Chậm xây dựng khung trình độ dạy nghề quốc gia

Theo lộ trình, năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập sẽ hình thành một thị trường lao động chung. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam phải có khung trình độ quốc gia tương thích với trình độ nghề trong khu vực để công nhận lẫn nhau giữa các nước trong AEC. Nhưng đến nay, dự thảo khung trình độ này vẫn chưa có.

  Một giờ học thực hành nghề. Ảnh: CTV
  Một giờ học thực hành nghề. Ảnh: CTV

Quá chậm trễ

Từ năm 2012, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) phối hợp xây dựng khung trình độ quốc gia (NQF). Theo đó, Bộ LĐ,TB&XH xây dựng khung trình độ từ bậc 1 đến bậc 5; còn từ bậc 6 đến bậc 8 do Bộ GD - ĐT chủ trì.

Theo ông Cao Văn Sâm, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, NQF đáng ra phải hoàn thành từ cuối năm 2013, tuy nhiên hiện mới hình thành các tiểu ban kỹ thuật. Sự chẫm trễ này là do vướng các thủ tục hành chính và thiếu kinh phí thực hiện.

“Việt Nam đang đứng ở vị trí thấp trong khối ASEAN trong tiến trình xây dựng NQF; trong khi đó, rất nhiều nước như Malaysia, Indonesia và Philippines đã hoàn thiện NQF”, ông Nguyễn Ngọc Phi, Thứ trưởng Bộ LĐ,TB&XH cho biết.

Sự chậm trễ này tác động lớn nhất đến các đơn vị đào tạo nghề bởi NQF được ví như là “nền móng” để xây dựng các giáo trình giảng dạy. Hiện nay, các trường dạy nghề dạy theo những tài liệu, giáo trình đang có, chứ chưa theo tiêu chuẩn chung nào.

Nếu đến cuối năm 2014 mới có NQF thì phải đến cuối năm 2015, các trường mới bổ sung được tài liệu giảng dạy, tập huấn để phù hợp chương trình; như vậy là quá muộn và gây khó khăn trong việc áp dụng tiêu chuẩn chung quốc gia và khu vực.

Đại diện một số trường đào tạo về du lịch phản ánh, do chưa có NQF, nên một số trường nghề về du lịch đang dạy giáo trình biên soạn dựa trên khung trình độ do dự án EU tài trợ. Tuy nhiên, do giáo trình cũ nặng lý thuyết và không căn cứ trên thực tế nên học sinh ra trường chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường, các doanh nghiệp sau đó thường phải đào tạo lại.

Kỹ năng thực hành của học sinh trường nghề tại các cuộc thi tay nghề chưa đáp ứng tiêu chuẩn và đòi hỏi của doanh nghiệp. Các nước đều không công nhận bằng cấp, chứng chỉ do Việt Nam cấp… Đó là lý do tại sao nhiều học sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp trường nghề rất muốn làm việc tại các nước trong khu vực để được đào tạo lại và thi cấp chứng chỉ của nước sở tại.

Thực tế này cho thấy, việc Việt Nam sớm có NQF theo khung trình độ chung Asean sẽ giúp học sinh trường nghề khi lao động các nước trong khu vực thuận lợi hơn do bằng cấp, chứng chỉ được công nhận lẫn nhau.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, bà Phan Hồng Hạnh, đại diện bộ phận nhân sự Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng: “Nếu sớm có khung trình độ quốc gia sẽ tiết kiệm rất nhiều cho doanh nghiệp. Do thiếu khung trình độ nghề chuẩn nên hiện nay, trình độ công nhân kỹ thuật bậc 7 ở ba miền Bắc, Trung, Nam không tương đương nhau”.

Cần sự vào cuộc của doanh nghiệp

Từ năm 2015, khối Asean sẽ không còn là 10 thị trường lao động riêng rẽ mà sẽ có một thị trường lao động chung. “Do đó, Việt Nam sớm thành lập một cơ quan quốc gia để kiểm định trình độ, đảm bảo giá trị văn bằng với trình độ tương ứng”, ông Hoàng Ngọc Vinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD - ĐT, nhấn mạnh.

Bà Hoàng Thị Vân Anh, đại diện Chương trình Giáo dục Đại học và Kỹ năng nghề, Hội đồng Anh tại Việt Nam, cho rằng: “Để thúc đẩy nhanh việc xây dựng NQF, Việt Nam xem xét xây dựng một cơ quan độc lập để kiểm định, điều phối quá trình xây dựng NQF với từng cấp trình độ được quy định trong hệ thống”.

Hiện tại, Việt Nam đã có mô tả khoảng 400 nghề, tuy nhiên, việc xây dựng tiêu chuẩn đào tạo với từng nghề cần chi tiết vì liên quan đến giáo trình đào tạo. Việc xây dựng tiêu chuẩn này đáp ứng yêu cầu thị trường lao động và của doanh nghiệp.

“Tiêu chuẩn đào tạo và tiêu chuẩn sử dụng lao động rất gắn kết với nhau. Do đó, việc xây dựng NQF cần có sự tham gia của doanh nghiệp để những tiêu chuẩn kỹ năng sát với thị trường lao động. Việc xây dựng NQF cần sớm triển khai để Thủ tướng Chính phủ có thể ký quyết định thông qua vào cuối năm nay”, ông Mạc Văn Tiến, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề đánh giá.

Đồng quan điểm này, ông David Lythe, chuyên gia tư vấn từ Tổ chức Lao động Quốc tế khẳng định: “Hơn ai hết, các doanh nghiệp sẽ là đầu mối đưa ra tiêu chuẩn năng lực của các lĩnh vực phù hợp với tuyển dụng và sát với thực tế nhất”.

Theo Xuân Minh - Hà Liên/Báo Tin tức