5 lần vỡ đường ống nước sạch vẫn chưa tìm được nguyên nhân?

(Dân trí) - Trong khi Vinaconex xác định độ lún của đường dẫn đến vỡ đường ống nước thì ông Nguyễn Sỹ Trung, kỹ sư trưởng Dự án đường Láng - Hòa Lạc, lại khẳng định, đường ống vỡ do Vinaconex “lờ” cảnh báo của ông về nền đất yếu và chất liệu đường ống.

Tại đường lún hay nền đất yếu?
 
Báo cáo gửi Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Ngọc Điệp - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vinaconex - cho biết, nguyên nhân cơ bản dẫn tới vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội là do địa chất công trình và giai đoạn thi công. Cụ thể, đường ống nước sạch thi công cùng thời điểm với dự án đường Láng - Hòa Lạc nên có sự đan xen, chồng chéo về mặt bằng, dẫn đến việc xử lý nền đất yếu có thể ảnh hưởng đến tuyến ống.

Khu vực xảy ra vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội
Khu vực xảy ra vỡ đường ống dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội

Theo ông Điệp, đường cao tốc và tuyến ống được thi công vào thời điểm không cách xa nhau, khi độ lún của đường, đặc biệt là của các công trình cầu hầm, đang trong giai đoạn ổn định. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến vỡ đường ống nước trong thời gian qua. Ngoài ra còn có sự tác động của tải trọng đất khi tôn nền và tải trọng động của thiết bị thi công tại những khu đô thị mới.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Sỹ Trung - Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) - lại khẳng định, tình trạng vỡ đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội không liên quan gì đến đường giao thông. “Đến giờ nền đường cơ bản đã ổn định - không lún nhưng đường ống nước vẫn vỡ. Hơn nữa, đường ống đặt cách xa, không liên quan đến nền đường. Đường ống nước sạch ở độ sâu 10m so với mặt đường nên tải trọng xe cũng không thể tác động đến”, ông Trung phân tích.

Ông Trung cho hay, đại lộ Thăng Long dài 29km, chạy qua nhiều vùng địa chất khác nhau, trong đó có 5,4km nền đất yếu, nằm rải rác tại 29 điểm với độ sâu trung bình từ 5-30m. Vì vậy, khi làm đường phải xử lý nền đất yếu rất tốn kém và mất thời gian, chờ đến khi nền ổn định mới xây dựng công trình.

Đường ống dẫn nước sạch làm bằng sợi thủy tinh
Đường ống dẫn nước sạch làm bằng sợi thủy tinh

Ông Trung cho biết, những thông tin về vùng đất yếu đó đã được ông chia sẻ với Vinaconex với cảnh báo: nếu nền đất yếu không được xử lý kỹ thì đường ống có nguy cơ vỡ bất cứ lúc nào. Tuy nhiên theo ông Trung, những cảnh báo của ông vào thời điểm đó không được Vinaconex tiếp thu.

“Do họ “phớt lờ” những cảnh báo của tôi, không xử lý nền đất yếu nên đến giờ mới dẫn đến hậu quả khó lường đến vậy. Cả 5 lần vỡ đường ống nước sạch tôi đều đến trực tiếp hiện trường thấy rằng tất cả các vị trí đó đều nằm ở nền đất yếu đã được cảnh báo từ trước”, ông Nguyễn Sỹ Trung nói.

Ngoài ra, ông Trung cũng cho biết, hệ thống đường ống cấp nước được làm bằng cốt sợi thủy tinh cũng không phù hợp với nền đất yếu. Vật liệu loại này không chịu được lực trực tiếp uống cong và biến dạng. Vì vậy, nền đất chỉ cần lún một chút là đường ống bị vỡ.

Sẽ vỡ nhiều hơn nữa?

Ông Nguyễn Sỹ Trung nhận định, tuyến đường dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội sẽ còn tiếp tục vỡ với cường độ ngày càng dày hơn, đặc biệt sau các đợt mưa kéo dài. Theo ông Trung, sửa chữa đường ống nước hiện tại rất tốn kém, cách tốt nhất Vinaconex nên làm đường ống mới với vật liệu hoàn toàn khác.

Đường ống nước bị vỡ vào ngày 1/4

Đường ống nước bị vỡ vào ngày 1/4

Từ khi đưa vào khai thác đến nay, tuyến đường ống nước sạch sông Đà đã vỡ liên tiếp 5 lần. Do lo ngại đường ống tiếp tục bị vỡ nên Vinaconex đã đưa ra hàng loạt các biện pháp ứng phó. Trong đó, Vinaconex chuẩn bị sẵn máy móc, thiết bị, vật tư túc trực 24/24 giờ để ứng phó kịp thời các sự cố. Đơn vị này cũng “cầu cứu” Công ty nước sạch Hà Nội (Hawaco) có phương án điều tiết, phối hợp cấp nước trong trường hợp tuyến ống truyền tải nước sông Đà gặp sự cố.

Phó Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Vinaconex - ông Nguyễn Ngọc Điệp - cho biết, phương án lâu dài là triển khai dự án giai đoạn II, đặc biệt tuyến ống truyền tải thứ 2. Ngoài ra, đơn vị này còn để xuất với UBND thành phố Hà Nội giúp đỡ về thủ tục pháp lý để đưa tuyến truyền tải, nước sạch sông Đà - Hà Nội vào loại công trình trọng điểm cấp Quốc gia.

Sau sự cố vỡ đường ống nước sạch sông Đà hôm 1/4, sáng ngày 3/4, đại diện Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng - Bộ Xây dựng đã đến hiện trường xem xét sự việc. Chiều 3/4, trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng cho biết, khi đoàn kiểm tra có mặt, chủ đầu tư đã xử lý xong sự cố và hoàn trả mặt bằng nên không trực tiếp kiểm tra được đầu mối bị vỡ.

Theo ông Hải, chủ đầu tư báo cáo việc khảo sát, thiết kế, thi công tuyến đường ống dẫn nước sạch sông Đà đều đúng quy trình. Hiện tại cũng chưa đánh giá được sai sót nào. Để xác định nguyên nhân, ông Hải đã yêu cầu chủ đầu tư giải trình chi tiết tất cả các vấn đề liên quan đến đường ống dẫn nước.

Ông Hải cho biết, trước mắt chưa thể đưa ra kết luận cụ thể dẫn đến vỡ đường ống dẫn nước sạch từ sông Đà về Hà Nội. Nhưng ông Hải không loại trừ các nguyên nhân do lún đường hay chất lượng đường ống được làm từ cốt sợi thủy tinh…

Quang Phong