Bỗng dưng thành thiên tài toán học vì bị… hành hung

(Dân trí) - Anh Jason Padgett, 41 tuổi, nhân viên kiểm toán tại một cửa hàng nội thất tại Tacoma, Washington (Mỹ) bỗng chốc trở thành… thiên tài toán học sau khi bị một chấn thương ở đầu.

Bỗng dưng thành thiên tài toán học vì bị… hành hung

Jason Padgett
Kể từ sau “biến cố” đó, khi thấy bất cứ vật gì, Jason cũng có thể nhìn ra các công thức toán học và biến chúng thành các biểu đồ phức tạp đến không ngờ. Được biết, anh là người duy nhất trên thế giới có khả năng đặc biệt đó và theo các chuyên gia, chính vết thương ở não đã bỗng chốc biến anh thành một thiên tài toán học.
Anh Padgett chia sẻ: “Tôi bị ám ảnh bởi các con số, đặc biệt là hình học. Thậm chí, tôi còn mơ về chúng”. Mặc dù sở hữu khả năng đặc biệt thông minh như vậy, anh Padgett không hề có bằng cấp nào, ngay cả những kiến thức toán học nền tảng. Tuy nhiên, cuộc đời anh đã bước sang một trang mới sau một “tai nạn” xảy ra cách đây 10 năm.
 
Trước đây, anh Padgett chỉ yêu thích duy nhất hai điều, đó là, làm việc và tiệc tùng. Nhưng, vào một đêm, khi đang tới một CLB karaoke tại Tacoma thì anh bị một nhóm côn đồ hành hung và đánh liên tiếp vào đầu. “Tất cả những gì tôi nhìn thấy chỉ là một luồng sáng trắng. Sau đó, tôi gục ngã trên sàn và nghĩ rằng tôi sẽ bị giết”, anh Padgett nhớ lại.
Bỗng dưng thành thiên tài toán học vì bị… hành hung
Với Padgett, mọi thứ giờ đây đều được nhìn dưới dạng... toán học


Ngày đó, các bác sỹ kết luận rằng anh đã thoát khỏi bàn tay tử thần và hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong vòng hai ngày sau, Padgett bắt đầu có những biểu hiện khác thường. Từ một người không hề biết vẽ, anh lại có thể tự tay vẽ lại những biểu đồ toán học rất phức tạp. Anh cho biết: “Tôi nhìn thấy định lý Pitago ở mọi nơi. Mỗi đường cong, đường xoắn và cây cối, đồ đạc đều trở thành một phần của phương trình toán học phức tạp”.
 
Những biểu đồ mà anh Padgett vẽ ra được gọi là phân hình. Anh giải thích: “Một hình khối được tách vẽ ra thành nhiều mảnh ghép, mỗi mảnh ghép đều tương đồng nhau. Vì vậy, nếu tôi có 1000 bức ảnh khác nhau, tôi có thể dễ dàng xếp chúng vào đúng vị trí để tạo nên một vật thể lớn hơn, nhưng có hình dạng giống với 1.000 bức ảnh nhỏ”.
 
Để hiểu rõ hơn về cách hoạt động của não anh Padgett, giáo sư Berit Brogaard đến từ trường đại học Missouri-St và các cộng sự đã đưa anh tới Phần Lan để tiến hành hàng loạt các cuộc kiểm tra trí lực. Một hình ảnh scan cho thấy não bộ của anh Padgett đã bị chấn thương nặng nhưng một số vùng lại được phục hồi một cách khác thường. Từ đó, anh có thể tiếp cận được sức mạnh lớn nhất của não bộ, điều mà không phải ai cũng có khả năng.

Trong tương lai, anh Padgett mong muốn, với khả năng “bỗng dưng mà có” của mình, anh sẽ trở thành một giảng viên toán học. Theo giáo sư Berit, hội chứng bác học là sự phát triển của một khả năng đặc biệt, có thể là toán học, không gian hay tự kỷ tới một mức độ cực đại và biến một người thành “siêu nhân”.

Bùi Huyền
Theo DM