Vụ “sinh viên hoạt động mại dâm 4 lần”: Không phải lần đầu Bộ GD-ĐT gặp sự cố!

(Dân trí) - Phó Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phạm Tất Thắng nêu nhận định, đây không phải lần đầu tiên một dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD-ĐT nhận phản ứng trái chiều gay gắt của dư luận. Cần xem lại quy trình, không để tiếp diễn tình trạng văn bản bị phản ứng như vậy…

- Ông đánh giá thế nào về việc Bộ GD-ĐT công bố dự thảo thông tư về quy chế với sinh viên cao đẳng, đại học ngành sư phạm có nội dung phản cảm “hoạt động mại dâm đến lần thứ 4 thì bị đuổi học” đang gây phản ứng gay gắt trong dư luận 2 ngày qua?

- Trước hết, theo tôi, dự thảo là một văn bản chuẩn bị để lấy ý kiến, do một đơn vị chức năng của Bộ làm. Trong quá trình lấy ý kiến, có sự phản hồi trở lại từ dư luận xã hội, các chuyên gia, Bộ GD-ĐT đã kịp thời rút dự thảo đó khỏi website đã công bố thì đó là hướng xử lý hợp lý, thể hiện sự cầu thị.

Việc ban hành dự thảo văn bản như thế có những hạn chế nhất định về mặt kỹ thuật, rõ ràng là không nên vì dù là dự thảo nhưng đã đến khâu đưa ra công bố trên website của Bộ thì đáng ra phải được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, tương đối hoàn thiện rồi, ít nhất là không để có sự mâu thuẫn với những văn bản quy phạm pháp luật khác, những quy định đã có trước đó. Tôi cho rằng đây là việc cơ quan quản lý cần lưu ý, rút kinh nghiệm.


Đại biểu Phạm Tất Thắng trao đổi về vụ việc bên hành lang Quốc hội chiều 30/10 (Ảnh: Như Phúc)

Đại biểu Phạm Tất Thắng trao đổi về vụ việc bên hành lang Quốc hội chiều 30/10 (Ảnh: Như Phúc)

- Dư luận đang đặt vấn đề, quy định này được đề xuất với sinh viên sư phạm nhưng thực tế hiện nó đã được áp dụng với sinh viên chính quy ở các ngành nghề khác, trong văn bản quy định từ 2016. Ông nghĩ thế nào về việc này?

- Hiện tôi thấy ý kiến của một số chuyên gia phân tích về mặt pháp lý rằng quy định như trong dự thảo là không phù hợp. Trước hết, với hành vi “hoạt động mại dâm” thì đến lần thứ 4, sinh viên vi phạm mới bị đuổi học, các lần vi phạm trước có các hình thức xử lý khác và mỗi lần kỷ luật đưa ra như thế đều phải công khai. Như vậy việc này sẽ dẫn đến vấn đề vi phạm quyền con người vì pháp luật hiện hành không quy định người có hành vi mua bán dâm bị phát hiện sẽ bị công khai, nhất là trong môi trường trường học.

Thực tế, pháp lệnh về xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi “hoạt động mại dâm” cũng được quy định hình thức xử lý là hành chính. Với môi trường đặc biệt là tại cơ sở đào tạo sinh viên sư phạm, “lỗi” này được xem là rất đặc biệt vì nó liên quan đến vấn đề đạo đức, liên quan đến tư cách của một người sẽ trở thành người thầy trong tương lai. Vậy nên quy định đó, dù mới chỉ ở dạng dự thảo cũng không phù hợp, cần có sự cân nhắc.

Trong môi trường sư phạm, tôi cho rằng người có hành vi vi phạm như thế dù chỉ một lần cũng không đủ tư cách để học, để trở thành người thầy trong tương lai. Vậy nên mức xử lý hành chính trong môi trường này phải rất cao, mang tính răn đe nghiêm khắc, để có thể lựa chọn được những người đủ phẩm chất đạo đức, làm được nghề rất đặc thù này.

- Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có quy trình được quy định chặt chẽ, cụ thể. Dư luận nghi ngờ, có lỗ hổng, có sự tắc trách của lãnh đạo Bộ GD-ĐT trong trường hợp này nên mới để lọt nội dung gây phản cảm như vậy trong dự thảo quy chế áp dụng với sinh viên sư phạm?

- Ở đây, quy trình xây dựng văn bản quản lý, điều hành là chuyện nội bộ của Bộ GD-ĐT. Nhưng khi một văn bản đã đưa ra để lấy ý kiến xã hội thì phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, cả về nội dung, về hình thức. Vấn đề “lỗ hổng” đặt ra trong trường hợp này có cả chuyện cấp nào có thẩm quyền cho phép công bố dự thảo văn bản với toàn xã hội.

Mà đây không phải là lần đầu tiên một dự bảo văn bản quy phạm pháp luật của Bộ GD-ĐT nhận được phản ứng trái chiều gay gắt của dư luận thì Bộ cần hết sức cẩn trọng. Rõ ràng là cần phải xem lại quy trình của Bộ xem đã thực sự phù hợp chưa, không để tiếp diễn tình trạng văn bản khi đưa ra thì nhận phản ứng, ném đá như vậy.

- Như ông đã nói, trong 2 năm liên tiếp, Bộ GD-ĐT đã gặp 2 “sự cố” về ban hành văn bản, lần trước là việc quy định về thu “học giá”, giờ lại đến văn bản quy định sinh viên hoạt động mại dâm 4 lần thì bị đuổi học. Việc đó nói lên điều gì?

- Tôi đã nói đó, những văn bản khi đã ra lấy ý kiến dư luận xã hội thì đáng ra đã phải được chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung, hình thức, thực hiện đúng quy trình để đảm bảo chất lượng văn bản khi đưa ra với xã hội. Sự cố này không phải lần đầu thì cần xem xét lại quy trình để tránh hiện tượng mắc “lỗi” tương tự trong tương lai.

- Trách nhiệm của lãnh đạo bộ này thế nào trong việc xây dựng thể chế - một trong những nhiệm vụ đáng ra cần phải coi là quan trọng bậc nhất với người làm công tác quản lý nhà nước với lĩnh vực này?

- Quy trình, thẩm quyền, trách nhiệm là công việc của Bộ nhưng khi việc này đã không phải là lần đầu tiên “mắc” thì có lẽ Bộ phải xem lại quy trình của mình xem thực sự nó đã phù hợp hay chưa, việc kiểm soát chất lượng văn bản xây dựng đã được chú trọng đúng mức hay chưa.

- Là người đại diện của UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng - cơ quan giám sát lĩnh vực giáo dục đào tạo, ông có cho thêm một “điểm trừ” đối với Bộ GD-ĐT nói chung cũng như lãnh đạo bộ này nói riêng sau liên tiếp những “sự cố” xảy ra với Bộ?

- Không nên vì một sự việc cụ thể mà đánh giá kết quả hay cố gắng của một Bộ, ngành với lĩnh vực quản lý của mình. Tuy nhiên, việc ban hành văn bản quản lý với một đơn vị quản lý mà sai sót như vậy là việc không nên.

- Xin cảm ơn ông!

P.Thảo