Khởi động dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” giai đoạn 2

(Dân trí) - Ngày 25/11, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Dự án“Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” (Dự án FCPF) đã tổ chức hội thảo khởi động giai đoạn 2.

Dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam” do Quỹ Đối tác Các-bon trong Lâm nghiệp (FCPF) tài trợ, ủy thác qua Ngân hàng Thế giới (WB) với tổng kinh phí là 4.432.000 USD.

Thời gian thực hiện giai đoạn 1 từ tháng 01/2013 đến tháng 11/2016 tại ba tỉnh thí điểm Quản g Bình, Quảng Trị, Đắk Nông. Ban quản lý các dự án lâm nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là chủ dự án.

Hội thảo dự án  “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+  ở Việt Nam”
Hội thảo dự án “Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ ở Việt Nam”

REDD+ là sáng kiến nhằm giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng, hạn chế suy thoái rừng, bảo tồn trữ lượng các-bon rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng và tăng cường trữ lượng các-bon rừng.

Dự án FCPF được triển khai với mục tiêu hỗ trợ Việt Nam xây dựng hệ thống quản lý và thực hiện REDD+ hiệu quả, nâng cao năng lực tổ chức và kỹ thuật của Ban Chỉ đạo, Tổng cục Lâm nghiệp, một số các cơ quan liên quan ở Trung ương và ở ba tỉnh thí điểm nhằm chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+, góp phần thực hiện thành công Chương trình hành động quốc gia về REDD+ (NRAP).

Sau bốn năm thực hiện với những kết quả đáng kể, Chính phủ Việt Nam và Ngân hàng Thế giới đã cùng ký kết Hiệp định TF0A1122 về việc hỗ trợ không hoàn lại cho các hoạt động chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ bổ sung, được thực hiện từ 11/2016 – 11/2019, với tổng số vốn 5,7 triệu USD tại Hà Nội và sáu tỉnh Bắc Trung Bộ là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế nhằm tiếp tục hỗ trợ Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng cho việc thực hiện REDD+ trong tương lai, thông qua việc xây dựng các yếu tố REDD+, các hệ thống và chính sách theo hướng bền vững về mặt môi trường và xã hội.

Nhữ Trang