“Tuyên thệ hành động vì danh dự, Chủ tịch Quốc hội nhắc nhở về trách nhiệm”

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội kỳ cựu Dương Trung Quốc nhận xét về lời phát biểu nhậm chức có nhiều điểm mới lạ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trong lễ tuyên thệ sáng nay “cùng Quốc hội hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và niềm tự hào của dân tộc”…

- Lần thứ 2 đứng trên bục tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội trong vòng 4 tháng, lời phát biểu của bà Nguyễn Thị Kim Ngân hôm nay có nhiều điểm khác lần trước, gây ấn tượng với lời cam kết sau cùng, "sẽ cùng Quốc hội hành động vì lợi ích của nhân dân, vì danh dự và niềm tự hào của dân tộc". Ông đánh giá thế nào về lời hứa này?

- Tôi nghĩ đó là một câu hay vì nói Quốc hội, tưởng là một cái gì rất chung nhưng đó là từng con người, từng đại biểu một. Và với mỗi con người, cái quan trọng nhất là danh dự, là niềm tự hào của mình, chung nhất là trách nhiệm của một công dân nhưng cao hơn là trách nhiệm của người đại diện, trách nhiệm với cử tri bầu ra mình.

Vậy nên khi Chủ tịch Quốc hội nói đến danh dự, tôi cho rằng đó là sự nhắc nhở về trách nhiệm. Thực tế là trong cuộc sống, đôi khi người ta nghĩ Quốc hội là cái chung chứ không phải của riêng ai, của riêng mình. Đây chính là lời nhắc nhở về trách nhiệm. Uy tín của Quốc hội phụ thuộc vào những đại biểu Quốc hội biết giữ danh dự.

Ông Dương Trung Quốc tham gia Quốc hội đến nay là nhiệm kỳ thứ 4 liên tục.
Ông Dương Trung Quốc tham gia Quốc hội đến nay là nhiệm kỳ thứ 4 liên tục.

- Vậy còn về niềm tự hào dân tộc, theo ông vì sao Chủ tịch Quốc hội lại nhắc đến niềm tự hào dân tộc trong lần phát biểu này mà lần tuyên thệ 4 tháng trước không có?

- Có thể là do trong bối cảnh này, hơn bao giờ hết chúng ta phải đoàn kết mà đoàn kết chính là trên nền tảng niềm tự hào dân tộc, trách nhiệm với dân tộc. Điều đó có nghĩa, Chủ tịch Quốc hội đang nói đến những thử thách Quốc hội chúng ta phải đối đầu.

- Nói như vậy nghĩa là ông cho rằng Quốc hội đang đứng trước những thử thách mới khác với những giai đoạn trước?

- Người ta nói nhiều đến thử thách từ bên ngoài, từ câu chuyện ngoài Biển Đông, chuyện những đối tác từ nước ngoài vào làm ăn và gây tổn thất cho chúng ta. Nhưng hơn ai hết, thử thách lớn nhất là ta phải đối đầu với chính mình mà tự mình phải vượt lên, đúng như căn dặn của các cụ “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”.

Đơn cử, ngay như câu chuyện Formosa, ta xử lý các đối tác nước ngoài vi phạm luật pháp Việt Nam là đúng nhưng tại sao lại để xảy ra chuyện đó? Chúng ta là chủ nhà mà ta xổng xểnh nên để xảy ra chuyện như vậy, ta phải tự trách mình. Và trong suốt quá trình đó, đại biểu Quốc hội chúng ta ở đâu, đại biểu Hà Tĩnh ở đâu?

Chuyện này cũng cho thấy chúng ta đồng thời cũng phải xem lại pháp luật của mình xem có kẽ hở nào không. Tại sao lại có chuyện người dân rất bức xúc vì khu công nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài thì người Việt Nam không được vào, như một tô giới dựng lên vậy? Tại sao lại có chuyện cấp phép đầu tư từ 50 năm thành 70 năm? Quy định của luật pháp rõ ràng có mà chính Quốc hội phải chịu trách nhiệm về việc đó.

Tôi còn nhớ chuyện giám sát về việc cho thuê đất rừng, ai cũng thấy là có vấn đề nhưng cuối cùng địa phương giải thích, họ làm đúng luật, đúng phân cấp. Chính việc đã làm đúng luật, đúng quy trình mà không kiểm soát được như thế là trách nhiệm của Quốc hội.

Tôi cho rằng chính lúc này, câu nói của Chủ tịch Quốc hội nói đến trách nhiệm cá nhân, trách nhiệm của mỗi đại biểu Quốc hội là xác đáng.

- Là người đã tham gia Quốc hội rất nhiều năm, có lẽ là một trong những nghị sĩ nhiều “tuổi nghề” nhất tại Quốc hội hiện nay, vậy từ khi bà Kim Ngân được bầu làm Chủ tịch Quốc hội cuối khoá XIII đến nay, ông đánh giá thế nào về vị Chủ tịch Quốc hội này?

- Chỉ số tín nhiệm của bà Kim Ngân đã rất nhiều lần được đánh giá thể hiện trong Quốc hội. Tôi nghĩ, phong cách của bà rất phù hợp với vị trí người đứng đầu Quốc hội – đó là con người rất mềm mỏng nhưng cũng rất quyết liệt. Có lẽ đó là một phẩm chất ở những cán bộ nữ mà chúng ta chưa phát huy được hết.

- Nhiệm kỳ mới, như ông nói, thách thức với Quốc hội rất lớn. Đối chiếu với một cam kết của người vừa nhậm chức Chủ tịch Quốc hội đưa ra là sẽ đổi mới hoạt động của Quốc hội, ông mong muốn sự đổi mới từ điểm nào nhiều nhất?

- Tôi mong muốn tính chuyên nghiệp của Quốc hội cao hơn, phát huy tất cả những quyền năng mà luật pháp cho phép, nhất là trên lĩnh vực giám sát. Tức là, đại biểu Quốc hội phải thể hiện được cái quyền của mình, không bị hạn chế bởi những rào cản nào khác luật pháp.

- Đó là mong muốn của nhiều người mà lâu nay Quốc hội không phải không nhận thấy. Nhưng làm thế nào để phát huy một cách đột phá quyền của mỗi đại biểu Quốc hội, để Quốc hội có thực quyền hơn?

- Tôi cho rằng sự đột phá nằm ở những hành động thực tế, để mỗi đại biểu Quốc hội nhận thấy quyền của mình đến đâu chứ không phải chỉ trên giấy. Tôi lấy ví dụ một chuyện tôi rất suy nghĩ băn khoăn - chuyện người dân biểu tình. Tại sao khi đó đại biểu Quốc hội không có mặt? Bản thân mỗi đại biểu cũng lưỡng lự, e ngại là sự có mặt của mình ở đó nên hay không nên. Đó là điểm hạn chế của đại biểu Quốc hội mà tôi cũng vậy, mặc dù tôi thấy rất nhiều điều tích cực từ những biểu thị thái độ như thế của người dân.

- Nói về luật Biểu tình, đây rõ ràng là món nợ quá lâu với người dân mà Quốc hội vẫn chưa trả được?

- Đây chính là một câu hỏi mà bà Ngân sẽ phải trả lời với tư cách người đứng đầu Quốc hội. Trong việc thảo luận về chương trình xây dựng luật, tôi tin đây sẽ là một vấn đề được nêu ra.

- Xin cảm ơn ông!

P.Thảo (ghi)