Cấm xe máy 2 tuyến đường ở Hà Nội: Liệu có thể trông chờ vào xe buýt?

Trước thông tin Hà Nội có thể cấm xe máy trên 2 tuyến đường lớn dẫn vào nội đô là Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương, nhiều người bày tỏ băn khoăn, liệu có thể trông chờ vào xe buýt?

Cấm xe máy 2 tuyến đường ở Hà Nội: Liệu có thể trông chờ vào xe buýt? - 1
Hiện có khoảng 70-80% người Việt Nam đang sử dụng xe máy. Ảnh minh hoạ. LĐO

Xe buýt chỉ đáp ứng được tối đa 25% nhu cầu đi lại

Theo chuyên gia vận tải Thân Văn Thanh, về mặt khoa học, việc cấm xe máy trên 2 tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương là không hợp lý, vì nếu cấm xe máy thì phải có phương tiện khác cho người dân đi lại.

Trong khi đó, 2 tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương có lượng phương tiện rất đông, số người đi làm từ phía Hà Đông vào nội đô rất lớn.

"Hiện nay, tuyến buýt nhanh BRT đã rất đông vào giờ cao điểm, nhưng khi tới bến Kim Mã còn có 5- 7 tuyến xe toả đi các hướng. Nhưng với tuyến đường sắt trên cao, khi tới ga Cát Linh, hành khách không biết sẽ toả đi các hướng bằng phương tiện gì, đi như thế nào. Hay việc kết nối các ga đường sắt trên cao tuyến Cát Linh – Hà Đông với các phương tiện khác để phục vụ nhân dân vẫn chưa được thành phố công bố", ông Thanh nói.

Trong khi đó, kinh nghiệm chung của thế giới chỉ ra rằng, xe buýt chỉ đáp ứng được khoảng 20%, cao nhất có thể lên tới 25% nhu cầu đi lại của người dân.

"Thực tế hiện nay, hệ thống xe buýt ở Hà Nội chỉ đáp ứng được 10-11% nhu cầu đi lại của người dân thủ đô", ông Thanh nói.

Vì vậy, chuyên gia này cũng thẳng thắn đánh giá, phương án cấm xe máy ở 2 tuyến đường Nguyễn Trãi và Lê Văn Lương sẽ khó thành công một cách bền vững.

Xe máy có thể tồn tại thêm 20-30 năm nữa

Trước câu hỏi, liệu có phải xe máy ở vùng lõi các đô thị lớn như Hà Nội và TPHCM đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử?

Chuyên gia vận tải Thân Văn Thanh cho rằng, xe máy sẽ còn tồn tại từ 20 tới 30 năm nữa ở các TP lớn của Việt Nam.

"Vì tiến độ xây dựng hạ tầng hiện nay quá chậm, ví dụ như tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông mất 10 năm, Nhổn - Ga Hà Nội mất 5, 6 năm mà vẫn chưa đâu vào đâu. Nên 20 năm nữa ở Việt Nam cũng không có phương tiện nào để vận chuyển lượng lớn hành khách. Vì vậy, xe máy vẫn sẽ tồn tại", ông Thanh nói.

Còn theo TS Nguyễn Xuân Thuỷ, số người dân Việt Nam đang sử dụng xe máy chiếm khoảng 70-80%, nếu cấm đi bằng phương tiện này, người dân di chuyển bằng gì? Với đặc thù giao thông nội đô, xe máy là phương tiện cơ động và khả năng gây ùn tắc chỉ bằng một phần nhỏ của ôtô.

TS Thuỷ cũng đặt câu hỏi, hai phương tiện ô tô, xe máy cá nhân đi cùng nhau, sao lại cấm xe máy mà không cấm ôtô.

"Dù thời nào, vẫn có tỉ lệ nhất định người dân dùng xe máy, vì vậy, chúng ta nên tuyên truyền cho người dân dùng phương tiện nào cho phù hợp”, ông Thủy nói.

Theo Thành Trung

Báo Lao động