Bạn đọc viết

Âm vang bản hùng ca “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến”

70 năm trôi qua, thời gian càng lùi xa, nhưng đúng là “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng nổi bật tầm vóc và ý nghĩa lịch sử của nó.


Minh họa: Ngọc Diệp

Minh họa: Ngọc Diệp

Các thế hệ người Việt Nam càng cảm nhận đầy đủ và sâu sắc hơn giá trị của lời kêu gọi bất hủ ấy vẫn mãi trường tồn cùng lịch sử dân tộc Việt Nam.

Bởi “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” không chỉ là lời hịch cứu nước vang vọng non sông; là khát vọng độc lập, tự do, hạnh phúc của một dân tộc đã bị mất nước, bị nô lệ hơn 80 năm; mà đó còn là một áng hùng văn sáng chói những nét đặc sắc về tư tưởng quân sự và đường lối, phương châm kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta; có tác động cổ vũ, động viên mạnh mẽ tinh thần yêu nước của nhân dân ta, tạo thành khối đoàn kết toàn dân vững chắc, nhất tề đứng lên chống lại kẻ thù xâm lược, mở đầu cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp.

Đó còn là sự kế tục lời hiệu triệu sục sôi hào khí “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sĩ”, “Bình Ngô đại cáo”, khẳng định ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập, thống nhất Tổ quốc với chân lý “Không có gì quý hơn độc lập tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng suốt chèo lái đưa con thuyền cách mạng vượt qua thác ghềnh “Nghìn cân treo sợi tóc” bằng một quyết định quan trọng, một quyết định thể hiện sự lựa chọn của lịch sử vào ngày 19/12/1946- Ngày toàn quốc kháng chiến - một sự kiện trọng đại, trở thành biểu tượng sáng ngời về tinh thần yêu nước quật khởi, hào hùng của sức mạnh đoàn kết toàn dân trước vận mệnh của đất nước. Ngày thêm một sự khẳng định rõ sức mạnh của chủ nghĩa xã hội, của sự kết hợp mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, của sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại… và sức mạnh của ý chí “Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” bằng niềm tin vô bờ bến của quân, dân cả nước vào Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm biến “mỗi làng, xã, góc phố là một pháo đài, mỗi quốc dân là một chiến sĩ”, chiến đấu với kẻ thù đến thắng lợi hoàn toàn…đã tạo nên sức mạnh đoàn kết để đập tan mọi lực lượng của kẻ thù, quét sạch bọn cướp nước và bọn bán nước, giải phóng hoàn toàn Tổ quốc thân yêu…

Cũng chính vì thế mà thời gian càng lùi xa, thì “Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh càng có sức lan tỏa vang vọng khắp non sông, đất nước, âm vang mãi theo dòng chảy lịch sử thời gian, nuôi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh con người Việt Nam, bồi đắp làm phong phú thêm sức mạnh chính trị và tinh thần mỗi con dân đất Việt.

Thực tế lịch sử 70 năm qua đã chỉ ra rằng: Lời kêu gọi kháng chiến cứu nước của Bác đã trở thành một khẩu hiệu hành động, một phương châm sống của mỗi người dân Việt Nam từ trẻ đến già, không chỉ trong thời điểm lịch sử đó mà còn vượt qua thời gian, dẫn dắt dân tộc ta đánh thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ; đồng thời tiếp tục giành những thắng lợi to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong sự nghiệp đổi mới đất nước, góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước Việt Nam XHCN.

Tinh thần đó đang cổ vũ chúng ta trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay. Đó là bài học về nhạy bén, tỉnh táo nắm bắt tình hình thời cuộc, đón nhận, tận dụng cơ hội, cũng như đương đầu, hoá giải thách thức để xây dựng và phát triển. Thời cơ, thời điểm phát động Toàn quốc kháng chiến, giành lấy chủ động trong thế bị động, trong hoàn cảnh còn muôn vàn khó khăn, kém đối phương về sức mạnh quân sự, kinh tế… chính là những ví dụ cụ thể, sinh động và sâu sắc về tính chủ động, sáng tạo trong xử lý những vấn đề liên quan đến hội nhập và giữ vững quốc phòng, an ninh khi tình hình thế giới đang có những biến động mau chóng, phức tạp, khó lường hiện nay.

Đó là bài học về phát huy lòng yêu nước, tinh thần quật khởi của toàn dân, sự đồng tâm, hiệp lực của các lực lượng vào thực hiện thắng lợi việc phát triển kinh tế đi đôi với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân vững mạnh. …

Có thể nói tinh thần quật khởi của ngày Toàn quốc kháng chiến sống mãi, trở thành hành trang quý giá, là động lực cho mỗi chúng ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc… Từ “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” mỗi chúng ta tiếp tục có những việc làm thiết thực có ý nghĩa hơn nữa phát huy những giá trị truyền thống yêu nước của dân tộc trong điều kiện lịch sử mới, để có một sự nỗ lực vượt bậc, một tinh thần quật khởi, một ý chí mới “không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, tụt hậu, thua kém bạn bè” để sớm đưa Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Bác Hồ hằng mong muốn và để bản hùng ca- lời “hịch non sông” vang mãi, nuôi dưỡng tâm hồn, bản lĩnh con người Việt Nam.

Minh Tư