Đo cỡ giày bằng máy chụp X-quang từng là xu hướng thời thượng vì sức khỏe

(Dân trí) - Đầu thế kỷ 20, một đôi giày vừa vặn là khi phải được nhìn thấy trực quan nhờ một thiết bị soi chiếu rất thịnh hành thời đó.

Đo cỡ giày bằng máy chụp X-quang từng là xu hướng thời thượng vì sức khỏe - 1

Từ chụp X-quang mới là người mẹ hiện đại...

Khi đã chọn được đôi giày ưng ý, người bán hàng sẽ đề nghị khách hàng đi giày và đặt chân vào một chiếc hộp rất đẹp. 1 ống X-quang bọc chì đặt ở dưới chân sẽ hoạt động khi người bán bật công tắc. Một màn hình quan sát ở trên nóc hộp sẽ giúp người mua nhìn thấy xương bàn chân bên trong giày có vừa vặn hay không.

Đo cỡ giày bằng máy chụp X-quang từng là xu hướng thời thượng vì sức khỏe - 2
Một máy “soi giày” được sưu tập tại bảo tàng Health Care ở Kingston (Canada)

“Nếu bạn sinh trước năm 1955, chắc chắn bạn sẽ nhớ chiếc máy này và sẽ thấy thật vui khi được nhìn thấy xương chân của mình. Nhưng nó chưa bao giờ là một dịch vụ đi kèm hữu ích”, BS Jacalyn Duffin, một nhà huyết học, một nhà sử học y khoa và là giảng viên ĐH Queens (Kingston, Ontario) nói.

Nghiên cứu của Duffin và các cộng sự cho thấy chiếc máy này đã rất thịnh hành vào thời đó. Cửa hàng nào cũng phải sắm một chiếc nếu muốn có khách hàng, muốn nhiều lợi nhuận hơn chứ không phải là để giúp khách hàng tìm được đôi giày phù hợp với chân họ nhất.

Thậm chí chiếc máy này còn là đại diện cho “xu hướng làm mẹ khoa học” đầu thế kỷ 20. Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học, y học và truyền thông, các bà mẹ chịu những áp lực rất nặng nề về việc làm sao phải lĩnh hội được những công nghệ giáo dục và dịch vụ y tế hiện đại nhất để nuôi dưỡng những đứa trẻ khỏe mạnh.

“Và sự ra đời của những chiếc hộp X-quang kiểm tra chân khi đi giày đã thực sự gây “sốt”, cửa hàng giày nào cũng có máy này và các công ty không ngừng truyền thông nhắm tới bà mẹ và trẻ em”, Paul Frame, chuyên gia sức khỏe thể chất của ĐH Liên kết Oak Ridge, viết.

Đo cỡ giày bằng máy chụp X-quang từng là xu hướng thời thượng vì sức khỏe - 3
Quảng cáo năm 1918 về mỹ phẩm có chứa chất phóng xạ

Vào những năm 1920, radium được xem là chất có lợi cho sức khỏe và được cho vào từ kem đánh răng đến ruột gối. Tuy nhiên, chỉ không lâu sau đó, nhiều bằng chứng cho thấy nó thực sự rất nguy hiểm.

… đến nỗi kinh hoàng vì những tác dụng phụ nguy hiểm của phóng xạ

Vào năm 1943, Ủy ban Bảo vệ X-quang và Radium quốc tế khuyến nghị: 2R (đơn vị viết tắt của liều radium: roentgen) là liều tối đa mỗi ngày nhưng Hiệp hội Tiêu chuẩn Hoa Kỳ đã hạ xuống còn 1R là liều tối đa.

Chất lượng của máy đo giày X-quang đã không được nghiên cứu cho tới năm 1948, khi mà lượng phóng xạ trong các máy này tăng quá cao. Một cuộc điều tra các máy đo giày ở Detroit (Michigan, Hoa Kỳ) cho thấy 43/200 máy có lượng phóng xạ lên tới 75R mỗi phút.

Phát triển chậm, đục thủy tinh thể và vô sinh rất phổ biến ở khách hàng và nhân viên - những người thường xuyên tiếp xúc với máy này.

Các cảnh báo, các bài báo và các điều tra sau đó đã cho thấy thiết bị này thực sự nguy hiểm.

Đo cỡ giày bằng máy chụp X-quang từng là xu hướng thời thượng vì sức khỏe - 4
Cảnh báo gắn trên thiết bị: Tiếp xúc quá nhiều với tia X sẽ gây hại…

“Mọi người bắt đầu sợ các máy đo giày vì lo ngại chất phóng xạ và các cửa hàng đã phải bỏ nó nếu muốn thu hút khách hàng”, Duffin nói.

Pennsylvania là bang đầu tiên ở Mỹ cấm máy thử giày X-quang và đến năm 1960, 34 bang khác cũng ban hành lệnh cấm. Các thiết bị này tiếp tục được dùng ở Anh và Canada sau đó mới vĩnh viễn nằm trong kho hay các viện bảo tàng những năm 1970.

Nhân Hà

Theo RL