Bây giờ mới lo “đầu vào” sư phạm thấp e đã muộn!

(Dân trí) - “Từ năm 2004, những học sinh giỏi đã không chọn thi ngành sư phạm nữa. Nhiều thí sinh chỉ vào theo nguyện vọng 2 (khoảng 14 điểm). Bây giờ mới quan tâm đến vấn đề này coi như đã muộn nhưng dù sao cũng còn hơn ”-Bạn Văn Khôi chia sẻ ý kiến của mình.

Bây giờ mới lo “đầu vào” sư phạm thấp e đã muộn! - 1


 
 
Nguyễn Thị Ánh:

Những người giỏi bây giờ không thi vào ngành sư phạm là do những nguyên nhân khách quan.Từ bản thân, tôi đã nghiệm ra điều ấy.Ra trường 4 năm nhưng không xin được viêc ở quê. Lên miền núi cũng phải chạy mất 60-70 triệu để vào dạy đúng bậc học. Mà với số tiền ấy nếu không có người nhà hay chỗ thân thiết thì cũng mất như chơi. Tóm lại bây giờ ngành giáo dục đã cùng mắc một "bệnh" như nhau, tỉnh nào cũng giống tỉnh nào. Muốn đi dạy phải có tiền. Không tin mọi người cứ hỏi tất cả những ai mới ra trường ở các tỉnh sẽ rõ. Với thực trạng đó làm gì còn ai muốn tâm huyết với cái nghề cao quí đó nữa. Không biết bộ trưởng bộ giáo dục và những người đứng đầu nhà nước có biết điều này không?

 

Trần Thanh:

“Muốn chấn hưng nền giáo dục theo tôi trước hết phải xem xét lại việc đào tạo giáo viên. Hiện nay ở nước ta có quá nhiều trường đại học, cao đẳng sư phạm, hàng năm có hàng chục ngàn sinh viên ra trường không xin được việc làm. Không biết chỉ tiêu lấy từ đâu ra mà đào tạo nhiều như vậy dẫn đến sinh viên sư phạm ra trường bị thất nghiệp. Học sinh khá giỏi giờ không thi vào sư phạm nữa vì có nhiều lí do nhưng lý do chủ yếu là khó xin việc sau khi ra trường. Thực tế cho thấy chỉ còn lại nhưng hoc sinh yếu và trung bình thi vào học các trường sư phạm rồi họ sẻ làm thầy nếu được tuyển dụng. Với người thầy trình độ như vậy thì chất lượng ngành giáo dục sẽ về đâu??? Hỡi các nhà quản lý của ngành giáo dục!” - Phan Hồng Thanh.

Làm trong nghề giáo mới biết được sự vất vả, chịu nhiều áp lực như thế nào. Trước đây, người giáo viên chỉ vất vả khi soạn giáo án, nhưng bây giờ công việc soạn giáo án chỉ bằng 1/10 những công việc mà giáo viên phải làm. Tôi đi dạy được 5 năm mà thất vọng và chán đến mức chỉ chờ có cơ hội là xin chuyển ngành. Hình như cấp quản lý ở bộ GD-ĐT chỉ vẽ ra việc để giáo viên làm,cuối cùng chẳng giải quyết được gi, điều đó thể hiện ở chất lượng giáo dục ngày càng suy thoái.

 

Tôi thấy chất lượng “đầu vào” sư phạm ngày càng kém đi, nhất là các tỉnh vùng cao, hầu như không có học sinh dân tộc Kinh thi vào trường sư phạm. Nhà nước ta không thấy tình hình bất cập này sao? Ai cũng hiểu chế độ đãi ngộ cho giáo viên quá thấp nên không ai muốn vào,và khi ra trường ở trên này phải có 50 triệu mới xin được việc, vậy thì nhà nghèo lấy đâu ra tiền mà xin xỏ.

 

Từ Ân:

Phải công nhận là những giáo viên mới ra trường 3 - 4 năm trở lại đây, đa số có năng lực chuyên môn rất hạn chế. Nhiều giáo viên trong tiết giảng thực tập dự giờ có báo trước mà vẫn không đạt yêu cầu. Học sinh thì xin đổi giáo viên, nhưng mỗi bộ môn chỉ có một - hai giáo viên giỏi thực sự thì làm sao mà dạy hết đựoc cả khối, cả trường!

 

Mong rằng, nhà nước nên có những chính sách thu hút học sinh giỏi vào học các ngành sư phạm, nếu không, sự nghiệp giáo dục - vấn đề quốc sách hàng đầu - không biết sẽ đi về đâu ?! Chúng tôi trực tiếp công tác ở lĩnh vực được coi là quốc sách hàng đầu, mà mức lương - thưởng thấp quá. Hơi đau lòng một chút, nhưng nếu chỉ đơn giản thu nhập lương nhà nước, một giáo viên ra trường gần chục năm được hưởng mức lương chỉ bằng lương trả cho người bế con thuê cho mình trong một tháng thôi. Thế thì, chi bằng xin nghỉ không lương, ở nhà bế con cho đành!

 

Nguyễn Văn Giáp:

Theo công nghệ đào tạo, người giáo viên giữ một vị trí đặc biệt quan trọng. Các cụ xưa có câu “Không thày đố mày làm nên”. Từ vai trò đó tôi nghĩ muốn làm gì trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo cũng phải xuất phát từ người dạy (thày giáo, cô giáo) và từ đó Nhà nước ta nên ưu tiên đặc biệt cho lĩnh vực đào tạo giáo viên ( từ khâu tuyển chọn,đào tạo, đến sử dụng giáo viên ). Làm sao những học sinh giỏi phải được thu hút vào các trường sư phạm (ưu tiên xét tuyển thẳng những học sinh đủ tiêu chuẩn vào trường sư phạm, miễn học phí cho sinh viên...). Làm sao cho những sinh viên sư phạm giỏi sau khi tốt nghiệp phải được bố trí việc làm (Bộ giáo dục trực tiếp phân công công tác... ), làm sao giáo viên giỏi phải được dạy (hàng năm kiểm tra sát hach giữ bậc, lên lương hoặc thuyên chuyển ra khỏi ngành...) và làm sao cho người thầy an tâm cống hiến, phải có cuộc sống khá giả bằng đúng nghề “Trồng người” của mình (chế độ đãi ngộ..). Xung quanh người thày còn nhiều việc phải làm quá nhưng tôi nghĩ vì sự nghiệp chấn hưng giáo dục, vì tương lai con em chúng ta, vì sự phồn vinh của đất nước mọi người dân sẵn sàng chia sẻ. Cụ thể như thế nào mong các nhà hoạch định chính sách để tâm nghiên cứu.

 

Vũ Hoàng:

Các bạn ơi!Tôi là một giáo viên dạy môn Vật Lí THCS ra trường 10 năm, là giáo viên giỏi tỉnh 1năm và giáo viên giỏi huyện 8 năm.Lương thì có 3.5 triệu và cũng chán lắm nghề dạy người rồi.Nhà nước thì lúc nào cũng hô khẩu hiệu "nghề giáo là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý!" Nhưng có mài cái cao quý ra mà ăn được đâu.Các bạn trẻ bây giờ quay lưng với SP là đúng thôi vì lương thấp,xã hội không coi trọng, ra trường phải xin việc với cái giá quá đắt hàng  triệu đồng để đổi lấy đồng lương không đủ sống!

 

Vũ Anh Minh:

Nếu thời gian quay trở lại hơn 20 năm, tôi thề không vào sư phạm. Ngày ấy tôi là HS giỏi quốc gia, được vào thẳng ĐH, nhưng chỉ được vào SP, không cho vào trường khác. Tôi có chuyên môn vững và được hs, đồng nghiệp tôn trọng, nhưng bộ môn tôi dạy có mấy gv là con cháu cấp trên, học tại chức, dân lập, lại được xếp để ý giao cho dạy lớp mũi nhọn. Tôi thấy chán. Phấn đấu vào Đảng mà không được quan tâm. Được hs yêu quý với tôi là hạnh phúc lắm rồi. Tôi không nhắc đến lương vì nó làm tăng ý muốn bỏ nghề của chúng tôi. Một số người cho rằng hs phải học nhiều. Việc này không phải do gv mà do chương trình quá tải và cách thức thi cử. Lý thuyết trên lớp là thế, nhưng vận dụng làm bài tập không dễ, không được luyện kỹ năng, hs không làm được bài. Thế đấy, thưc trạng nghề gv ngày càng đáng buồn, đáng chán.

 

Phạm Văn Phức:

Ý kiến của bạn về vấn đề này xin gửi đến Diễn đàn Dân trí qua địa chỉ e-mail:thaolam@dantri.com.vn

Sao buồn thế nhỉ! Cái nôi đào tạo tài năng nhân cách của thế hệ tương lai đã và đang bị sứt mẻ nghiêm trọng. Chính chúng ta đang coi thường giáo dục, không ai khác và chính con cháu chúng ta sẽ gánh chịu hệ quả này. Phải đến khi nào thì người giáo viên mới hết than vãn và đến khi nào xã hội mới có cái nhìn lại về nghề giáo viên đây? Sao vào được giáo viên chính thức bây giờ khó thế nhỉ? Khó vì sao nhỉ? vì nhiều nhân tài quá hay là vì mất quá nhiều tiền và công sức? và kết quả đồng tiền bù đắp lại cũng chẳng thấm thía gì so với những cái phải bỏ ra. Ai còn nặng lòng với giáo dục? Ai sẽ thương chính con cháu của chúng ta ? Và tương lai của đất nước chúng ta sẽ thế nào nếu nền giáo dục suy yếu trông thấy, kéo theo sự suy yếu cả về kiến thức, đạo đức và nhân cách của nhiều thế hệ học sinh.

 

Nguyễn Giang:

Tôi cũng là một giáo viên có gần 20 năm trong nghề, đã đạt 10 năm Giáo viên giỏi cấp tỉnh và gần 10 năm cấp Huyện, rồi Chiến sĩ thi đua đủ cả. Chồng tôi cũng thế. Vợ chồng tôi được HS và phụ huynh rất yêu mến và tôn trọng. Nhưng buồn một nỗi là ngoài bốn mươi tuổi rồi mà chúng tôi chưa có nổi ngôi nhà cho chính mình.

 

Dù tâm huyết đến mấy, vì HS đến bao nhiêu đi nữa thì cuộc sống vẫn vậy thôi. Những HS của tôi (nhiều em do tôi bồi dưỡng đạt các huy chương HSG quốc gia, tỉnh, huyện... ) khi đến thăm cũng đều ái ngại. Vì vẫn ngôi nhà cũ nát này chúng tôi cố vay mượn để mua cách đây nhiều năm chưa hề thay đổi mà càng ngày càng dột nát hơn thôi. Trong khi xung quanh chúng tôi là nông dân vùng mới giãn dân nên nhà cửa cao tầng san sát. Đồng nghiệp khác mà có chồng làm các cơ quan như: Ngân hàng, Tài chính,Bưu điện, Điện, thợ xây... hay bất cứ cơ quan kinh doanh nào khác họ đều khác xa chúng tôi một trời một vực.

 

Chúng tôi rất ngại mỗi khi họp lớp hay có bạn bè đến chơi nhà vì xấu hổ. Tôi xấu hổ vì ngày đi học vợ chồng tôi luôn học trội nhất trong khóa học phổ thông, khi lấy nhau ai cũng bảo “chắc sau này khá giả lắm” vì gia đình được cả vợ lẫn chồng. Vậy mà tôi bây giờ đời sống khó khăn nhất chỉ vì chúng tôi đã đi theo ngành Sư phạm. Nhiều bạn bè tôi khuyên bỏ nghề để làm cho họ nhưng tôi cứ tiếc công ăn học rồi lại lưu luyến với học trò nữa. Nếu Giáo dục mà tiếp tục như vậy thì chẳng bao lâu sẽ chỉ thu hút được những ai không làm nổi việc gì. Hỏi rằng Giáo dục sẽ đi về đâu? Tôi rất mong BỘ và NHÀ NƯỚC sớm thay đổi để dân chúng tôi được nhờ và GV chúng tôi tự tin hơn ngoài xã hội!

 

 

LTS Dân trí - Đội ngũ giáo viên giỏi là yếu tố quyết định thành công của công cuộc cải cách giáo dục nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục. Song nhiều năm qua, không có học sinh giỏi thi vào ngành sư phạm. Đấy là điều thật sự đáng lo lắng.

 

Dù đã muộn nhưng càng để kéo dài tình trạng này thì nguy cơ tiếp tục đi xuống của nền giáo dục là không tránh khỏi.

 

Đào tạo và chăm lo xây dựng đội ngũ giáo viên vững mạnh phải được xem là tiền đề quan trọng nhất để chấn hưng nền giáo dục nước nhà. Mong rằng các cấp lãnh đạo, quản lý đất nước sớm nhận ra điều này và có chế độ chính sách thỏa đáng để thu hút những học sinh giỏi tự nguyện vào ngành sư phạm.