Bà Quyết Tâm hãy trả lời dân về trách nhiệm của mình

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm làm Chủ tịch HĐND TPHCM, làm đại biểu Quốc hội của TP HCM, vậy thì bà đã hoàn thành nhiệm vụ của một đại biểu của dân hay không trước những vấn đề nhức nhối của Thủ Thiêm - một trong những điểm nóng của TP HCM trong suốt những năm qua.


Bà Nguyễn Thị Tám (phường Bình Khánh, quận 2) trách Chủ tịch HĐND TPHCM không đưa vấn đề Thủ Thiêm ra Quốc hội. Ảnh: M.Q

Bà Nguyễn Thị Tám (phường Bình Khánh, quận 2) trách Chủ tịch HĐND TPHCM không đưa vấn đề Thủ Thiêm ra Quốc hội. Ảnh: M.Q

Tại buổi tiếp xúc cử tri quận 2 chiều 22.11, ông Nguyễn Tuấn Tú (phường Bình Khánh) cho rằng, dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm không có đồ án quy hoạch 1/5.000, không công khai quy hoạch chi tiết, không có quyết định thu hồi đất, không có phương án bồi thường, quyết định cưỡng chế của UBND quận 2 là chưa đúng quy định pháp luật.

Và ông Tú đặt ra câu hỏi: "Vai trò giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND ở đâu? Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm có thấy mình hoàn thành nhiệm vụ hay không?". Một câu hỏi rất đúng trọng tâm, đúng trách nhiệm của bà Chủ tịch HĐND TPHCM.

Vụ Thủ Thiêm kéo dài nhiều năm, trong đó có giai đoạn bà Nguyễn Thị Quyết Tâm làm Chủ tịch HĐND TPHCM và làm hai nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội của TP HCM. Vậy thì những hậu quả xảy ra cho đến ngày hôm nay chưa giải quyết xong, người dân bị mất đất, chịu nhiều oan ức, chịu thiệt hại có thuộc trách nhiệm của bà hay không?

Đáng tiếc là trong phần trả lời, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm không nói đến việc tự nhận trách nhiệm của cá nhân bà.

Một đại biểu Quốc hội, một Chủ tịch HĐND thì không thể không chịu trách nhiệm trước những hậu quả rất lớn ở Thủ Thiêm, đó là điều dứt khoát.

Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không phải nhận nhiệm vụ để rồi đi họp, mà còn nhiều trách nhiệm khác, trong đó có trách nhiệm giám sát.

Trong Điều 3 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội ghi rõ: Đoàn đại biểu Quốc hội tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn và tổ chức để đại biểu Quốc hội trong Đoàn giám sát việc thi hành pháp luật ở địa phương; giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tham gia Đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Uỷ ban của Quốc hội tại địa phương khi có yêu cầu.

Xin nhắc lại thêm một lần: "Giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân", và xin hỏi, đã có biết bao nhiêu đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân liên quan đến những sai phạm tại dự án Khu đô thị Thủ Thiêm trong 20 năm qua?

Một ý kiến khác cũng xin các vị đại biểu của dân lưu ý, đó là tại buổi tiếp xúc cử tri này, ông Đoàn Văn Phương đề nghị phải xử lý các cá nhân làm sai, cố ý làm trái, gây ra bao khổ cực cho người dân. Tuyệt đối không thể nào dung túng cá nhân sai phạm, làm tan nát quy hoạch Thủ Thiêm.

Giám sát đừng cho cá nhân sai phạm được bao che, dung túng cũng là trách nhiệm của các vị đại biểu của dân.

Theo Lê Thanh Phong

Báo Lao động