Dựng chuyện bị bắt cóc để xin nghỉ việc

Trà Xanh

(Dân trí) - Một người đàn ông ở Mỹ đã bị bắt sau khi làm giả vụ bắt cóc chính mình để dễ dàng nghỉ việc.

Cảnh sát Coolidge ở bang Arizona, Mỹ đã tìm thấy Brandon Soules với hai tay bị trói và khăn quàng cổ nhét trong miệng vào ngày 10/2. Chàng trai 19 tuổi nói với các sĩ quan cảnh sát rằng mình bị bắt cóc bởi 2 người đàn ông đeo mặt nạ và họ đã đánh anh ta bất tỉnh.

Dựng chuyện bị bắt cóc để xin nghỉ việc - 1
Cảnh sát tìm thấy bằng chứng rằng câu chuyện của anh chàng là hoàn toàn bịa đặt

Sau một cuộc điều tra, các sĩ quan đã tìm ra bằng chứng cho thấy câu chuyện của Soules là bịa đặt. Đến hôm thứ Tư ngày 17/2 vừa rồi, anh ta bị bắt vì khai báo sai sự thật và Soules cũng thừa nhận đã bịa ra câu chuyện như một cái cớ để nghỉ việc.

Dựng chuyện bị bắt cóc để xin nghỉ việc - 2
Đối tượng dàn cảnh bị bắt cóc trông y như thật

Trong một tuyên bố, cảnh sát Coolidge cho biết:

"Các nhân viên cảnh sát Coolidge đã trả lời một cuộc gọi vào lúc 5 giờ 25 phút chiều ngày hôm đó tại khu vực đường số 1 và đại lộ Northern ở Coolidge. Cuộc gọi liên quan đến một nam đối tượng bị trói tay ra sau lưng bằng thắt lưng và bị nhét một chiếc khăn trong miệng.

Ban đầu, đối tượng báo cáo với các sĩ quan rằng 2 người đàn ông đeo mặt nạ đã bắt cóc anh ta, đánh vào đầu anh ta (khiến anh ta bất tỉnh) và chở anh ta đi vòng quanh trên một chiếc xe trước khi bỏ nạn nhân ở khu vực được tìm thấy.

Một cuộc điều tra diện rộng đã được tiến hành bởi các điều tra viên của Coolidge và bằng chứng được phát hiện cho thấy câu chuyện của đối tượng là bịa đặt và không có vụ bắt cóc hay hành hung nào xảy ra.

Brandon Soules, 19 tuổi, bị bắt vào ngày 17 tháng 2 năm 2021 vì khai báo sai và thừa nhận trong một cuộc phỏng vấn rằng anh ta đã bịa ra câu chuyện như một cái cớ để nghỉ việc".

Tháng trước, cảnh sát Anh cũng buộc tội một người đàn ông với cáo buộc tiêm vắc-xin Covid-19 giả cho một người phụ nữ 92 tuổi. David Chambers bị cáo buộc hành hung người phụ nữ lớn tuổi ở Surbiton, London vào thứ Tư ngày 30/12 trước khi tính phí 160 bảng Anh (5,2 triệu đồng) cho liều vắc-xin giả và quay trở lại vào ngày 4/1 để đòi thêm 100 bảng Anh (3,2 triệu đồng).