Đừng giận mất khôn

“Ngồi yên đó, đừng đi đâu, đừng làm gì, uống một ly nước mát...”. Phải công nhận lời khuyên của bà xã thật hiệu nghiệm. Cơn giận từ từ dịu xuống. Mình bắt đầu nhớ lại mọi chuyện.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
Từ thư khiếu nại của khách hàng, mình đã điều tra ra một đường dây chuyên ém nhẹm hàng khuyến mãi dành cho khách hàng để bán ra ngoài. Trước chứng cứ rõ ràng, mình chỉ muốn tống cổ ngay tay trưởng bộ phận. Tại sao hưởng lương hậu hĩnh như vậy mà không hết lòng, hết sức phục vụ? Lòng trung thực, sự tận tụy đặt ở đâu? Trưởng bộ phận mà như vậy thì nhân viên dưới quyền còn tệ đến cỡ nào? Tốt nhất là thay thế toàn bộ nhân viên ở đó, bất kể có liên quan hay không...

Mình đã quyết như thế, trưởng phòng nhân sự cũng đồng tình. Thế nhưng, khi kể với bà xã thì cô ấy can ngăn: “Anh không được làm như thế. Oan có đầu, nợ có chủ, ai làm nấy chịu; sếp làm thì xử nặng hơn”. Nhưng mình vẫn tức muốn phát điên. Chắc chắn là cả đám ấy thông đồng với nhau để lấy cắp. Số hàng hóa ấy dẫu trị giá không lớn nhưng niềm tin với khách hàng bị sụp đổ thì lấy gì bù đắp đây? “Chúng tôi không ngờ một công ty lớn, danh tiếng mà lại lừa dối khách hàng...” - trong thư khiếu nại, khách hàng đã nặng nề như vậy.

Đành rằng trong hoạt động kinh doanh, đôi khi không thể tránh được sai sót nhưng nếu do điều kiện khách quan, ngoài ý muốn thì khác, đằng này lại có người chủ ý làm sai thì nhất định phải xử, mà xử thật nặng để răn đe. “Không được đâu. Nghe lời em, bình tĩnh. Nhất định là không được đuổi hết cả bộ phận. Anh hãy ngồi im đó, đừng đi đâu, đừng làm gì cho đến lúc cơn giận qua đi...” - bà xã lại nhắc.

Mình rót ly nước. Một ngụm, hai ngụm rồi cạn ly. Cái đầu bỗng dịu đi. Có lẽ bà xã mình nói đúng. Không nên giăng buồm ra khơi khi trời đang giông tố. Mình đã bình tĩnh lại rồi. Oan có đầu, nợ có chủ, ai làm nấy chịu. Những nhân viên không liên can sẽ ở lại, còn những ai gian trá sẽ phải ra đi...
Theo Báo Người lao động