"Xử nghiêm minh những vụ gây bức xúc như VN Pharma mới đem lại niềm tin"

(Dân trí) - Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên cho biết, với những vụ việc sai phạm, tiêu cực, gây bất bình trong nhân dân, chỉ thị chung của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là các cơ quan chức năng phải vào cuộc điều tra, thanh tra làm rõ, đi đến cùng và xử lý nghiêm sai phạm.


Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên thông tin, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các vụ việc tiêu cực là phải xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị sai phạm.

Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên thông tin, tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các vụ việc tiêu cực là phải xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị sai phạm.

Trao đổi sáng 5/9, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Nguyễn Văn Nên thông tin, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không có chỉ đạo cụ thể về vụ VN Pharma nhưng tinh thần chung người đứng đầu Đảng thường nhắc nhở là phải xử lý nghiêm các cá nhân, đơn vị sai phạm.

Theo Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, hiện nay tất cả những vụ việc tham nhũng, tiêu cực đều thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống tham nhũng theo kế hoạch. Còn những vụ việc phát sinh thì làm đúng theo chức năng, thẩm quyền, các nơi phải vào cuộc theo chức trách, nhiệm vụ được giao.

Ông Nên cũng cho rằng, trong vụ việc cấp phép cho VN Pharma nhập thuốc H-Capita, Chính phủ đã vào cuộc quyết liệt, giao Thanh tra Chính phủ vào cuộc rồi. Còn việc nào thuộc thẩm quyền của các cơ quan tố tụng thì các cơ quan này xem xét, xử lý đúng theo quy định pháp luật, công tâm, khách quan, đúng người, đúng tội.

Chánh Văn phòng Trung ương Đảng phân tích, theo thẩm quyền, vụ việc này, thuộc chức năng của cơ quan quản lý nhà nước làm. Nội dung nào trong vụ việc thuộc thẩm quyền cơ quan điều tra thì cơ quan này cũng mở rộng điều tra, vấn đề nào cần thanh tra thêm thì Chính phủ đang chỉ đạo thanh tra làm rõ.

“Có xử lý nghiêm minh các vụ việc còn gây bức xúc nhân dân mới đem lại niềm tin vào sự quyết liệt của Đảng, Chính phủ trong xử lý các vụ việc vi phạm” - ông Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Trước đó, thông tin về sự việc, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cũng nói về quan điểm chỉ đạo, cương quyết kiểm tra sự thật, làm rõ các vấn đề, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói là không có vùng cấm trong xử lý tiêu cực.

Theo đó, lãnh đạo Chính phủ cũng đã giao Thanh tra Chính phủ thanh tra không chỉ riêng việc cấp phép lô thuốc H-Capita của VN Pharma mà xem xét chung cả việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc của Bộ Y tế để thông tin minh bạch, rõ ràng, công bố với dư luận, người dân.

Được biết, dự kiến trong tuần này, Thanh tra Chính phủ sẽ công bố quyết định thanh tra Bộ Y tế về việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc ở Bộ Y tế như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vụ sai phạm tại VN Pharma xảy ra từ cuối năm 2013. Tháng 12 năm đó, Cục Quản lý dược Bộ Y tế cấp phép nhập khẩu lô thuốc hơn 9.000 hộp thuốc H-Capita 500mg Caplet (gần 280.000 viên thuốc) với thông tin là thuốc do công ty Helix Pharmaceutiacals Inc, Canada sản xuất sau khi đã tổ chức thẩm định thuốc này với sự tham gia của 10 chuyên gia.

Tuy nhiên, sau khi cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký cho thuốc này, Bộ Y tế lại nghi ngờ khi thấy giá thuốc H-Capita kê khai trúng thầu tại TPHCM thấp hơn nhiều các thuốc cùng loại được sản xuất. Bộ Y tế khẳng định đã cho tạm ngừng đưa thuốc ra thị trường.

Vụ việc được chuyển sang cơ quan điều tra sau đó với nhiều giấy tờ cung cấp về nguồn gốc, xuất xứ thuốc bị làm giả. Đến cuối tháng 8 năm nay, 2017, vụ án được TAND TPHCM đưa ra xét xử với bản án 12 năm tù giam tuyên phạt với người lãnh đạo cao nhất của doanh nghiệp về tội “Buôn lậu” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”.

Sau phiên xử, dư luận dấy lên nhiều câu hỏi bức xúc về vấn đề xác định thuốc H-Capita là thuốc kém chất lượng như khẳng định của Bộ Y tế hay là thuốc giả, “không thể sử dụng cho người” như xác định của cơ quan công an; xác định tội danh “buôn lậu” hay phải là tội “sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh”; xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc cấp phép cho loại thuốc này…

Dư luận cũng đặt nghi ngờ về vấn đề quan hệ thân hữu chi phối khi VN Pharma là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dược mới thành lập năm 2011 mà nhanh chóng phủ rộng thị trường, trúng thầu hàng loạt đơn hàng lớn cung cấp thuốc cho những bệnh viện đầu ngành thuộc Trung ương.

Trả lời báo chí về vụ Pharma, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định VN Pharma là công ty nhỏ, gia đình bà cũng không có ai tham gia trong công ty.

Sau đó, nguyên Tổng Giám đốc VN Pharma – bị cáo Nguyễn Minh Hùng cho biết, em chồng của Bộ trưởng Tiến là Phó Tổng Giám đốc doanh nghiệp này.

Nói lại về việc này, lãnh đạo Bộ Y tế giải thích, Bộ trưởng “không nói có em chồng làm việc tại doanh nghiệp chứ không nói là không làm”. Theo quy định luật Phòng chống tham nhũng, khái niệm “người thân” của người đảm nhiệm chức vụ chỉ khuôn trong các đối tượng như bố/mẹ, vợ/chồng, con chứ không phủ tới các đối tượng như em chồng.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, trước đó bà có nói gia đình không liên quan đến hoạt động của công ty VN Pharma vì thực tế Luật Phòng, chống tham nhũng không cấm em chồng tham gia công ty thuộc lĩnh vực có người thân quản lí, nên việc này là không vi phạm. Theo luật thì em chồng tham gia công ty nào đó là quyền cá nhân.

Bộ trưởng Tiến cũng cho biết, em chồng bà tham gia công ty VN Pharma 10 tháng và nghỉ sau khi công ty xảy ra sự việc bị cơ quan chức năng xác minh làm rõ vụ nhập thuốc ung thư. Vẫn theo Bộ trưởng, em chồng bà "không phụ trách gì liên quan đến lĩnh vực đấu thầu thuốc hay lĩnh vực dược".

Các báo cáo, thông tin của Bộ Y tế đưa ra về vụ việc này cũng đều khẳng định Bộ Y tế, Cục Quản lý dược đã làm đúng trách nhiệm, chủ động phát hiện, báo cáo các vấn đề. Dù vậy, không hài lòng với báo cáo của Bộ, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu làm rõ trách nhiệm, giao Thanh tra Chính phủ thanh tra việc cấp phép nhập khẩu, cấp đăng ký thuốc tại Bộ, không chỉ trong vụ việc này.

P.T