Chờ đợi 23 năm để có gương mặt mới

(Dân trí) - Ayan Mohamed đeo khăn trùm đầu để che mặt, nhưng không phải vì các lý do tôn giáo mà để che giấu gương mặt dị dạng của cô.

Gương mặt dị dạng của Mohamed.

Gương mặt dị dạng của Mohamed.

"Cô ấy mang nó để che đi gương mặt dị dạng. Cô ấy đeo khăn vì sợ mọi người sẽ nhìn chằm chằm, trẻ con có thể khóc thét. Chẳng dễ nhìn chút nào", bà Edna Adan Ismail, một cựu quan chức vùng lãnh thổ Somaliland thuộc Somali cho biết.

Bà Ismail đã thành lập bệnh viện phụ sản đầu tiên trong khu vực, Bệnh viện đại học Edna Adan. Nơi này giờ đây là một bệnh viện đa khoa bận rộn, chăm sóc sức khỏe cho tất cả mọi người.

Trong suốt 11 năm qua, bà Ismail đã tìm kiếm sự trợ giúp để chỉnh sửa lại khuôn mặt cho Mohamed, vốn bị biến dạng vì một mảnh bom trong cuộc nội chiến Somali. Khi bị thương, Mohamed chỉ mới 2 tuổi.

Ismail năm nay đã 25 tuổi và cô không thể nhắm được mắt phải. Thức ăn rơi xuống từ lổ hổng trên má khi cô cố gắng ăn. Từ lâu, Ismail đã quen với những cái nhìn chằm chằm và những câu hỏi dò xét.

"Điều khó khăn nhất đối với cô ấy là khi ai đó hỏi đã có chuyện gì xảy ra với gương mặt cô ấy vậy", bà Ismail cho biết.

"Điều đó làm tôi bị tổn thương", Mohamed tâm sự.

Bà Ismail và Mohamed đã tham dự một cuộc họp báo ở Brisbane, Úc, một thành phố hiện đại nằm cách xa 10.000 km so với quê nhà của Mohamed và con gái tại Burao, phía tây bắc Somaliland tại Sừng châu Phi. Con gái Mohamed, Marwa, giờ đây cũng mới 2 tuổi, bằng tuổi Mohamed khi cô hứng chịu nỗi đau kinh hoàng.

Tiến sĩ phẫu thuật răng hàm mặt John Arvier từ Bệnh viện Wesley (Úc) đã kiểm tra mức độ tổn thương đối với gương mặt của Mohamed và những điều mà một nhóm các chuyên gia sẽ làm để chỉnh sửa lại gương mặt cho cô hoàn toàn miễn phí.

"Điều quan trọng là Mohamed mất hầu hết mô ở giữa mặt, toàn bộ phần hàm trên và hầu hết gương gò má và vòm miệng", Tiến sĩ Arvier nói.

"Cuộc phẫu thuật sẽ bao gồm việc sửa lại vành hốc mắt. Sau đó, phần mô bị mất sẽ được thay bằng cơ lấy từ dưới xương gò má và cạnh đầu".

Da được lấy từ tay sẽ được dùng để cấy ghép vào mặt và một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ sẽ sử dụng sụn từ tai để dựng lại mũi cho Mohamed. Sau đó, công tác chỉnh sửa răng toàn diện sẽ được thực hiện để tìm lại nụ cười bình thường cho cô.
 
Nói qua tấm khăn trùm đầu, Mohamed đã bày tỏ sự tự tin vào nhóm bác sĩ phẫu thuật. "Tôi rất tin tưởng. Tôi không lo lắng gì cả".
 
Mohamed sẽ trải qua cuộc phẫu thuật vào cuối tuần này.
Mohamed sẽ trải qua cuộc phẫu thuật vào cuối tuần này.

Bà Ismail nói thêm: "Cô ấy là một phụ nữ dũng cảm. Cô ấy đã sống với gương mặt như vậy quá lâu rồi... Cô ấy khá thoải mái trước cuộc phẫu thuật".

Bà Ismail lần đầu được nghe về câu chuyện của Mohamed khi mẹ cô tới bệnh viện của bà vài lần để tìm kiếm sự trợ giúp. Khi đó, Bệnh viện đại học Edna Adan mới mở cửa được hơn 1 năm và không có đủ khả năng để xử lý các vấn đề phức tạp của Mohamed.

Ismail đã nói với nhiều người về các vết thương của Mohamed và một trang web đã được xây dựng. Các bức ảnh về Mohamed đã được chụp. Và kể từ khi các hình ảnh được tải lên Youtube hồi năm 2009, một video kêu gọi sự trợ giúp cho Mohamed đã thu hút hơn 2 triệu người xem.

2 năm trước, một nhóm từ thiện tại Úc đã gặp Mohamed và hứa sẽ đưa cô tới Úc để phẫu thuật. Nhưng điều đó không hề dễ dàng.

Không có dịch vụ bưu chính tại Somaliland, vì vậy một điều đơn giản như gửi một bức thư cũng cần sự trợ giúp từ bên ngoài. Và lúc cần phải đi, Mohamed phải di chuyển hàng trăm km tới thủ đô Addis Ababa của Ethiopia để kiểm tra và chụp cắt lớp.

Và khi các khó khăn về y tế dường như đã được giải quyết ổn thỏa thì chính phủ Úc lại từ chối đơn xin visa của Mohamed. Úc là quốc gia thứ 2 từ chối cấp visa cho cô vì các vết thương dường như không đe dọa tới tính mạng.

"Vì đây không phải là bệnh ung thư, bệnh tim hoặc một căn bệnh có thể giết chết cô ấy ngay tức thì. Tôi đoán rằng ai đó có thể đánh giá tình trạng không đe dọa tới tính mạng", bà Ismail nói.

"Nhưng khi khi bạn là một phụ nữ trẻ, điều gì đe dọa tính mạng hơn là không có gương mặt bình thường?", bà Ismail nhấn mạnh.

"Lời từ chối visa đầu tiên là từ Mỹ và điều đó thật khó khăn. Khi visa bị từ chối lần thứ 2 tại Úc, chúng tôi nghĩ không ai sẽ có đủ can đảm để nói điều này với Mohamed", Ismail nói.

Cuối cùng, Úc cũng đã cấp visa cho Mohamed để cô tới Bisbane.

Mohamed sẽ trải qua cuộc phẫu thuật vào thứ 7 này. Quá trình bình phục có thể mất nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng. Khi các vết sẹo lành, Mohamed hi vọng có thể để mặt trần nhìn thế giới lần đầu tiên mà không phải che giấu.

"Cô ấy nói cô ấy mong chờ để được bỏ khăn trùm mặt và có gương mặt giống tất cả những người khác", bà Ismail nói.

Trần Hải
Tổng hợp