Những điều sếp không ưa ở bạn

Nếu bạn mắc một trong những lỗi dưới đây, thì chắc rằng bạn đã nằm trong danh sách đen của sếp rồi đấy!

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

“Cá mè một lứa”
Việc bạn tự do ngôn luận hay thoải mái trong các mối quan hệ với sếp hay đồng nghiệp trong văn phòng là một việc bình thường, nhưng sẽ là bất thường nếu bạn sử dụng nó một cách “quá liều”.

Sẽ chẳng có ông chủ nào cảm thấy thú vị khi một nhân viên quàng vai bá cổ sếp và bla…bla…những chuyện huyên thuyên dù đó có là công việc mà cả hai người đang bàn luận đi chăng nữa, câu nói xuất hiện trong đầu sếp khi bạn khoác vai ông ấy đó là “Hãy bỏ cái tay cậu ra khỏi vai tôi, chúng ta không bằng vai phải lứa!”. Một điểm trừ to tướng cho năng lực và cách giao tiếp của bạn!

Nghỉ phép liên tục với muôn vàn lý do

Tất nhiên nếu việc nghỉ phép của bạn là chính đáng và không làm ảnh hưởng đến công việc chung thì sẽ chẳng sếp nào trách cứ về bạn. Bởi ai cũng hiểu ngoài công việc, chúng ta còn rất nhiều những mối quan hệ cá nhân với gia đình, bạn bè và xã hội. Nhưng không phải vì thế mà bạn liên tục kiếm cớ “bận vì…” những lý do không thể không nghỉ (dù đó là dối trá), việc bạn nghỉ việc dài ngày sẽ ảnh hưởng đến công việc của công ty. Bạn phản đối rằng bạn nghỉ không làm ảnh hưởng đến ai ư? Vậy công ty tuyển dụng bạn đến làm việc hay để chơi?

Những thói xấu khó bỏ

Ăn uống nhai nhồm nhoàm, phát ra tiếng kêu, ăn mặc luộm thuộm, người bốc mùi, đầu bù tóc rối, xung quanh bàn làm việc luôn có đồ ăn thừa, rác thải, bã trà, bã café…đủ thứ mất vệ sinh bao vây lấy bạn khiến bạn giống như một “đống rác” hơn là một nhân viên mẫn cán.

Việc giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh chung công ty, tuân thủ những quy tắc như không hút thuốc trong văn phòng, biết cách “học ăn-học nói-học gói-học mở” luôn được mọi người yêu quý. Vả lại, bạn cũng không còn là một đứa trẻ để đồng nghiệp suốt ngày phải lên tiếng nhắc nhở những chuyện nhỏ nhặt như vậy đúng không nào?

Mang cả việc cá nhân lên công ty

Có rất nhiều chị em văn phòng kiếm thêm bằng nghề tay trái như buôn bán rau củ quả, quần áo, mỹ phẩm…Nhiều người vô ý khi mang cả hàng hóa lên tiếp thị với các chị em trong văn phòng. Một lần, hai lần thì sếp sẽ bỏ qua, nhưng nếu bạn vẫn vô duyên không biết điểm dừng thì bạn thực sự sẽ gây khó chịu cho sếp đấy!

Chẳng có sếp nào muốn văn phòng công ty thành cái chợ cả, vả lại việc bạn mang việc riêng lên công ty điều đó càng chứng tỏ bạn “hai mang” và không quan tâm đến công việc chính mà mình đang phụ trách.

Than thở

Gặp phải mẫu nhân viên suốt ngày than thở thì sếp nào cũng phát bực, vì dường như họ không bao giờ thỏa mãn với công việc và các chế độ của công ty, dù cho quy định “thưởng-phạt” trong công ty rất đúng quy chế, những nhân viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ luôn có những phần thưởng xứng đáng.

Nếu họ là nhóm được khen ngợi và có phần thưởng thì những người này vẫn không thôi phàn nàn vì thưởng ít quá, quy định nghiêm ngặt quá…bất cứ thứ gì khiến họ có thể than thở là lập tức họ phát bài ca “ỉ ôi” đến sốt ruột!

Những mẫu nhân viên này có thể là những người làm rất được việc nhưng chỉ vì cái tật hay than thở khiến họ trở nên xấu xí trong mắt sếp!

“Tam sao thất bản”

Đây là một trong những thói xấu công sở đã tồn tại bao nhiêu năm mà chưa có phương pháp phòng ngừa. Một việc nho nhỏ của một cô A, sau khi đến tai ba người khác thì đã hóa thành chuyện “long trời lở đất” mà hoàn toàn không có kiểm chứng xác thực. Kì lạ thay là dân công sở nhiều khi rất hay tin vào những lời đồn đại thiếu kiểm chứng đó và buôn chuyện nhiệt tình, phụ họa làm cho câu chuyện hư cấu trở nên sống động đến không ngờ. Những mẫu nhân viên thích buôn chuyện và phóng đại sự việc luôn là típ người làm sếp khó chịu nhất!
Theo Một thế giới/Công luận