Pakistan: Thành phố hoảng loạn sau khi 900 đứa trẻ nhiễm HIV

(Dân trí) - Gần 900 đứa trẻ ở thành phố nhỏ Ratodero của Pakistan đã nằm liệt giường vào đầu năm nay với những cơn sốt hoành hành không thể điều trị. Cha mẹ điên cuồng, hầu như ai cũng có quen biết với một gia đình có một đứa trẻ bị bệnh.

Vào tháng Tư, một chẩn đoán đầy tàn khốc được đưa ra: Thành phố là tâm chấn của một đợt bùng phát HIV ảnh hưởng quá lớn đến trẻ em. Theo thông tin ban đầu, các quan chức y tế cho rằng sự bùng phát này bắt đầu từ một bác sĩ nhi khoa, người đã tái sử dụng ống tiêm cho bọn trẻ.

Kể từ đó, khoảng 1.100 công dân đã có xét nghiệm dương tính với virus, nghĩa là cứ 200 người dân thì có một người mắc bệnh. Hầu hết 900 người này đều là trẻ em tuổi dưới 12. Các quan chức y tế tin rằng con số thực còn cao hơn nhiều, vì mới chỉ một phần dân số được xét nghiệm cho đến nay.

Gulbahar Shaikh, một nhà báo địa phương, người đã phát hiện tin tức về dịch bệnh cho cư dân thành phố và quốc gia hồi tháng Tư, đã chứng kiến hàng xóm và người thân của anh ta vội vã đến các phòng khám để xếp hàng kiểm tra virus.

Khi các quan chức xuống Ratodero để điều tra, họ phát hiện ra rằng nhiều đứa trẻ bị nhiễm bệnh đã đến cùng một bác sĩ nhi khoa - Muzaffar Ghanghro, người phục vụ các gia đình nghèo nhất thành phố và dường như cũng là trung tâm của vụ dịch.

Shaikh hốt hoảng - đó là bác sĩ nhi khoa của các con anh. Shaikh vội vàng đưa gia đình đi xét nghiệm, và cô con gái 2 tuổi của anh được xác nhận nhiễm virus HIV.

“Quá tàn khốc”, Shaikh - một nhà báo truyền hình 44 tuổi sống tại Ratodero, thành phố 200.000 dân là một trong những vùng nghèo nhất Pakistan với tỉ lệ mù chữ cao, thốt lên.

Bs. Ghanghro là lựa chọn rẻ tiền nhất trong thành phố, chỉ 20 cent một lần khám, nhiều cha mẹ chỉ kiếm được chưa đến 60 đô la Mỹ/tháng đưa con đến khám và điều trị tại đây.

Vị bác sĩ nhi khoa này điều trị cho tất cả 6 đứa con của Imtiaz Jalbani, 4 trong số đó nhiễm HIV. Hai đứa con nhỏ nhất của anh, Rida 14 tháng tuổi và Sameena 3 tuổi đều đã chết.

Pakistan: Thành phố hoảng loạn sau khi 900 đứa trẻ nhiễm HIV - 1

4 trong số 6 đứa con của Imtiaz Jalbani nhiễm HIV, 2 đứa nhỏ nhất đã chết.

Jalbani, một người lao động, nói anh lần đầu tiên hoảng hốt khi thấy ông Ghanghro lục lọi thùng rác để lấy ống tiêm sử dụng cho Ali, đứa con trai 6 tuổi của mình, cũng bị nhiễm bệnh.

Khi Jalbani phản đối, bác sĩ Ghanghro đã chộp lấy anh và nói ông ta sử dụng ống tiêm cũ vì Jalbani quá nghèo không có tiền trả cho một cái mới.

“Ông ta nói nếu anh không muốn điều trị chỗ tôi, hãy đến gặp bác sĩ khác”, Jalbani kể. “Vợ chồng tôi đã phải nhịn đói để trả tiền thuốc”.

Ghanghro đã bị cảnh sát bắt và buộc tội sơ suất, ngộ sát và gây ra thiệt hại ngoài ý muốn. Nhưng ông ta vẫn chưa bị kết án, và trong một cuộc phỏng vấn với tờ New York Times, Ghanghro khẳng định mình vô tội, chưa bao giờ sử dụng lại ống tiêm.

Gần đây, bác sĩ này đã được gia hạn giấy chứng nhận y tế và đang làm bác sĩ đa khoa tại một bệnh viện chính phủ ở ngoại ô Ratodero, bất chấp luật pháp đã quy định việc tái sử dụng ống tiêm là hành vi phạm tội không thể tại ngoại.

Các quan chức y tế hiện nói rằng ông Ghanghro dường như không phải là nguyên nhân duy nhất của vụ dịch. Thực tế, nhiều trường hợp bác sĩ tái sử dụng ống tiêm và kim tiêm. Các thợ cắt tóc dùng chung dao cạo trên khuôn mặt nhiều khách hàng, và các nha sĩ vẫn nhổ răng trên vỉa hè cho bệnh nhân bằng công cụ không được khử trùng.

Những hành vi mất vệ sinh như vậy là phổ biến trên khắp Pakistan và có lẽ là nguyên nhân hàng đầu của việc đất nước tăng tỷ lệ nhiễm HIV, theo các quan chức y tế. Nhưng Ratodero nghèo đến mức những chuyện này vô cùng phổ biến, vì cư dân phải chật vật kiếm ăn và luôn chắt bóp hà tiện bất cứ khi nào có thể.

Hồi tháng 6, cư dân ở một thị trấn khác đã phát hiện ra một người trong vùng bị gia đình trói vào cây, sau khi cô có xét nghiệm dương tính với HIV. Gia đình cho biết họ trói cô để ngăn cô lây lan virus sang những người khác trong thị trấn.

Sau sự phản đối kịch liệt của công chúng và cảnh sát, gia đình đã cởi trói cho cô. Hiện cô sống trong một căn phòng biệt lập trong nhà, mọi cử động đều được gia đình theo dõi.

Shaikh, nhà báo truyền hình được nhắc tới, nói rằng anh đã bán tất cả đồ trang sức của vợ và mượn tiền để đủ khả năng điều trị cho con gái.

Nhưng những đứa trẻ từ những gia đình rất nghèo sẽ sống như thế nào? Lúc đầu, khi dư luận chú ý và phản đối kịch liệt, các bệnh nhân đã được để tâm. Bây giờ, họ gần như bị lãng quên.

Huyền Anh

Theo MSN/TS