Bạn đọc viết:

Bốn đề xuất hạn chế “chạy” chức

(Dân trí) - Dư luận năm qua khá xôn xao quanh chuyện “chạy công chức 100 triệu”. Dĩ nhiên “chạy” đây mới đơn thuần là “chạy” vào biên chế cơ quan nhà nước, hoặc “chạy” để có việc làm. Chứ muốn “chạy” để được đề bạt, bổ nhiệm, cất nhắc…thì chắc chắn không có giá bèo đó đâu!

(minh họa:  Ngọc Diệp)
(minh họa:  Ngọc Diệp)

 

Để lên được chức vụ lãnh đạo 1 cơ quan, hay còn gọi là “chạy” chức, thì không có giá 100 triệu, mà có khi phải chi tới bạc tỷ VNĐ. Nói theo các cụ ngày xưa là mua quan, bán chức. Tất nhiên mua quan bán chức hồi đó phải làm “chui”, và “chạy” chức bây giờ cũng thế.
 

Do vậy “chạy” chức thực chất là tham nhũng. Vì “chạy” chức là đút lót, hối lộ và nhận hối lộ. Dẫn đến hậu họa quả nguy hại đến nền kinh tế xã hội, do những người “chạy” được chức rồi nhất định sẽ tìm đủ mọi cách, mọi quan hệ, mọi hình thức tham ô, vơ vét, thu hồi “kinh phí”. Thế là kể cả đất cát, tài nguyên… của nhà nước và nhân dân đều bị vơ vét để hoàn vốn “chạy” chức. Rồi họ được còn hưởng “lãi suất khủng” sau đó khi đã có được cái ghế, không phải chỉ 1 vốn 4 lời mà thậm chí 1 vốn 1.000 lời. Thế mới có chuyện coi đầu tư “chạy” chức vừa hiếm khi rủi ro, vừa siêu lợi nhuận, hứa hẹn trở thành các "đại gia" giàu kếch xù…

 

Dư luận về “chạy” chức và hậu họa như đã nêu ở trên là vậy, nhưng thực tế muốn “khui” ra ánh sáng xem cụ thể ai, người nào “chạy” chức thì có lẽ chẳng khác gì “đi máy bay bà già đòi lên mặt trăng”. Nếu không muốn nói là ngốc nghếc, không tưởng và có khi còn bị khép vào tội vu khống.

 

Bởi vì tất cả người “chạy” chức thường cũng chỉ bộc lộ với người thân tín, tri kỷ (từ đó mới thành lời xì xầm, mới thành dư luận). Chứ họ tuyệt đối không bao giờ tiết lộ bằng chứng với cơ quan chức năng (kể cả là “chạy” chức hy hữu mà không thành). Hay nói rõ hơn: Chẳng ai “chạy” chức lại “ngu xuẩn” đến mức tự khép mình vào tội đưa tiền hối lộ, nếu khai nhận trước cơ quan chức năng rằng mình “chạy” chức hết bao nhiêu tiền…

 

Đồng thời, cũng chẳng có kẻ nào khờ dại để ký nhận tiền hối lộ “chạy” chức bao giờ. Cho nên giả dụ Bao Thanh Thiên, Công Tôn Sách và Triển Chiêu có sống lại để sang nước ta, tôi tin cũng không thể điều tra ra ai là kẻ chạy chức.

 

Chứ không phải như phát biểu của 1 vị đã ví von rằng: Những kẻ “chạy” chức như kẻ trộm, và rằng “Đôi khi kẻ trộm nhiều quá, không phát hiện lẫn nhau được”… Bởi trên thực tiễn, chẳng ai có thể phát hiện ra tên trộm nhanh bằng chính những tên trộm.

 

Chuyển sang 1 khía cạnh khác về “chạy” chức. Tôi thấy vẫn có 1 số người còn nhìn nhận rất hời hợt, rằng những vụ việc “chạy” chức chỉ là 1 loại “bệnh” và vì vậy sẽ phải chữa bằng “thuốc”…

 

Hoặc các cơ quan chuyên môn chỉ dùng thuần tuý biện pháp tổ chức hình thức, bằng cách bỏ phiếu tín nhiệm trước khi “thăng quan”, quyết định bổ nhiệm đề bạt cán bộ lãnh đạo. Có nơi tiến bộ hơn là yêu cầu các ứng viên làm đề án chức danh. Nhưng rồi thường vẫn chỉ là “đánh trống bỏ dùi”. Công bố quyết định bổ nhiệm đề bạt, thăng chức xong là xong. Chẳng mấy khi xử lý - cách chức được ai (khi họ không thực hiện được đề án ban đầu). Cộng với cơ chế lãnh đạo vẫn còn tồn tại kiểu “quyền đá, vạ rơm” từ thời bao cấp, nên đã có mấy ai dại gì chịu từ chức. Và như vậy, làm cán bộ quản lý quả là quá “ngon ăn”.

 

Nhân đây, tôi nhớ lại 1 giai thoại vui về cố nhà thơ Xuân Quỳnh trước kia khi về làm việc ở 1 tạp chí văn nghệ, có người nói với chị: Tài năng thế về toà soạn sẽ làm lãnh đạo tạp chí. Xuân Quỳnh trả lời: Về tạp chí để làm thơ mới khó, chứ làm lãnh đạo quá dễ vì chỉ đi họp cấp trên bảo tăng gia sản xuất thì về phổ biến cho nhân viên vác cuốc ra đồng. Cấp trên bảo tiết kiệm thì về phổ biến cho nhân viên nhịn bữa ăn sáng…

 

Trở lại với quan niệm làm lãnh đạo quá “ngon ăn” và không khó (theo nhận xét kể trên của cố nhà thơ Xuân Quỳnh) vẫn đã và đang tồn tại suốt bấy lâu nay, có lẽ vì thế nên việc “chạy” chức vẫn hoành hành như 1 loại giặc (đồng minh với giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt trước đây).

 

Để góp phần hạn chế “chạy” chức, tôi kiến nghị cơ quan thẩm quyền 4 cách cấp bách như sau:

 

+ Thứ nhất, cấp trên cần có và công khai các tiêu chí cụ thể cho mỗi chức danh lãnh đạo, trong mỗi nhiệm kỳ phải “lao tâm khổ tứ”. Đồng thời xoá bỏ cơ chế lãnh đạo “quyền đá, vạ rơm”. Chẳng hạn sẽ truy trách nhiệm Bộ trưởng GTVT nếu để sập cầu (thuộc Bộ quản lý) khi đang thi công; truy trách nhiệm Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố nếu để tai nạn giao thông tại địa phương tăng vọt và phá vỡ mục tiêu sinh đẻ có kế hoạch. Truy trách nhiệm Giám đốc Sở Công an nếu để “thối án”- không điều tra ra kẻ giết người, trong thời hạn 3 năm (kể từ khi xảy ra vụ trọng án). Truy trách nhiệm Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo nếu để xảy ra tình trạng dạy thêm ở bậc tiểu học…

 

+ Thứ hai, trên cơ sở các tiêu chí cụ thể do cấp trên yêu cầu (nhất là những trường hợp sẽ bị cách chức nêu trên), các ứng viên trong diện quy hoạch đề bạt chức vụ lãnh đạo phải viết cam kết chấp hành. Và có thể phát huy sáng tạo, bổ sung thêm các tiêu chí, lập đề án, kế hoạch công vụ, cùng với những giải pháp, thời hạn thực hiện… cụ thể.

 

+ Thứ ba, về phía cơ quan cấp trên có thẩm quyền quyết định đề bạt chức vụ lãnh đạo, cần luôn kiểm tra, theo dõi, giúp đỡ, hướng dẫn “quan chức” cấp dưới thực hiện các tiêu chí, đề án, kế hoạch công vụ đã đề ra để động viên, khen thưởng kịp thời.

 

Song cũng phải sẵn sàng ký ngay quyết định cách chức khi họ không thực hiện được tiêu chí, đề án đã cam kết. Và như vậy, văn hóa từ chức mới hình thành phổ biến từ đấy. Chúng ta không sợ hết người “lao tâm khổ tứ” làm cán bộ quản lý và càng không sợ thiếu người có đức, có tài để thay thế người bị cách chức.

 

+ Thứ tư, về nhiệm kỳ các chức vụ quản lý, cần giới hạn không quá 4 năm/1 nhiệm kỳ và không quá 8 năm đối với mỗi chức danh. Nếu quá 8 năm mà người giữ chức vụ hiện tại không có điều kiện đề bạt lên chức vụ cao hơn, thì sẽ xuống làm cán bộ, chuyên viên bình thường. Tránh tình trạng có người 20 năm vẫn giữ nguyên chức vụ, dễ trở nên độc đoán và như vậy cũng là già hóa cán bộ quản lý.

 

Trường hợp người lãnh đạo bị cách chức, thì đương nhiên không phụ thuộc thời gian nhiệm kỳ chức vụ còn hay hết.

 

Ngoài ra, về vấn đề trẻ hoá lãnh đạo, cũng không thể hiểu máy móc là chỉ dành chức vụ cho những người trẻ tuổi. Mà kể cả những người tuổi “U 50”, nhưng mới được đề bạt cũng có thể gọi họ là lãnh đạo trẻ. Thậm chí có người 52 tuổi theo tiếng Anh đã thuộc “U 60” mới được lên chức phó trưởng phòng lần đầu tiên, cũng vẫn có thể gọi là lãnh đạo trẻ.

 

Tóm lại các tiêu chí cụ thể, công khai đối với từng ứng viên lãnh đạo; cộng với khen thưởng, kỷ luật kịp thời, cùng nhiệm kỳ chức vụ giới hạn thời gian và văn hoá từ chức hình thành, biết nhìn nhận toàn diện về trẻ hoá lãnh đạo… nhất định sẽ góp phần hạn chế tình trạng “chạy” chức hiện nay.

 

Nguyễn Thành Lập