1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ sử dụng các nước Vùng Vịnh chống Iran?

(Dân trí) - Bất chấp việc tái nhấn mạnh về châu Á, các hoạt động quân sự của Mỹ trong những năm tới sẽ tập trung vào Vùng Vịnh.

Mỹ đang sử dụng các nước Vùng Vịnh chống Iran


Chính vì vậy khi công bố Chiến lược an ninh cho thế kỷ 21, các quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ luôn nhắc đi nhắc lại rằng chiến lược “đặt trọng tâm” cũng bao gồm cả vùng Trung và Viễn Đông.
 

Điều này cũng dễ giải thích. Dự trữ năng lượng của vùng Vịnh làm cho nó trở thành khu vực quan tâm chiến lược sống còn đối với Mỹ, và việc rút quân Mỹ khỏi Iraq đã để lại một khoảng trống an ninh, làm giảm đáng kể sự hiện diện của Mỹ trong khu vực. Trong khi đó, Iran đang xây dựng lực lượng hải quân và lên tiếng đe dọa về đóng cửa Eo Hormuz. Mỹ không hẳn đã sẵn sàng cho tình hình mới này trong khi Iran đã chi tiền để phát triển khả năng khai thác các điểm yếu của Hải quân Mỹ ở vùng Vịnh.

 

Tăng cường hiện diện quân sự của Mỹ

 

Hải quân Mỹ đang cố gắng sửa các điểm yếu của mình. Ngoài ra Mỹ đã lặng lẽ tăng cường sự hiện diện quân sự trong vùng, đặc biệt là với sáu nước trong Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) là Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Saudi Arabia và UAE. Nỗ lực này nhằm “chính thức hóa” sự phối hợp về an ninh và những vấn đề kinh tế, và “mở rộng hơn nữa quan hệ chiến lược”. Các cuộc thương lượng để trao đổi về những bước cụ thể cần thiết để tăng cường những mối quân hệ này sẽ được tổ chức vào tháng 9/2012.

 

Vậy chính xác thì dấu ấn thực tế của “cấu trúc an ninh” mới này ra sao? Những gì đã có là rất ấn tượng. Ví dụ như căn cứ Jebel Ali. Được xây dựng trong thập kỷ 1970 và nằm cách Dubai gần 20 dặm về phía Dông nam của UAE. Đây là hải cảng căn cứ nước sâu nhân tạo lớn nhất thế giới với diện tích 52 dặm vuông, cũng là cảng lớn nhất ở Trung Đông với hơn một triệu mét vuông dành cho tàu chở container. Hiện tàu sân bay lớp Nimitx đang neo đậu ở đây cùng với cơ sở nghiên cứu và phát triển (R&D) được rào chắn cẩn thận. Ngoài ra còn có các tàu sân bay khác được trang bị tên lửa dẫn đường Aegis và các tàu tuần dương và tàu khu trục, kinh hạm, một tàu ngầm tấn công và một số tàu tiếp tế tương tự như chiếc Rappahannock gần đó. Trong khi không chính thức được coi là một căn cứ hải quân lớn, Jebel Ali đang đón tiếp những đoàn tàu luân phiên nhau đến khu vực để làm nhiệm vụ từ các căn cứ mẹ ở Mỹ.

 

Tiếp theo là các trung tâm chỉ huy các hoạt động Hải quân ở Trung Đông, đóng ở Manama, Bahrain, được mô tả là “60 mẫu bận rộn nhất thế giới." Jebel Ali còn đóng vai trò thần kinh trung ương cho Hạm đội Năm của Mỹ và một loạt các nhiệm vụ quốc gia và quốc tế khác từ bảo vệ các giàn khoan dầu của Iraq đến săn hải tặc ngoài khơi biển Somali. Nó còn là cảng chính cho nhiều tàu quét mìn của hải quân Mỹ và tàu tuần tra.

 

Cũng giống như cảng Jebel Ali phục vụ hải quân, căn cứ không quân Al Dhafra của UAE đang trở thành trung tâm đón các máy bay phản lực của Mỹ và đồng minh ở khu vực. Các máy bay của Mỹ gồm loại tiếp nhiên liệu trên không KC-10 and KC-135, máy bay trinh sát điện tử E-3 Sentry AWACS, U-2 và thậm chí cả máy bay chiến đấu tàng hình F-22 Raptors cũng thường có mặt. Căn cứ cũng là Trung tâm chiến tranh trên không vùng Vịnh, một căn cứ tụ hợp các lực lượng không quân của các nước GCC, Không lực Mỹ và các nước khác để tập luyện. Al Dhafra cũng được cho là căn cứ của các hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao do Mỹ chế tạo.

 

Có lẽ quan trong hơn cả Al Dhafra là căn cứ quân sự Mỹ ở Udeid, Qatar - Trung tâm chỉ huy của Mỹ đối với các lực lượng đồng minh trong khu vực, cũng như là căn cứ của một số loại máy bay ném bom, vận tải, chuyên chở nhiên liệu và các loại máy bay phản lực trinh sát. Theo Google Earth thì hiện có các loại máy bay ném bom hạng nặng B-1, KC-135 chở nhiên liệu, máy bay trinh sát thu thập tín hiệu RC-135 Rivet, máy bay rada quét mặt đất E-8 Joint STARS, máy bay vận tải chiến thuật C-130, máy bay săn tầu ngầm P-3 Orion, một chiếc EP-3 Aries truyền tín hiệu tình báo, một máy bay chuyển quân C-5 Galaxy và một máy bay vận tải C-17.

 

Mục tiêu là Iran

 

Tuy nhiên, các nhà hoạch định Lầu Năm Góc đã nhận ra rằng hiện nay thành phần của các lực lượng ở vùng Vịnh, phần lớn tập trung vào hỗ trợ cho các cuộc chiến tranh ở Iraq và Afghanistan, là không đủ để ngăn chặn Iran. Vì vậy, Bộ Quốc phòng đang gấp rút đưa các thiết bị đến khu vực nhằm chống lại mối đe dọa từ Iran.

 

Việc tăng cường lực lượng hải quân Mỹ gần đây ở vùng Vịnh bao gồm tàu cổ điển USS Ponce từ những năm 1970, một tầu vận tải đã được chuyển đổi vào mùa xuân vừa qua để thành một căn cứ "lá súng" nổi, phục vụ cho các hoạt động quét mìn (nó cũng có thể phục vụ các hoạt động đặc biệt quân đội) vừa đến vùng Vịnh trong tháng này. Bốn tàu quét mìn nữa thuộc lớp Avenger đã được điều đến vùng Vịnh vào cuối tháng Sáu, đưa tổng số tầu trong khu vực lên tám chiếc. Hải quân cũng đã trang bị cho lực lượng chống mìn ở vùng Vịnh với máy bay không người lái săn mìn dưới nước Seafox. Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đã thông báo rằng các tàu sân bay USS John C. Stennis sẽ đến vùng Vịnh vào tháng Mười Hai, bốn tháng trước thời hạn, để duy trì sự hiện diện của hai tàu sân bay cùng các nhóm tấn công trong khu vực trong suốt năm sau.

 

Lầu Năm Góc cũng mua 40 tên lửa Griffin và bệ phóng liên quan để sử dụng  cho tàu tuần tra lớp Cyclone của Hải quân đóng tại vùng Vịnh. Các tàu lớp Cyclone cũng có các thiết bị laser nhắm mục tiêu bổ sung thêm cho các cỗ súng liên thanh Mk 38 25 mm.

 

Theo Wall Street Journal  Mỹ chuẩn bị đưa rada AN/TPY-2usquang tuyến X cực mạnh ở Qatar vào hoạt động cùng với hai chiếc khác đặt ở Israel và Thổ Nhĩ Kỳ để theo dõi các cuộc phóng tên lửa của Iran. Trung tâm chỉ huy của Mỹ cũng có thể triển khai hệ thống tên lửa bảo vệ sân bay ở tầm cao (THAAD) cho Qatar trong những tháng tới.

 

Mỹ và châu Âu cũng đang giúp các quốc gia vùng Vịnh hiện đại hóa quân đội. "Phương pháp tiếp cận của chúng tôi là đáp trả việc Iran đẩy mạnh chương trình hạt nhân của họ cùng với các hợp đồng bán vũ khí lớn cho vùng Vịnh". "Ý tưởng là phát triển vũ khí hạt nhân hoặc hiện đại hóa chương trình hạt nhân sẽ gây hại hơn là làm tổn thương an ninh của họ bởi vì chúng tôi sẽ phản ứng bằng cách củng cố những nước láng giềng và do đó họ sẽ dễ bị tổn thương vì các nước láng giềng của mình.”

 

Gần đây nhất, Mỹ đã hoàn thành một hợp đồng cung cấp cho Ảrập Xê-út 84 máy bay chiến đấu và ném bom F-15SA Eagle và nâng cấp 70 máy bay tiêm kích hiện có F-15S Eagles. Ảrập cũng đã nhận được 24 máy bay tiêm kích Typhoons trong năm 2011, trong số 72 máy bay Typhoons mà Ảrập đã đặt hàng.

 

Qatar sẽ quyết định mua một phi đội gồm 24 máy bay chiến đấu hoặc nhiều hơn để thay thế phi đội  máy bay chiến đấu Mirage 2000. Quốc gia nhỏ bé này đang chú ý đến các loại máy bay như Typhoon, Strike Eagle, F/A-18E/F Super Hornet, máy bay tiêm kích tổng hợp F-35 và máy bay Rafale.

 

Trong khi đó UAE cũng đang có ý định mua một loạt máy bay mới, xét tài trợ cho việc phát triển một loại máy bay hoàn toàn mới mặc dù thực tế là họ đã mua các loại máy bay tiên tiến nhất của phiên bản F-16, như F-16E/F Block 60 vào năm 2007. Hải quân của UAE cũng tài trợ cho phát triển sáu tầu tàu hộ tống tàng hình mới tinh để làm tất cả mọi nhiệm vụ từ rải mìn, tuần tra bờ biển đến tham gia các cuộc chiến nhỏ chống tàu.

 

Oman gấn đây đã mua 12 máy bay F-16s mới và sẽ nâng cấp đội máy bay F-16s cú. Họ cũng sẽ mua ba tầu hộ tống do Anh chế tạo.

 

Kế hoạch tăng cường loạt radar, máy bay, tàu chiến mới cùng các hệ thống phòng thủ tên lửa này hiện có thể không đủ để ngăn chặn sức mạnh quân sự của Iran, nhưng theo một nhà phân tích với Trung tâm đánh giá chiến lược và ngân sách, về lâu dài lại là một vấn đề hoàn toàn khác. Với thực tế là Iran đã tăng số lượng tên lửa có khả năng bắn tới các cơ sở hiện tại của Mỹ ở khu vực, nên Mỹ không có lý do gì giữ lại các lực lượng và các trung tâm chỉ huy của mình trên bờ Vịnh.

 

Tuy nhiên, trong thời gian trước mắt, kiến trúc an ninh mới dường như có nghĩa là củng cố các nền tảng hiện có của quân đội Mỹ tại vùng Vịnh, trong khi tăng cường lực lượng của GCC thông qua việc bán vũ khí, đào tạo và khuyến khích gia tăng hợp tác quân sự giữa các quốc gia thành viên GCC. Câu hỏi đặt ra là liệu kế hoạch này có khả thi và mang lại khả năng răn đe đối với Iran đến mức nào, điều mà nhiều người ở Washington và các nước khác cảm thấy cần biết.

 

Phạm Ngọc Uyển

Theo Foreign Policy