Cách hạn chế xâm hại tình dục ở trẻ em

Số liệu thống kê những năm qua cho thấy, hàng năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em bị khởi tố.

Các số liệu chính thức về thực trạng XHTDTE ở Việt Nam chủ yếu là số liệu thống kê qua các vụ việc đã được xử lý của Bộ Công an và Tòa án nhân dân tối cao. Theo các số liệu đó thì các hình thức xâm hại chủ yếu là tiếp xúc thân thể (như cưỡng dâm, hiếp dâm, giao cấu, dâm ô hoặc mại dâm trẻ em). Trong khi đó, các vụ xâm hại không tiếp xúc thân thể (như sờ mó bộ phận kín, dâm ngôn, kích dục,…) rất khó nắm bắt và khó kiểm soát được trên thực tế và chủ yếu mới được tìm hiểu trong các nghiên cứu khảo sát thực tế.

Cách hạn chế xâm hại tình dục ở trẻ em

Số liệu thống kê những năm qua cho thấy, hàng năm có khoảng 1.000 vụ xâm hại tình dục trẻ em bị khởi tố. Báo cáo năm 2009 của Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội cho biết, theo số liệu thống kê của các tỉnh, thành phố, trong năm 2008 đã phát hiện trên 1.300 trẻ em bị xâm hại tình dục, phần lớn các em còn đang đi học, chủ yếu ở độ tuổi từ 13 đến dưới 16 (52%), tiếp đó là nhóm từ 6 đến dưới 13 tuổi (chiếm 40%), dưới 6 tuổi là 8% (Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội 2009).
 
Cũng theo nguồn báo cáo này thì so với năm 2007, tình hình xâm hại tình dục trẻ em năm 2008 vẫn có xu hướng gia tăng và diễn ra ở hầu khắp các địa phương. Trong đó, đồng bằng sông Cửu Long là khu vực phát hiện có số trẻ em bị xâm hại tình dục nhiều nhất, chiếm gần 50% tổng số nạn nhân. Đáng chú ý là đối tượng XHTDTE phần lớn là những người mà nạn nhân quen biết như hàng xóm, người thân, bạn bè của gia đình, giáo viên, thậm chí cả những người mà các em thương yêu, tin tưởng, chịu sự đùm bọc, chăm sóc (cha đẻ, anh ruột, cha dượng, chú ruột, ông nội…), điều này cho thấy tính phức tạp của vấn đề.

Mặc dù vậy, các số liệu này chỉ là những vụ việc được báo cáo và đã được xử lý theo quy định của pháp luật. Song trên thực tế, nếu xét theo định nghĩa về XHTDTE được các tổ chức quốc tế sử dụng và được áp dụng ở nhiều quốc gia thì XHTDTE không chỉ dừng lại ở những hành vi nêu trên. Vì vậy, trong thực tế, con số về trẻ em bị XHTD sẽ cao hơn rất nhiều.

Liên quan đến các giải pháp phòng ngừa XHTDTE, nhiều ý kiến cho rằng nên tăng cường sự quản lý, giáo dục của gia đình, nhà trường và kết hợp giữa gia đình và nhà trường đối với các em. Một số ý kiến cho rằng nên xử lý nghiêm khắc với những người có hành vi XHTDTE và lấy đó làm hình thức răn đe với những người khác. Việc nâng cao nhận thức của người dân về xâm hại tình dục trẻ em là một vấn đề cấp thiết.
 
Các hình thức tuyên truyền không chỉ là các chương trình truyền thông đại chúng trên báo đài như hiện nay mà nên có thêm nhiều tài liệu truyền thông, bổ sung sách báo về những nội dung liên quan, tổ chức tuyên truyền với các nhóm nhỏ tập trung, và tăng cường giáo dục về các nội dung này trong nhà trường. Các hình thức xử lý của pháp luật cũng rất quan trọng để phát hiện được thêm nhiều người có hành vi XHTDTE chưa bị phát giác và ngăn ngừa những người xâm hại trẻ em tiếp tục phạm tội những lần sau.

Theo ThS. Đặng Bích Thủy
Báo Sức khỏe & Đời sống