Xây dựng chiến lược bảo vệ tổ quốc khi diễn biến Biển Đông căng thẳng hơn

(Dân trí) - Diễn biến trên Biển Đông là một trong những yếu tố được nhấn mạnh tác động tới kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm qua (2011 - 2015). 5 năm tới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền còn rất nặng nề khi diễn biến trên Biển Đông có thể sẽ căng thẳng, gay gắt, phức tạp hơn…

Báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm do Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư Bùi Quang Vinh thay mặt Chính phủ, Thủ tướng ký gửi Quốc hội ngày 16/3 nêu nhận định, tình hình phức tạp, căng thẳng trên Biển Đông đe dọa nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Điều đó cũng khiến cả nước phải dành nhiều nguồn lực để bảo đảm quốc phòng, an ninh và bảo vệ chủ quyền đất nước trước những động thái mới của tình hình khu vực và quốc tế.

5 năm qua, nền quốc phòng toàn dân ngày càng được củng cố và phát triển. Tiềm lực quốc phòng, an ninh, sức mạnh tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội nhân dân, công an nhân dân được nâng lên.

Sự kết hợp chặt chẽ quốc phòng, an ninh với hoạt động đối ngoại đã đạt được kết quả tích cực trong đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh chính trị, ổn định xã hội của đất nước; vận động và tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ rộng rãi của cộng đồng quốc tế đối với lợi ích chính đáng của đất nước trong vấn đề biển Đông.

Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ rõ hạn chế, sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh chưa thật chặt chẽ. Tiềm lực quốc phòng, an ninh chưa đáp ứng được yêu cầu. Bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức. Công tác quản lý một số lĩnh vực còn bộc lộ nhiều sơ hở do chính sách thiếu đồng bộ; kiểm tra, xử lý chưa nghiêm, chưa triệt để, như: lĩnh vực tài nguyên, rừng, đất, nước, khoáng sản...

5 năm tới, cơ quan tham mưu dự báo, nhiệm vụ bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ còn rất nặng nề. Diễn biến trên Biển Đông có thể sẽ căng thẳng, gay gắt, phức tạp hơn. Các thế lực thù địch tiếp tục chống phá quyết liệt, tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định chính trị - xã hội.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trở lại Nhà Quốc hội bắt đầu kỳ họp thứ 11 sau lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu buổi sáng nay (ảnh: Việt Hưng).
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trở lại Nhà Quốc hội bắt đầu kỳ họp thứ 11 sau lễ viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh đầu buổi sáng nay (ảnh: Việt Hưng).

Bên cạnh đó, thể chế kinh tế thị trường, chất lượng nguồn nhân lực, kết cấu hạ tầng vẫn là những điểm nghẽn cản trở sự phát triển của nền kinh tế. Tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí,… chưa được đẩy lùi làm giảm hiệu lực và hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước.

Tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia vẫn là mục tiêu cơ bản cần đảm bảo.

Các giải pháp được đề xuất là phát triển mạnh các ngành kinh tế biển gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia và nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các ngành khai thác, chế biến dầu khí; cảng biển, đóng và sửa chữa tàu biển, vận tải biển; khai thác và chế biến hải sản, các dịch vụ hậu cần nghề cá; du lịch biển, đảo.

Việc thực hiện tốt chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới là nhiệm vụ được nhấn mạnh. Theo đó, cả nước cần tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội và môi trường hòa bình để xây dựng, bảo vệ đất nước; tăng cường nắm tình hình, dự báo an ninh chiến lược, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống...


Tuần tra bảo vệ chủ quyền trên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường sa, Việt Nam. (Ảnh: Đại đoàn kết)

Tuần tra bảo vệ chủ quyền trên đảo Song Tử Tây, quần đảo Trường sa, Việt Nam. (Ảnh: Đại đoàn kết)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khai mạc kỳ họp thứ 11.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khai mạc kỳ họp thứ 11.

Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 11, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII trong lúc toàn Đảng, toàn dân và toàn quân đang tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, chuẩn bị các điều kiện cần thiết bảo đảm tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2020.

Lần này, Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo tổng kết nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, các các cơ quan của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán nhà nước.

Và một công việc cần tiến hành cuối nhiệm kỳ khoá XIII này là xem xét, quyết định việc miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn một số nhân sự cấp cao của Nhà nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, việc kiện toàn bộ máy nhân sự của nhà nước, xem xét kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm tới là những nội dung quan trọng của kỳ họp 11.

“Trong kỳ họp cuối cùng này, trọng trách của Quốc hội thật nặng nề, trách nhiệm thật lớn lao nên cần chuẩn bị tốt nội dung, bảo đảm thực hiện tốt chương trình nghị sự. Mỗi đại biểu Quốc hội cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng” – Chủ tịch Quốc hội nói.

P.Thảo