năm, những người có trách nhiệm của những cơ quan tiến hành tố tụng này vẫn nhẫn tâm làm ngơ khiến sai phạm của họ càng thêm nghiêm trọng.

Oán đã oan, nhưng những cán bộ tiến hành tố tụng không những không sửa sai, mà nhằm che dấu sai phạm, họ nhẫn tâm để những người vô tội mang tiếng 40 năm ròng là … kẻ cướp thì quả là  quá nhẫn tâm - Rất tiếc, không thể nói khác.

Vương Hà