Vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế

(Dân trí) - “Chuyến thăm chính thức tới Đức và Hà Lan của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc tốt đẹp và đạt kết quả cụ thể trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G20 cho thấy vai trò và vị thế của ta đang ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế và khu vực”.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh như vậy khi trao đổi về chuyến thăm và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức và thăm Vương quốc Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 5-11/7/2017 vừa qua.

- Xin Thứ trưởng cho biết kết quả của thăm chính thức làm việc tại Cộng hoà Liên bang Đức (CHLB Đức) và Vương quốc Hà Lan của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc?

- Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn: Nhận lời mời của Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Chính phủ Việt Nam đã thăm chính thức làm việc tại CHLB Đức và Vương quốc Hà Lan từ 5-11/7/2017 nhân dịp dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức). Chuyến thăm đã thành công, rất tốt đẹp.

Đây là chuyến thăm Tây Âu đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trên cương vị Thủ tướng Chính phủ. Nhìn tổng thể chuyến thăm Đức và Hà Lan của Thủ tướng đạt kết quả cụ thể trên tất cả các lĩnh vực. Bạn đón tiếp trọng thị, thân tình và cũng rất thực chất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm chính thức (ảnh: VGP)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Đức Angela Merkel trong chuyến thăm chính thức (ảnh: VGP)

- Việc Thủ tướng Đức mời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị thượng đỉnh G20 với tư cách chủ nhà APEC 2017, thể hiện sự coi trọng về vai trò và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, thưa Thứ trưởng?

- Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra tại thành phố Hamburg - Đức, với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”. Hội nghị Thượng định G20 đã thảo luận nhiều vấn đề quan trọng của kinh tế và quản trị toàn cầu. Kết thúc Hội nghị, các nước G20 đã thông qua Tuyên bố chung và nhiều văn kiện.

Việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G20 lần này cho thấy vai trò và vị thế của ta đang ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế và khu vực.

Tại Hội nghị cũng như trong các cuộc hội đàm, tiếp xúc, Đức và các nước G20 đánh giá cao Việt Nam, ngoài việc Việt Nam là chủ nhà APEC 2017 và có vị thế trong APEC và ASEAN, đồng thời Việt Nam có nền kinh tế, chính trị ổn định, nền kinh tế phát triển năng động và mong muốn Việt Nam đóng góp vào hội nghị.

- Theo Thứ trưởng, những đóng góp của Việt Nam tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 có tác động thế nào đối với Năm APEC 2017?

- Việt Nam đã có những đóng góp rất tích cực vào Hội nghị. Trên cương vị chủ nhà APEC 2017, từ đầu năm, chúng ta đã chủ động xây dựng, triển khai kế hoạch tổng thể về tham dự các hoạt động của G20 nhằm góp phần nâng cao vị thế, thúc đẩy các ưu tiên và lợi ích của Việt Nam, đồng thời đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề quan tâm của cộng đồng quốc tế.

Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tư cách là diễn giả chính đã có bài phát biểu quan trọng (ảnh: TTXVN)
Tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tư cách là diễn giả chính đã có bài phát biểu quan trọng (ảnh: TTXVN)

Chúng ta đã tích cực tham dự và đóng góp ý kiến tại hầu hết các hội nghị quan trọng của G20 trong năm 2017 như các hội nghị Bộ trưởng trong các lĩnh vực ngoại giao, tài chính-ngân hàng, nông nghiệp, số hóa, lao động, các hội nghị quan chức cao cấp (Sherpa), các cuộc họp nhóm công tác chuyên ngành và một số diễn đàn quan trọng của G20 như Diễn đàn Phụ nữ G20 (W20), Diễn đàn Kinh doanh G20 (B20)…

Trong phiên hai, Hội nghị dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bài phát biểu chính. Thủ tướng đã nêu rất cụ thể về phát triển bền vững, kinh nghiệm của Việt Nam trong việc xây dựng và triển khai việc thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 và kế hoạch của Việt Nam ứng phó biến đổi khí hậu.

Thủ tướng chia sẻ những ưu tiên của Việt Nam trong Năm APEC 2017, nhất là về vấn đề thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư không chỉ khu vực châu Á – Thái Bình Dương mà là toàn cầu.

Tại đây, phía bạn cũng mời Thủ tướng phát biểu tại phiên 4 về Số hóa, trao quyền cho phụ nữ và Việc làm và Thủ tướng cũng đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm của Việt Nam cũng như kế hoạch thúc đẩy ưu tiên của ALEC 2017, hướng tới tạo việc làm nhiều hơn, phát triển đồng đều, bền vững, không chỉ khu vực châu Á- Thái Bình Dương mà ở trên phạm vi toàn cầu.

- Việt Nam đã tạo ấn tượng tốt tại Hội nghị G20, đây là yếu tố thuận lợi để Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế tại các diễn đàn đa phương quan trọng, thưa Thứ trưởng?

- Sự tham gia tích cực và hiệu quả của Đoàn Việt Nam tạo được ấn tượng tốt đối với G20 và góp phần nâng cao vị thế Việt Nam tại Hội nghị. Đặc biệt, Thủ tướng đã đề nghị G20 xây dựng Khuôn khổ toàn cầu mới về thúc đẩy tự do thương mại, chuyển giao công nghệ các sản phẩm, dịch vụ kỹ thuật số và xem xét thành lập Diễn đàn toàn cầu về khởi nghiệp để trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, thực tiễn tốt về khởi nghiệp sáng tạo.

Việt Nam đã tích cực tham gia thảo luận, xây dựng Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh G20. Nhiều ý kiến đóng góp có trách nhiệm và mang tính xây dựng của Việt Nam đã được G20 ghi nhận trong Tuyên bố chung như đề cao hợp tác quốc tế, phối hợp hành động toàn cầu và khu vực trong xử lý các vấn đề chung của kinh tế thế giới, phát triển bền vững, sử dụng bền vững nguồn nước, phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn: Việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G20 lần này cho thấy vai trò và vị thế của ta đang ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế và khu vực.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn: "Việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị G20 lần này cho thấy vai trò và vị thế của ta đang ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế và khu vực".

Chúng ta cũng phối hợp thúc đẩy lợi ích và quan tâm chung của các nước đang phát triển trong những vấn đề nghị sự quan trọng của kinh tế toàn cầu như thương mại- đầu tư quốc tế, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy cải cách quản trị kinh tế toàn cầu.

Kết quả của G20 lần này có xu thế chung về thúc đẩy liên kết và tăng cường hợp tác về thương mại và đầu tư của các nước trên thế giới vẫn là chủ đạo. Chính cái đó cũng tác động rất lớn đến chủ đề và các ưu tiên của chúng ta trong năm APEC 2017, tạo động lực mới cùng vun đắp tương lại chung. Đồng thời tăng cường liên kết cũng như tự do hóa thương mại cũng như khu vực châu Á-Thái Bình Dương, tác động bổ trợ chung cho thế giới. Những nội dung chúng ta nêu tại APEC cũng đã được chuyển hóa vào tinh thần Hội nghị G20.

Trên tinh thần đó, các đoàn tham dự G20 khi gặp Thủ tướng đều chúc mừng, bày tỏ sự coi trọng vai trò, vị thế cũng như sự tham dự của Việt Nam tại các hội nghị G20, hoan nghênh các ý kiến đóng góp mang tính xây dựng và có trách nhiệm của Việt Nam và mong muốn chúng ta tiếp tục phát huy vai trò chủ nhà APEC 2017 để thúc đẩy chương trình nghị sự APEC và là cơ sở thúc đẩy tự do thương mại và tự do toàn cầu.

Đây là yếu tố rất thuận lợi để Việt Nam tiếp tục nâng cao vị thế tại các diễn đàn đa phương quan trọng, nhất là chuẩn bị tốt và tổ chức thành công Năm APEC 2017.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Châu Như Quỳnh (ghi)