Bị can khai nhận hối lộ nhưng cơ quan điều tra không chấp nhận

(Dân trí) - Những tưởng rằng vụ án mua bán điểm ở Sơn La sẽ rõ ràng hơn rất nhiều so với Hà Giang,  khi những bị can nâng điểm  thừa nhận “bán điểm” lên tới tiền tỉ. Nhưng không., so với Hà Giang thậm chí còn những điều khó hiểu hơn.

Theo cáo trạng, 4/8 bị can thừa nhận đã nhận tiền của các đối tượng “mua điểm” nhằm mục đích nâng điểm. Cả 4 bị can này đều nằm trong Hội đồng thi và trực tiếp tham gia sửa bài. Cụ thể, bị can là Nguyễn Thị Hồng Nga (chuyên viên Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) được phân công phụ trách quét bài thi của các thí sinh, kiểm tra và sửa lỗi kỹ thuật đã nhận hơn một tỷ đồng để nâng điểm cho bốn em; Lò Văn Huynh (cựu Phó trưởng phòng Khảo thí Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La) với tư cách là phó ban chấm thi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhận nâng điểm cho 7 thí sinh. Trong đó, ông Huynh nhận một tỷ đồng của một người đàn ông ở thành phố Sơn La để nâng điểm cho hai thí sinh. Ông còn nhận 300 triệu đồng để nâng điểm cho một thí sinh song ngày 24/7/2018 đã trả lại. Bị can Đặng Hữu Thuỷ (cựu Phó hiệu trưởng Trường THPT Tô Hiệu) là thành viên tổ xử lý bài thi trắc nghiệm được giao thực hiện chấm quét bài thi. Trước khi chấm thi, ông nhận thông tin của 4 thí sinh để nâng điểm, trong số này ông Thuỷ nhận 500 triệu đồng của ba người. Và bị can Cầm Thị Bun Sọn (cựu Phó trưởng phòng Chính trị Tư tưởng) cũng nhận sửa điểm cho một thí sinh với "giá" 440 triệu đồng.

Trong cáo trạng, một mặt nhận định hành vi nhận tiền để nâng điểm cho thí sinh của các bị can có dấu hiệu của tội nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Mặt khác lại cho rằng, ngoài lời khai của các bị can và số tiền đã nộp cho Cơ quan điều tra, không có tài liệu nào khác để chứng minh. Do đó, VKS xác định không có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự với các bị can Nga, Sọn, Huynh, Thuỷ về tội danh trên, do đó, các bị can trên bị truy tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Điều đó có nghĩa, dù các bị can thừa nhận đã nhận hối lộ, đã nộp lại tiền cho cơ quan điều tra nhưng như thế …vẫn chưa đủ chứng cứ !?

Như vậy, cả hai vụ án ở Sơn La và Hà Giang, một số đối tượng cùng bị khởi tố về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Nhưng cần thấy rõ những điểm khác biệt cơ bản trong hai vụ án này: Nếu vụ án ở Hà Giang, tất cả các bị can đều không thừa nhận “bán điểm”, không cầm tiền của bất cứ vị phụ huynh nào, thì ở Sơn La, có 4 bị can thừa nhận cầm tiền và đã trả lại tiền với những con số cụ thể nhưng không bị khởi tố về tội nhận hối lộ khiến dư luận rất khó hiểu.

Bởi, vụ án “Vua logo” làm nóng dư luận một thời gian dài liên quan đến lực lượng Cảnh sát giao thông và Thanh tra giao thông ở Đồng Nai cũng ở tình trạng tương tự. Dù chưa khởi tố được đối tượng nhận hối lộ, nhưng dựa vào lời khai của các bị can, hơn chục đối tượng bị khởi tố về tội môi giới hối lộ, hối lộ với tổng số tiền là 25 tỷ đồng (trong bài “Chuyện thật như đùa: Chỉ có người đưa hối lộ, nhưng không có kẻ nhận” cũng trong mục diễn đàn này đã đề cập khá rõ).Như vậy, vụ án nâng điểm ở Sơn La và vụ án “Vua logo” cùng có tình tiết giống nhau, chỉ có những đối tượng đưa hối lộ khai (vụ “Vua logo”) và kẻ nhận hối lộ (vụ ở Sơn La) khai thừa nhận hành vi của mình, nhưng tội danh ở hai vụ án này là hoàn toàn khác nhau. Một vụ án truy tố tội môi giới và đưa hối lộ (dù chỉ có thuần túy lời khai), còn vụ án thì truy tố tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn…”(dù có cả lời khai và trả lại tiền nhận hối lộ) khiến dư luận không biết đâu mà lần. Quá khó hiểu. Như vậy, với dư luận, sẽ hiểu thế nào khi cùng hành vi, nhưng 2 cáo trạng lại có thể đề nghị truy tố về hai tội danh khác nhau như vậy? Đến đây cũng cần nói rõ, trong vụ án “Vua logo”, 3 luật sư tham gia vụ án này đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng khởi tố các đối tượng nhận hối lộ và các cơ quan hữu quan ở Trung ương cũng đã họp bàn về nội dung kiến nghị này.  

Do đó, dù cơ quan chức năng lý gì thế nào đi nữa, nhưng với dư luận, hành vi của các bị can “bán điểm” này không thể nói khác là nhận hối lộ. Bởi, chính các bị can đã khai nhận và cũng đã trả hết số tiền đã nhận hối lộ. Mặt khác, nếu cáo trạng truy tố về tội danh nhận hối lộ, thì giai đoạn sau của vụ án, việc tiếp tục điều tra tội đưa hối lộ sẽ trở nên cấp thiết và không thể thiếu.

Điểm đáng chú ý nữa là, cùng xảy ra một thời gian trên địa bàn liền kề, nhưng cách xử lý vụ án ở Hà Giang và Sơn La là hoàn toàn khác biệt. Cụ thể, nếu ông Phạm Văn Khuông (Phó giám đốc Sở GDĐT Hà Giang) nhờ thuộc cấp nâng điểm cho con của mình đã bị khởi tố, thì lý gì Giám đốc sở GD ĐT Hà Giang Hoàng Tiến Đức nhờ thuộc cấp nâng điểm tới 8 học sinh lại không bị khởi tố? Dù bất kể sau này cơ quan điều tra có khởi tố ông Tiến Đức hay không, nhưng việc không khởi tố đối tượng này khiến dư luận càng thêm hoài nghi vào sự nghiêm minh của pháp luật.

Bị can khai nhận hối lộ nhưng cơ quan điều tra không chấp nhận - 1

Phó giám đốc sở GD ĐT Sơn La Phạm Văn Khuông bị khởi tố vì nhờ cấp dưới nâng điểm cho con, còn Giám đốc sở GD ĐT Sơn La Hoàng Tiến Đức nhờ thuộc cấp nâng điểm cho 8 học sinh thì đang chờ hình thức kỷ luật.

Nhưng cả hai vụ án ở Hà Giang và Sơn La cùng có điểm giống nhau chẳng vui vẻ gì:

Thứ nhất, phần lớn phụ huynh những thí sinh được nâng điểm là cán bộ có chức, quyền ở tỉnh. Phải chăng vì vậy, việc vạch mặt, chỉ tên và xử lý những vị phụ huynh này cứ “lúng túng như gà mắc tóc”?

Thứ hai, một số cán bộ An ninh tham gia bảo vệ kỳ thi lại là những đối tượng giúp đắc lực cho việc “mua bán điểm” thực hiện trót lọt. Diễn biễn vụ án cho thấy, nếu không có sự tiếp tay của những cán bộ An ninh này, chắc chắn những thầy cô giáo này khó lòng thực hiện những hành vi phạm tội. Nhưng việc họ bị khởi tố cũng cho thấy, cơ quan điều tra đã nghiêm khắc với những đồng đội biến chất. 

Vương Hà