Tướng Lê Quý Vương nói về những vũ khí sát thương chỉ bằng một nút bấm

(Dân trí) - Uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội đề cập những loại vũ khí tối tân chỉ nhỏ bằng một chiếc bút, thao tác bằng một nút bấm trên gọng kính… Thứ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Lê Quý Vương giải thích, những loại vũ khí laze, vũ khí hoá học như vậy cần điều chỉnh theo một phạm trù riêng…

Tướng Vương là đại diện cơ quan chủ trì soạn thảo Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ tham gia phiên thảo luận của UB Thường vụ Quốc hội về dự án luật này, chiều 20/1.

Báo cáo một số vấn đề xin ý kiến về dự thảo Luật, UB Quốc phòng – An ninh cho biết, có đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung quy định điều chỉnh đối với vũ khí sinh học, vũ khí hóa học, vũ khí hạng nặng, pháo hoa, pháo nổ, các loại đồ chơi nguy hiểm, vũ khí tự chế hoặc các loại có tính năng tương tự vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến nêu thực tế, vũ khí sát thương giờ không chỉ giới hạn ở cây súng mà một công cụ chỉ như chiếc bật lửa, cái bút, thậm chí thao tác chỉ bằng một nút bấm bé nhỏ nhưng có thể tiêu diệt ngay đối tượng. Ông Chiến muốn quy định của luật mở rộng hơn để ước định trước các tình huống có thể phát sinh.

“Cần quy định trường hợp nào các lực lượng được trang bị các loại vũ khí tối tân như vậy được "bấm nút" chứ nếu chỉ giới hạn trong quy định nổ súng tiêu diệt đối phương thì tình huống này biết làm sao. Người mang vũ khí có khi chỉ đeo trên gọng kính bấm một cái là xong, nhất là khi trong cự ly, khoảng cách gần, không hề có tiếng nổ, không có súng ống, vũ khí gì cầm trong tay cả… Như vậy thì quy định chỉ về việc nổ súng sẽ là hạn hẹp” – ông Chiến phát biểu.

Tướng Lê Quý Vương giải trình thêm một số nội dung về khái niệm vũ khí quân dụng, trường hợp nổ súng... trước UB Thường vụ Quốc hội.
Tướng Lê Quý Vương giải trình thêm một số nội dung về khái niệm vũ khí quân dụng, trường hợp nổ súng... trước UB Thường vụ Quốc hội.

Thứ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Lê Quý Vương giải thích, dự luật quy định Chính phủ ban hành danh mục về vũ khí quân dụng. Còn vấn đề những thiết bị hiện đại như vũ khí laze, vũ khí hoá học, gây chết người ngay, ví dụ như sử dụng thuốc độc, chỉ cần một kim tiêm, chọc vào có thể làm chết người ngay… là những loại trang bị như Chủ tịch Hội đồng Dân tộc nêu không thuộc phạm trù điều chỉnh của luật này.

Tướng Vương đề nghị giữ nguyên quy định về phạm vi điều chỉnh của luật với các loại vũ khí đã xác định vì mở rộng ra nữa sẽ rất phức tạp, khó bao quát hết.

Đối tượng “tử thủ” với khẩu AK hay cướp dao chém người – trường hợp nào được nổ súng?

Về quy định nổ súng (Điều 21), UB Quốc phòng – An ninh khái quát, có một số ý kiến đề nghị Luật này chỉ quy định mang tính nguyên tắc nổ súng, còn việc nổ súng trong các trường hợp cụ thể đề nghị quy định trong các luật chuyên ngành.

Một số ý kiến khác cho rằng, Luật này cần quy định cụ thể về nguyên tắc và các trường hợp nổ súng, không giao các Luật khác quy định về nổ súng để bảo đảm thực hiện thống nhất, một số trường hợp đặc biệt có thể quy định trong Luật chuyên ngành nhưng phải bảo đảm tuân thủ các quy định về nổ súng tại Luật này.

Thường trực UB Quốc phòng – An ninh nhận định, việc nổ súng của các lực lượng được trang bị vũ khí quân dụng cần quy định đầy đủ về nguyên tắc và các trường hợp được phép nổ súng làm căn cứ để các lực lượng thi hành công vụ thực hiện; đồng thời là cơ sở để các luật chuyên ngành cụ thể hóa quy định về nổ súng cho phù hợp.

Vì vậy, dự luật được giữ theo hướng quy định về nguyên tắc nổ súng và các trường hợp được nổ súng.

Với những ý kiến đề nghị quy định nổ súng phải bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật hình sự về phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết, tránh trường hợp lạm dụng hoặc nổ súng vượt quá giới hạn, cơ quan soạn thảo luật cũng khẳng định quy định trong dự thảo luật đã đảm bảo nguyên tắc này vì người sử dụng súng chỉ được nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật, phải hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.

Ngoài ra, cũng có ý kiến đề nghị không quy định lấy mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội làm căn cứ quyết định nổ súng, vì việc xác định mức độ nghiêm trọng của hành vi phải do cơ quan có thẩm quyền xác định theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, người thi hành công vụ không thể xác định được khi quyết định nổ súng. Nội dung này đã được tiếp thu, đưa vào bản dự thảo mới nhất.

Góp ý thêm, Chủ nhiệm UB Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho rằng, nổ súng phải được hiểu là quyết định bắn thẳng vào đối tượng, bắn để vô hiệu hoá, để tiêu diệt đối tượng chứ không chỉ đơn giản là “bắn bùm một cái vu vơ”, bắn chỉ thiên. Ông Định đề nghị giới hạn hẹp hơn nữa khái niệm này để làm rõ ý nghĩa của quyết định nổ súng.

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga tỏ ra chưa yên tâm với điều khoản quy định việc giao cho người cầm súng trách nhiệm xác định mức độ khẩn cấp, nguy hiểm của tình huống để hành động. Theo bà Nga, các trường hợp cụ thể được nổ súng đã được quy định ở 2 điều khoản trước đó, cứ rơi vào những trường hợp này thì hành động, sao lại còn giao cho người được quyền nổ súng xác định mức độ, tình huống?

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu thì thắc mắc về trường hợp được nổ súng không cần cảnh báo với “đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp thực hiện hành vi mua bán ma tuý”. Theo ông Lưu, thực tế hiện nay, thường người mua bán, vận chuyển ma tuý đều mang sẵn vũ khí trong người. Có cần thiết phải quy định để lúc nào cũng có thể nhắm bắn người phạm tội trong trường hợp này?

Trả lời các câu hỏi đặt ra, Thượng tướng Lê Quý Vương khẳng định, quy định nổ súng đã được thiết kế chặt chẽ với nguyên tắc chung là người cầm súng hoặc người chỉ huy người cầm súng phải căn cứ vào tính chất, mức độ hành vi phạm tội để đưa ra quyết định nổ súng.

Tướng Vương dẫn chứng một vụ việc cụ thể, đối tượng cầm vũ khí, “tử thủ” với một khẩu AK, nhiều lựu đạn, đạn được khác… khi đó, người chỉ huy việc vây bắt đối tượng đã quyết định ra lệnh nổ súng tiêu diệt đối tượng. Trong khi đó, một vụ việc khác xảy ra tại Hải Phòng vài năm trước, một đối tượng đang bị dẫn giải thoát ra được, chạy vào nhà dân, cướp được con dao và chém loạn xạ. Lực lượng áp giải khi đó băn khoăn mãi về việc nên hay không nổ súng, hệ quả, nhiều người đã bị đối tượng chém trọng thương.

“Các trường hợp diễn ra trong thực tế rất phức tạp. Như vụ đấu súng tại Vân Hồ, Sơn La năm trước, có đến hàng chục đối tượng có vũ khí, từng toán vũ trang chống lại lực lượng bảo vệ pháp luật, khiến nhiều cán bộ đã hi sinh. Quyết định nổ súng trong những tình huống cụ thể đó đòi hỏi phải thật nhanh lẹ, quyết đoán” – Thứ trưởng Bộ Công an chia sẻ.

P.Thảo