Giấy ăn cao cấp được làm từ... phân gấu trúc

(Dân trí) - Gấu trúc không chỉ là loài động vật đáng yêu và được xem là biểu tượng tại Trung Quốc mà giờ đây, phân của nó còn được sử dụng để làm giấy ăn, thậm chí mức giá bán còn cao hơn nhiều lần so với giấy ăn thông thường.

Trung tâm Bảo tồn và Nghiên cứu Gấu trúc lớn Trung Quốc (thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên) đã hợp tác với Tập đoàn giấy Fengsheng Paper để cung cấp... một lượng phân lớn gấu trúc cho công ty này sản xuất giấy ăn.

Loại giấy ăn được làm từ phân panda đắt gấp 10 lần so với giấy ăn thông thường
Loại giấy ăn được làm từ phân panda đắt gấp 10 lần so với giấy ăn thông thường

Mỗi ngày một con gấu trúc lớn trưởng thành tiêu thụ khoảng 12 đến 15kg tre và tạo ra khoảng 10kg chất thải. Trước đây lượng phân gấu trúc này đơn giản là bị vứt đi trong quá trình vệ sinh, tuy nhiên bây giờ lượng phân này đã được tận dụng một cách triệt để.

Do gấu trúc chủ yếu ăn tre nên phân của chúng có nhiều chất xơ. Hàm lượng chất xơ này rất phù hợp để sản xuất giấy, thậm chí cho kết cấu giấy đẹp và có... mùi thơm tương tự mùi tre.

Theo Yang Chaolin, chủ tịch của Fengshen Paper thì công ty của ông thường phải chiết xuất các sợi tre từ thân của cây tre để sản xuất giấy, nhưng giờ đây công việc này sẽ do hệ tiêu hóa của gấu trúc đảm nhiệm. Yang Chaolin gọi đây là một sự hợp tác đôi bên cùng có lợi khi Trung tâm Bảo tồn và Nghiên cứu Gấu trúc lớn Trung Quốc thu được lợi nhuận từ việc bán phân gấu trúc, trước đây vốn chỉ để vứt đi, còn công ty Fengshen thì tạo ra được loại giấy ăn đặc biệt chưa từng có từ trước đến nay.

Phân gấu trúc giàu chất xơ từ tre do chúng tiêu thụ một lượng lớn cây tre mỗi ngày
Phân gấu trúc giàu chất xơ từ tre do chúng tiêu thụ một lượng lớn cây tre mỗi ngày

Điều đáng nói là mỗi hộp giấy ăn “hạng sang” này được bán với giá 43 nhân dân tệ (tương đương gần 150.000 đồng), gấp 10 lần giá của những loại giấy ăn thường. Sở dĩ có điều này vì Fengshen Paper sẽ phải trải qua khâu khử trùng phân ở nhiệt độ cao mới có thể bắt đầu sản xuất giấy.

Trước đó phân gấu trúc cũng được sử dụng để làm phân bón cho loại trà được trồng ở Tứ Xuyên để sản xuất ra loại trà có tên gọi Trà Panda, là một trong những loại trà đắt nhất thế giới.

Nhi Nguyễn
Theo Medium