Bài học Mỹ và phương châm “khéo co thì ấm”
(Dân trí) - Cảnh báo về nợ công và chi tiêu ngân sách ở VN đã được dư luận gióng chuông từ lâu, nay càng khẩn thiết hơn sau khi có những bài học Hy Lạp và mới đây nhất là việc Chính phủ Mỹ đóng cửa gây nguy cơ với toàn thế giới nếu bị vỡ nợ.

Khéo ăn thì no
Dân gian có câu “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. VN còn là nước nghèo, người dân còn phải rất chật vật làm ra của cải vật chất, lo đóng thuế cho nhà nước để có nguồn kinh phí cho các chi tiêu công. Ấy vậy mà những cụm từ “xài tiền chùa”, “vẽ dự án”, “đốt tiền công quỹ”… lâu nay bị dư luận nhắc tới quá nhiều mỗi khi tham gia mổ xẻ các con bệnh tham ô, tham nhũng, lãng phí, bòn rút của công…Xem ra thời nay nhiều vị chỉ “khéo ăn” cho đầy túi riêng, vun vén cho nhóm lợi ích riêng…bất chấp gây thiệt hại lớn với dân, với nước!
“Nhận định của TS Đinh Tuấn Minh (chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế công) khi cho rằng nhiều địa phương hiện nay vẫn có tâm lý "tiền chùa cứ xài" là hoàn toàn chính xác. Là người dân, chúng tôi thấy rất rõ các chính quyền cấp cơ sở có lẽ đều đang... cố gắng, ra sức sử dụng "tiền chùa" kiểu như: chỗ không hư cũng sửa, chỗ sắp bỏ đi để dời sang nơi khác cũng sửa....Mua sắm tràn lan từ máy lạnh, tủ lạnh, ghế quay, tủ hồ sơ (loại tủ thiếc, vừa mua là đã rỉ sét...) "Tiền chùa" mà, không xài cho hết, nhà nước cũng không cho rút để tiết kiệm??? Tâm lý đó đã và đang ngự trị trong đầu của hầu hết cán bộ cơ sở (theo tôi biết). Vậy làm sao để gột rửa được lối suy nghĩ đó!?” – Cua: ngangnhucua_01@yahoo.com.vn
“Hãy xem xét việc cần làm ngay là giảm bớt bộ máy gián tiếp từ trung ương đến địa phương, cả trong các DNNN, cần giảm bớt sự cồng kềnh. Mong hãy nhìn cách của nước Mỹ để cân nhắc xem ta cần thay đổi ra sao. Tại sao cứ sử dụng tiền công, tiền của dân đóng thuế tùy tiện như "tiền chùa". Mà "tiền chùa" ở đây cũng cần xem lại vì đều từ dân mà ra cả đấy, không thể cứ để sử dụng lãng phí như vậy. Trong khi dân nghèo lấy đâu ra mà lãng phí, nếu có cũng chỉ như muối bỏ biển và chỉ là tính tùy hứng, không thể so với các giới chức thời nay gây ra thất thoát lãng phí khủng khiếp thế nào...” - Vĩnh: vinhldtlc@gmail.com
“Ở nước ta, nhiều ông tiêu “tiền chùa” quen mất rồi nên có lẽ chẳng ai bảo được ai... Xã tiêu, huyện tiêu .... Cứ vô tư đi, có nhà nước chịu?” - Nguyen So: somit150@gmai.com
“Tôi thấy hình như cách tốt nhất để không phải nghĩ gì, không phải làm gì mà vẫn có tiền tiêu và tiếp tục... "vũ như cẩn" ở VN ta là thường là "bội chi ngân sách". Rõ ràng chuyện đó khác với điều kiện mà khối Liên minh châu Âu đặt ra cho Hy Lạp, Bồ Đào Nha... hoặc Hoa Kỳ đặt điều kiện cho viện trợ là cắt giảm có hiệu quả, quyết liệt với "chi tiêu công" và không được "bội chi ngân sách" - Nam Đông: ndong@yahoo.com
“TS nói đúng. Nếu chúng ta không giám sát chặt đầu tư công mà để địa phương cứ “vẽ” ra dự án và xin kinh phí liên tục, sẽ dẫn đến bội chi liên tục. Bài học Hy Lạp và Mỹ hiện nay là những ví dụ điển hình. Bất ổn sẽ đến nếu bội chi ngân sách còn tiếp tục khiến tiền Việt cứ mất giá liên tục, gánh nặng nợ nần gia tăng nhanh...” - Huy Bảo: obama_786@yahoo.com
“Ông Lê đăng Doanh cũng đã cảnh báo việc đầu tư công, nhiều đoàn đi nước ngoài quá, xây trụ sở hoành tráng… gây bội chi ngân sách, nhưng chẳng biết có ai nghe không???” - Lam Khê: lamkhe1999@yahoo.com.vn

Khéo co thì ấm
Thời trước mặt bằng chung gần như ai cũng nghèo, cũng khổ tương tự nhau hoặc chỉ hơn kém nhau chút ít. Có “áo gấm” nhiều khi vẫn phải “đi đêm”. Thời nay cán bộ giới chức bị dân kêu ca, phàn nàn nhiều lắm, nhất là về cái sự giàu có bất thường trong khi hiệu quả công việc ngày càng kém cỏi….Trông người lại ngẫm đến ta, trách gì nhiều người dân VN chẳng chạnh lòng ao ước…
“Thật đáng khâm phục cách làm việc của Chính phủ Mỹ. Bao giờ VN chúng ta mới có thể xử lý công việc như họ được đây? Không hoàn thành nhiệm vụ thì tự cảm thấy mình không đáng được nhận lương. Nếu các cán bộ, giới chức của ta mà cũng làm được như họ thì quỹ lương có khi thừa cả tiền tấn mất. Nhưng nhiều cán bộ chỉ sáng cắp ô đi tối cắp về vẫn cứ nhận lương đều đều? Đúng là cách làm việc của ta còn phải học tập nước ngoài nhiều lắm” - Minh Tiến: lieuminhtien@gmail.com
“...Theo tôi, VN cần tham khảo kinh nghiệm nước ngoài trong việc minh bạch tài chính quốc gia, chứ nếu như cứ "che giấu" thì các tập đoàn nhà nước tưởng là Chính phủ mình đang "dư giả" nên hầu như mạnh ai cũng có thể… tham nhũng hết? 100 doanh nghiệp nhà nước thì có 98 doanh nghiệp tiền bị "bốc hơi", vậy mà mấy bác cứ ngồi…”nghiên cứu dự án” (dân cho là chẳng qua là nghĩ cách…chia chác với nhau) thì dân nghèo lãnh đủ!!!” - Kim Ngan: kimnganh@yahoo.com
“Từ Chính phủ đến các bộ ngành đều có thanh tra. Tuy nhiên ngân sách tài chính nhà nước vẫn cứ theo kiểu "thích thì tiêu", "tiêu phải hết", nếu "dư thừa là lãng phí" mà?! Tiền đấy là từ đâu ra vậy, các bác ơi? Nếu nhà nước vay thì cũng phải có nguồn trả, mà nguồn thu là ở đâu các bác nhỉ???” - Tuấn Mạnh: den_dau_thieu_lua@yahoo.com
“Chúng ta nên minh bạch trong vấn đề chi công. Các bộ, các ngành, chi tiêu đều phải được kiểm soát. Ví dụ cấp ngân sách chúng ta chỉ đến mức cho phép và yêu cầu chỉ chi tiêu ở mức đó thôi, rồi hàng năm có thể giảm dần. Cơ cấu nhân sự ở các bộ quá nhiều thứ trưởng, xe công quá nhiều... thì hỏi sao không lãng phí. Chúng ta hãy cẩn thận bởi vì tôi thấy nợ công đã là quá cao, nếu chúng ta rơi vào hoàn cảnh như nước Mỹ thì chắc không thể nào đỡ được. Và còn một loạt vấn đề xảy ra mà cái nhìn thấy dễ nhất là an ninh quốc gia, lòng dân bất an, xã hội mất ổn định, nói chung là rất nguy hiểm!” - Đinh Văn Phi: philong78.nasico@gmail.com
Giàu ham việc, nghèo ham chơi…Ở đời vẫn có những chuyện trái ngược như vậy!
Kiều Anh